Lê Thị Nga (Hà Nội)
Đối với sự phát triển chiều cao của bé, bạn cần lưu ý 2 giai đoạn vàng, là khi trẻ khoảng 2-3 tuổi và giai đoạn dậy thì. Lúc này cần lưu ý đặc biệt đến dinh dưỡng và việc luyện tập thể dục thể thao (nhất là giai đoạn dậy thì). Việc tập luyện cũng góp khoảng 25-30% sức khỏe và sự phát triển của bộ xương. Từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng là thời điểm hormon tăng trưởng tiết ra từ não mạnh nhất trong thời gian này, nên cho bé ngủ trước 10 giờ đêm.
Hạn chế tối đa cho trẻ uống nhiều nước có ga (soda, coca...). Không cho trẻ tiếp xúc sớm với cafe, khói thuốc lá, bia rượu... làm giảm nồng độ canxi, vitamin D trong máu, làm mất canxi qua thận cũng đang là mối nguy hại với sức khỏe xương.
Cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng và tăng cường luyện tập có vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao.
Trên thị trường có quảng cáo một số loại sản phẩm tăng chiều cao, bạn không nên tự ý mua sử dụng. Lysine được quảng cáo chứa trong một số thuốc, sữa, thực phẩm chức năng là giúp tăng trưởng chiều cao. Nhưng lysine cũng như nhiều chất khác có thể tham gia vào một khâu nào nó trong quá trình khoáng hóa xương, nhưng việc uống lysine với hy vọng trẻ sẽ cao hơn là không có cơ sở khoa học.
Để cải thiện tầm vóc cho trẻ, chúng ta phải bắt đầu từ bữa ăn trong gia đình và bắt đầu từ khi người mẹ mang thai. Một chế độ ăn đầy đủ canxi, vitamin D, vitamin K2, kẽm, đạm... được cho là cách tốt nhất để trẻ phát triển tầm vóc.
Nhưng làm thế nào để biết con bạn đang nạp thiếu hay đủ các chất dinh dưỡng này? Cách tốt nhất là bạn nên đưa bé đi khám dinh dưỡng, bác sĩ sẽ tính toán dựa vào chế độ ăn của trẻ và đưa ra lời khuyên cụ thể.