Hà Nội

Có nên bỏ giấy khai sinh trong thời điểm hiện nay?

22-07-2014 23:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Một vấn đề đang rất “nóng” và gây nhiều tranh cãi giữa những “nhà làm luật” là nên hay không nên bỏ giấy khai sinh trong thời điểm hiện nay.

Một vấn đề đang rất “nóng” và gây nhiều tranh cãi giữa những “nhà làm luật” là nên hay không nên bỏ giấy khai sinh trong thời điểm hiện nay. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch, theo đó thì “thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho công dân từ khi mới sinh ra và sẽ thay thế giấy khai sinh”.

Như vậy, tương lai sẽ không còn giấy khai sinh mà thay vào đó là thẻ căn cước công dân (Luật căn cước công dân sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016 theo như dự thảo) sẽ được cấp cho công dân từ khi mới sinh ra. Thiết nghĩ, việc bỏ giấy khai sinh là không nên và có thể sẽ gây nên nhiều “hệ lụy” pháp lý trên thực tế, khi mà thời gian đến thời điểm năm 2016 là không còn nhiều.

Việc thay giấy khai sinh bằng thẻ căn cước là việc làm không dễ.

Việc thay giấy khai sinh bằng thẻ căn cước là việc làm không dễ.

Thứ nhất: Để làm được việc “tích hợp” các thông tin trên một giấy tờ là điều rất khó khăn và cần phải có thời gian. Cùng với đó thì cơ sở vật chất, hạ tầng và trang thiết bị... để phục vụ cho công tác này cần phải đảm bảo. Tuy nhiên, hiện nay như chúng ta thấy, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện vấn đề này còn chưa được trang bị kỹ càng về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị, đó là chưa nói đến việc cần phải có những trang thiết bị, hệ thống cơ sở dữ liệu, kỹ thuật cao và đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối thì mới có thể triển khai thực hiện được. Có như vậy thì mới tránh được việc lãng phí tiền của, công sức... và nhất thiết phải nghiên cứu kỹ cùng với trang thiết bị đảm bảo mới triển khai áp dụng, không để xảy ra tình trạng áp dụng thử, thí điểm... gây lãng phí.

Thứ hai: Theo như Dự thảo Luật căn cước công dân thì việc triển khai thực hiện và quản lý là do Bộ Công an. Đồng thời, đây là giấy tờ chứng minh và căn cứ, cơ sở để phục vụ cho công tác quản lý trong lĩnh vực an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn xã hội. Trong khi đó, thì giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch rất quan trọng, được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ liên quan đến quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, đặc biệt là đối với quyền trẻ em “mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được khai sinh”. Mặt khác, giấy khai sinh nói riêng, quản lý hộ tịch nói chung lại do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý từ trước đến nay. Như vậy, căn cước công dân và giấy khai sinh là hai giấy tờ không giống nhau, thể hiện mục đích khác nhau và do các ngành khác nhau thống nhất quản lý, có hệ thống cơ quan giúp việc và phương pháp, cách thức tiến hành khác nhau. Việc bỏ giấy khai sinh để thay vào đó là thẻ căn cước là việc làm không dễ, rất có thể sẽ xảy ra sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các cơ quan quản lý về trách nhiệm, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.

Thứ ba: Việc bỏ giấy khai sinh liệu đã phù hợp với quy định chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Vấn đề này rất cần các “nhà làm luật” nghiên cứu, xem xét để tránh gây phiền hà, khó khăn cho công dân của nước Việt Nam (đặc biệt là những công dân dưới 14 tuổi) khi xuất cảnh, nhập cảnh hoặc định cư ở một nước khác vì không phải quốc gia nào cũng bỏ việc thực hiện giấy khai sinh. Đến khi đó sẽ rất phức tạp cho công dân và người bảo hộ trong việc chứng minh và thực hiện các quy định theo yêu cầu về thủ tục hành chính.

Thứ tư: Yếu tố về nhân lực để triển khai vấn đề này cũng rất cần được quan tâm xem xét. Hầu hết việc đăng ký khai sinh hiện nay (và cấp căn cước công dân nếu được quy định thực hiện) là do công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã (một cơ quan nhất định cấp xã) thực hiện, trừ những trường hợp có yếu tố nước ngoài. Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này tại chính quyền cấp xã đã đảm bảo được tiêu chuẩn, năng lực... để đảm đương thực hiện hay chưa, đặc biệt là đối với đội ngũ công chức cấp xã tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo tôi thì vẫn còn đó những hạn chế, nhất là về nguồn nhân lực, thêm vào đó là trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho công tác. Với một thời gian ngắn thì khó có thể giải quyết được hạn chế này. Nguồn nhân lực trực tiếp triển khai thực hiện là yếu tố quyết định thành công trong công việc, chúng ta cần nên xem xét thật kỹ lưỡng và thấu đáo khi quyết định triển khai thực hiện.

Việc bỏ giấy khai sinh là việc làm chưa cần thiết, chưa cấp thiết, đặc biệt là trong tình hình thực tế như hiện nay. Để việc triển khai thực hiện được hiệu quả và thực tế, chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là tại chính quyền cấp cơ sở. Đồng thời, nên tăng cường đầu tư, trang bị cơ sở vật chất hạ tầng đáp ứng với yêu cầu công việc. Có như vậy thì mới đảm bảo yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thực tế.

NGUYỄN XUÂN VIỄN

 


Ý kiến của bạn