Ngoại ngữ nên là môn thi bắt buộc hay tự chọn?
Sở dĩ dư luận quan tâm sớm đến kỳ thi THPT, vì năm 2025 là năm đầu tiên, lứa học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp lớp 12. Do đó, số môn thi, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh, phụ huynh và các nhà trường.
Chia sẻ với PV về vấn đề Ngoại ngữ nên là môn bắt buộc hay lựa chọn, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, Toán và Ngữ văn là môn thi bắt buộc. "Quan điểm của tôi không phải học gì thi nấy mà phải để cho học sinh lựa chọn. Với môn Lịch sử, không phải thi thì các em mới yêu đất nước, hiểu lịch sử, mà cần trau dồi trong quá trình học. Đối với môn Ngoại ngữ, trước đây chúng ta đề cao môn này để hội nhập nhưng thực tế cho thấy kết quả chưa thực sự khả quan. Nhiều em học chỉ để đối phó và phục vụ cho việc thi chứ không phải học để rèn luyện phát triển 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết".
Thầy Nguyễn Hữu Sản - nguyên giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, nên loại môn Ngoại ngữ khỏi môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là hợp lý vì giáo viên dạy môn học này ở nhiều trường miền núi chưa đủ số lượng và đồng bộ, còn học sinh thì còn nhiều hạn chế về khả năng, cơ hội tiếp xúc ngoại ngữ. "Theo tôi, Ngoại ngữ nên là môn thi lựa chọn thay vì bắt buộc. Thi tốt nghiệp THPT với 2 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn theo năng lực, sở trường vừa có thể đánh giá đúng năng lực và phẩm chất người học, vừa đảm bảo đúng theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra".
Thầy Vũ Khắc Ngọc – chuyên gia giáo dục thuộc Hệ thống giáo dục Học mãi cho rằng, Ngoại ngữ là môn học đặc thù, đặc thù về năng khiếu và đặc thù về nhu cầu. Do đó, nên để là môn thi tự chọn để ai có nhu cầu thật sự thì chọn thi. "Thực tế là cho dù có không thi bắt buộc Ngoại ngữ thì nhiều gia đình vẫn cho con học và thi IELTS vì nó phù hợp với nhu cầu của họ (xét tuyển ĐH bằng điểm IELTS/du học). Và ở chiều ngược lại, cũng có hàng triệu học sinh chỉ có nhu cầu làm các công việc không đòi hỏi "hội nhập quốc tế", không có nhu cầu phải thi Ngoại ngữ (học xong đi làm nông nghiệp, làm công nhân, học xong đi xuất khẩu lao động, học xong đi chạy Grab, buôn bán tự do, bán hàng online…). Việc bắt buộc thi Ngoại ngữ ở những đối tượng này chỉ là hình thức. Hãy để việc học Ngoại ngữ được tự điều tiết theo nhu cầu của cá nhân".
Không đồng quan điểm, một giáo viên dạy Tiếng Anh ở Hà Nội cho rằng, Ngoại ngữ đang ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam hội nhập toàn cầu, việc loại Ngoại ngữ khỏi môn thi bắt buộc có hại nhiều hơn lợi. "Tiếng Anh sẽ dần trở thành một ngôn ngữ phổ thông trong tương lai nên nếu bỏ thi bắt buộc môn Ngoại ngữ theo tôi là không phù hợp. Tôi không nói môn Ngoại ngữ quan trọng hơn môn nào nhưng thời buổi này thì Ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh đang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, chưa kể, Tiếng Anh còn giữ vai trò rất quan trọng trong các kỳ thi quốc tế như IELTS, TOEIC… Vấn đề bỏ Ngoại ngữ ra khỏi danh sách môn thi tốt nghiệp THPT, theo tôi, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc thật cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định".
Học sinh chọn phương án nào?
Dù môn Ngoại ngữ đã có trong chương trình 12 năm học, tuy nhiên, theo Phạm Thị Hà Linh (học sinh lớp 11 Trường THPT Yên Mô B, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) thì độ khó của từng Ngoại ngữ là khác nhau.
Nữ sinh chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, tiếng Anh là cần thiết, tuy nhiên, mỗi học sinh có khả năng tiếp thu và học Ngoại ngữ khác nhau, vì vậy, Hà Linh nghĩ Ngoại ngữ nên là môn thi lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. "Em thấy học tiếng Anh nên tùy thuộc vào đam mê và nhu cầu của từng người. Không phải ai cũng có thể học giỏi tiếng Anh, và sẽ là không công bằng nếu đưa Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc".
Em Huyền Anh (học sinh Trường THPT Đoàn Kết, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Kiến thức thì quá nhiều, quá tải, thậm chí ra ngoài xã hội em còn không sử dụng kiến thức mình học để giao tiếp. Theo em, ai cần Tiếng Anh và có nhu cầu thì học còn không có nhu cầu thì chỉ cần biết, hiểu và giao tiếp được".
Ngoài những ý kiến nên loại bỏ Ngoại ngữ khỏi môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, cũng có học sinh chia sẻ nên giữ.
Chia sẻ với PV, em Đặng Bảo Ngọc - Trường THPT Nhân Chính (TP.Hà Nội) cho rằng, việc học và thi Ngoại ngữ vô cùng cần thiết. Theo Ngọc, Ngoại ngữ đã trở thành phương tiện phổ biến và là yêu cầu cần thiết đối với mỗi người trong công việc và cuộc sống. "Em nghĩ nếu học tốt môn Ngoại ngữ thì cơ hội học tập và việc làm sẽ rộng mở hơn khi đất nước đang ngày càng phát triển và hội nhập với thế giới. Việc bắt buộc học và thi Ngoại ngữ là việc cần thiết, tạo cơ hội lớn cho tất cả học sinh chúng em".
Bộ GD&ĐT đang đưa ra các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để đáp ứng mục tiêu đánh giá học sinh nhưng không tạo áp lực cho thí sinh cũng như tốn kém cho xã hội. Theo đó, có 3 phương án thi là:
Phương án 4 + 2: Thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn gồm 4 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12).
Phương án 3 + 2: Gồm 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm môn Lịch sử).
Phương án 2 + 2: Thí sinh phải thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm môn Ngoại ngữ và Lịch sử).
Hiện không chỉ học sinh, phụ huynh học sinh mà chính các thầy cô giáo, nhà trường đều mong Bộ GD&ĐT có quyết định sớm về phương án kỳ thi THPT 2025. Bởi đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, do đó chưa rõ thi tốt nghiệp kiểm tra kiến thức cả 3 năm học hay chỉ tập trung kiến thức lớp 12.