1. Thời điểm nên cho trẻ ăn dặm
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ nhỏ cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Sau thời gian này, trẻ cần được cho ăn bổ sung (ăn dặm) hợp lý để đáp ứng với nhu cầu phát triển của trẻ. Đồng thời tiếp tục duy trì cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất cho đến khi trẻ được 18-24 tháng.
Khi trẻ được 6 tháng tuổi, nguồn sữa mẹ lúc này không còn cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ, hệ tiêu hóa của trẻ đã dần hoàn thiện nên có thể tiêu hóa được những loại thức ăn đậm đặc hơn sữa mẹ.
Thực đơn ăn dặm của trẻ cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm:
- Tinh bột: Chủ yếu là gạo tẻ, gạo tám mới.
- Chất đạm: Thịt, cá, trứng, sữa, cua, tôm… Khi mới bắt đầu tập ăn dặm nên dùng thịt nạc (lợn, gà), lòng đỏ trứng gà giàu đạm, béo, dễ tiêu. Từ tháng thứ 7 có thể cho ăn thịt bò, cá, tôm, cua… Tháng thứ 8 trở đi trẻ cần ăn đa dạng hơn.
- Chất béo: Trẻ cần được ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ lợn...), với tỷ lệ tốt nhất là tỷ lệ 1:1. Nên cho ăn đa dạng các loại dầu thực vật (đậu nành, mè, ôliu...). Riêng dầu gấc chỉ nên cho ăn 1- 2 lần/tuần để tránh vàng da do thừa caroten.
- Vitamin và khoáng chất: Các loại rau và trái cây như: cà rốt, củ cải, bí đỏ, rau ngót, rau dền, chuối, cam, táo, đu đủ…
2. Có nên cho muối vào bột ăn dặm của trẻ không?
Theo ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên, thành viên Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Việt Nam, tùy vào từng giai đoạn mà lượng muối cung cấp cho trẻ là khác nhau.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhu cầu muối cho trẻ nhỏ được quy định như sau:
- Nhóm 0-5 tháng tuổi: 0,3g muối/ngày (hoặc 100mg natri/ngày)
- Nhóm 6-11 tháng tuổi: 1,5g muối/ngày (hoặc 600mg natri/ngày)
- Nhóm 1-2 tuổi: 2,3g muối/ngày (hoặc dưới 900 mg natri/ngày)
Tuy nhiên lượng muối ở trong các thực phẩm tự nhiên như gạo, ngô, thịt… đã có hàm lượng natri nhất định đủ cho nhu cầu của trẻ. Ví dụ như sữa có khoảng 240mg natri/l hoặc 75mg natri cho một bát bột trẻ em. Vì vậy, đối với trẻ em dưới 1 tuổi thì bố mẹ chỉ nên cho trẻ dùng thực phẩm thông thường mà không nên nêm muối để tránh dẫn tới thừa natri.
3. Một số thực đơn cho trẻ trong giai đoạn mới tập ăn dặm
Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ tinh đến thô, từ một loại đến nhiều loại.
Khi mới tập ăn cần nấu bột lỏng, từ tháng thứ 9 bé có thể tập cho trẻ ăn cháo nghiền rồi chuyển sang cháo đặc.
Dưới đây là một số thực đơn cho trẻ mới tập ăn dặm từ 6-8 tháng tuổi theo hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cha mẹ có thể tham khảo để chế biến bột ăn dặm phù hợp cho trẻ:
3.1. Bột đậu xanh + bí đỏ
- Bột gạo tẻ: 15g (tương đương 3 thìa cà phê)
- Bột đậu xanh: 10g (tương đương 2 thìa cà phê)
- Bí đỏ: 4 miếng nhỏ nghiền nát
- Mỡ ăn (dầu ăn): 1 thìa cà phê
- Nước: 1 bát con
3.2. Bột tôm
- Bột gạo tẻ: 20g (tương đương 4 thìa cà phê)
- Tôm biển tươi (bỏ vỏ, giã nhỏ): 15g (tương đương 3 thìa cà phê)
- Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa
- Mỡ (dầu ăn): 1 thìa
- Nước 1 bát con
3.3. Bột trứng
- Bột gạo tẻ: 20g (tương đương 4 thìa cà phê)
- Trứng gà: 1 lòng đỏ trứng gà hoặc 4 lòng đỏ trứng chim cút (tương đương với 10g)
- Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa cà phê
- Nước: 1 bát con
3.4. Bột thịt
- Bột gạo tẻ: 20g (tương đương 4 thìa cà phê)
- Thịt nạc: 10g (tương đương 2 thìa cà phê)
- Mỡ (dầu ăn): 1 thìa cà phê
- Nước: 1 bát con
3.5. Bột cá
- Bột gạo tẻ: 20g (tương đương 4 thìa cà phê)
- Cá quả gỡ bỏ sạch xương: 10g (tương đương 2 thìa cà phê)
- Mỡ (dầu ăn): 1 thìa cà phê
- Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa cà phê
- Nước: 1 bát con
3.6. Bột gan (gan gà, gan lợn)
- Bột gạo tẻ: 20g (tương đương 4 thìa cà phê)
- Gan (gà, lợn) băm hoặc nghiền nát: 10g (tương đương 2 thìa cà phê)
- Mỡ (dầu ăn): 1 thìa cà phê
- Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa cà phê
- Nước: 1 bát con
Xem thêm video đang được quan tâm
Bác sĩ khuyến cáo điều cha mẹ nên làm khi trẻ mắc Adenovirus điều trị tại nhà.