Nay cháu 1 tuổi, tôi vẫn phải cho dùng thuốc này, cháu mới có phản xạ đại tiện. Vậy tôi có thể cho cháu dùng microlax thường xuyên và lâu dài được không, có gây hại gì không?
Thanh Trà (Quảng Bình)
Táo bón là chứng bệnh khá phổ biến ở trẻ em và do nhiều nguyên gây ra. Khoảng 25% trường hợp táo bón khởi phát ngay trong năm đầu đời. Trẻ bị táo bón vài ngày mới đi ngoài một lần, phân rắn, trẻ phải mất nhiều lực mới tống xuất được phân. Do vậy, trẻ dễ bực tức không được vui vẻ, ăn uống kém hơn trẻ khác do sự điều hòa tiêu hóa thiếu cân bằng.
Thuốc microlax dành cho trẻ em có chứa sorbitol 70% dạng tinh thể, có tác dụng thúc đẩy sự hydrat - hoá các chất chứa trong ruột. Sorbitol kích thích tăng nhu động ruột nhờ tác dụng nhuận tràng thẩm thấu, do vậy kích thích việc tống xuất phân dễ dàng hơn. Thuốc được chỉ định điều trị triệu chứng táo bón cho trẻ em do các nguyên nhân ở vùng trực tràng và hậu môn, dùng thụt tháo cho bệnh nhi chuẩn bị nội soi trực tràng…
Con của chị bị táo bón đã được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân thực thể. Cháu bé bị táo bón do hẹp cơ thắt hậu môn do vậy phản xạ đi đại tiện của cháu kém, vài ngày mới đi ngoài một lần khi trực tràng đã quá đầy. Việc dùng thuốc chống táo bón là để làm mềm phân và kích thích tại đoạn cuối trực tràng, cho cháu có phản xạ đi ngoài. Tuy nhiên không nên cho bé dùng thuốc chống táo bón thường xuyên và coi đó là giải pháp để bé đi ngoài. Chỉ nên dùng thuốc chống táo bón khi thật cần thiết, không nên dùng kéo dài có thể gặp tác dụng phụ là gây cảm giác rát bỏng tại chỗ và gây viêm đại trực tràng sung huyết (ít gặp). Do cháu còn quá nhỏ và cơ chế hoạt động của các cơ quan chưa hoàn chỉnh, vì vậy việc dùng thuốc chống táo bón thường xuyên có thể sẽ khiến bé bị lệ thuộc thuốc, ảnh hưởng tới phản xạ đi ngoài tự nhiên của bé. Như vậy tình trạng táo bón càng nặng hơn, việc điều trị sẽ khó khăn.
Để chống táo bón và khắc phục tình trạng của cháu, chị nên cho bé ăn thức ăn mềm, lỏng, nhiều chất xơ và hoa quả, uống nhiều nước để dễ tiêu hóa và làm mềm phân. Chị có thể tham khảo các phương pháp tác động nhẹ bên ngoài hậu môn để kích thích phản xạ đi ngoài cho bé. Nếu tình trạng táo bón của bé không thuyên giảm, chị nên cho cháu đi khám tiêu hóa nhi để bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp.