Không nên cấm vì dịch vụ này xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống
Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường. Cần quy định điều kiện KD chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh. Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm “KD dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc KD dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với ý kiến đề nghị không nên cấm “KD dịch vụ đòi nợ”, và cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty KD dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện KD dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình KD này.
Qua thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, nhưng để hạn chế tiêu cực phát sinh cần bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp (DN) KD dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình KD này; hoặc có thể xem xét thay tên “dịch vụ đòi nợ thuê” thành tên gọi “dịch vụ xử lý nợ”.
Thời gian qua, dịch vụ kinh doanh đòi nợ đã có những biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội.
Tại sao không dùng các thiết chế hiện có mà phải qua trung gian đòi nợ?
Thảo luận về vấn đề cấm hay không cấm đầu tư KD dịch vụ đòi nợ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm nên giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình là cấm KD dịch vụ đòi nợ. Bởi quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý và thiết chế để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền hiện đại; các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật. “Quan hệ dân sự thì đã có các thiết chế giải quyết như trọng tài, tòa án, hòa giải. Tại sao anh không dùng các thiết chế hiện có mà phải qua trung gian đòi nợ thuê?” - ông Uông Chu Lưu đặt vấn đề. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ban đầu cho phép dịch vụ đòi nợ vì đánh giá sẽ giải quyết được yêu cầu đặt ra, song thực tế trong quá trình thực thi không mang lại hiệu quả tốt, dẫn đến nhiều DN, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Một vấn đề đặt ra là nếu quy định cấm “KD dịch vụ đòi nợ” thì xử lý thế nào đối với các DN đã được KD loại hình này cũng như các hợp đồng dịch vụ đã được ký kết? Theo ông Uông Chu Lưu, chỉ cần có quy định chuyển tiếp như cho sau 1 năm thì chấm dứt hoạt động, hợp đồng đã ký thì cho thực hiện đến hết thời hạn. Đi kèm với đó là công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Nêu ý kiến khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì dịch vụ đòi nợ là một thực tế. Không ít trường hợp lợi dụng, biến tướng nhưng nguyên nhân là chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này, chưa quy định chặt chẽ điều kiện KD.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoàn thiện báo cáo tiếp thu giải trình để gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó trình Quốc hội tại kỳ họp tới.