“Cô mụ” Sương

04-11-2011 15:37 | Xã hội
google news

Nhắc đến y sĩ Đinh Thị Tuyết Sương - Phó ban chuyên trách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) xã Phú Thành A, nhiều cán bộ và nhân dân quanh vùng thường gọi bằng danh xưng thật thân thương,

Nhắc đến y sĩ Đinh Thị Tuyết Sương - Phó ban chuyên trách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) xã Phú Thành A, nhiều cán bộ và nhân dân quanh vùng thường gọi bằng danh xưng thật thân thương, gần gũi và trìu mến là “cô mụ” Sương! Y sĩ Sương là một trong số ít cán bộ của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp sớm được tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp dân số”. Đây là niềm vinh dự, tự hào của y sĩ Tuyết Sương sau nhiều năm vượt khó, nhiệt tâm phấn đấu vì chính sách DS-KHHGĐ, góp phần làm chuyển đổi nhận thức của người dân một xã vùng sâu Đồng Tháp Mười trong việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, giảm nhanh tỷ lệ phát triển dân số ở địa phương.

Từ thị trấn Tràm Chim, qua cầu Tổng Đài, rồi xuôi theo tuyến tỉnh lộ 844 cặp bên dòng kênh Đồng Tiến để đến Trạm y tế xã Phú Thành A. Rất may, tôi đã gặp cô mụ Sương đang điều hành buổi họp cộng tác viên DS-KHHGĐ xã định kỳ hằng tháng. Khi biết được mục đích của cuộc gặp gỡ này, cô mụ Sương khiêm tốn từ chối, vì nghĩ rằng “mình vẫn còn kém so với một số đồng nghiệp khác”… Phải thuyết phục mãi, cô mụ Sương mới chịu dành thời gian để tiếp tôi. Qua trao đổi, cô mụ Sương kể: “Tôi sinh năm 1963, quê ở ấp Long Hưng, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Tốt nghiệp Trường trung học Y tế năm 1986, rồi được phân công về làm y sĩ điều trị tại Bệnh viện Tam Nông. Công tác được một năm thì tôi được phân công về Trạm y tế xã Phú Thành A phụ trách y sĩ sản - sinh đẻ kế hoạch”.

Năm 1987, y sĩ Sương nhận nhiệm vụ tại Trạm y tế xã Phú Thành A. Lúc bấy giờ, điều kiện sinh hoạt - công tác ở đây vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Đời sống người dân rất nghèo khổ, trình độ học vấn hạn chế, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, không có đường bộ, chỉ đi lại bằng đường thủy… rất mất thời gian, công sức. Chuyện sinh đẻ của chị em phải “phó thác” cho các “bà mụ vườn”. May mắn thì “mẹ tròn con vuông”, còn rủi ro thì hậu quả khó lường! Y sĩ Tuyết Sương bộc bạch: “Khi được phân công về công tác tại Trạm y tế xã Phú Thành A, bản thân tôi thấy xã Phú Thành A lúc bấy giờ điều kiện đường sá đi lại rất khó khăn. Khi tiếp xúc với người dân, chúng tôi phải đi bằng xuồng hoặc lội bộ. Đến năm 1993, tôi được được phân công kiêm nhiệm công tác DS-KHHGĐ. Khi được phân công, tôi rất trăn trở không biết công tác này mình có làm được hay không. Nhưng suy nghĩ lại thì thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ những chị em phụ nữ tại địa phương này. Vì trình độ dân trí ở đây còn rất lạc hậu, họ còn quan niệm là trời sanh voi sanh cỏ nên mỗi phụ nữ đẻ từ 5 - 6 con trở lên. Để đạt được mục tiêu của trên giao thì tụi tui phải đến vận động, tuyên truyền để người dân ý thức được rằng sanh ít để có sức khỏe mà phục vụ cho xã hội, đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho gia đình”. Từ khi y sĩ Tuyết Sương có mặt tại địa phương thì chuyện đỡ đẻ đã được thay đổi nâng lên theo hướng khoa học. Người dân không còn phải chịu sự may rủi khi phải “đi biển mồ côi một mình”…

 Y sĩ Đinh Thị Tuyết Sương.

Ở vùng quê hẻo lánh này, cô mụ Sương luôn thấu hiểu cảnh nghèo đói của nhiều hộ dân là sinh đẻ nhiều nên chị đã làm việc rất tích cực, không quản ngại gian nan, vất vả. Với tấm lòng đam mê và bằng sự kiên trì, xông xáo, quyết tâm phấn đấu, nỗ lực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, y sĩ Tuyết Sương thường xuyên được lãnh đạo ngành DS-KHHGĐ và ngành y tế cấp trên triển khai, hướng dẫn và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ do tỉnh, huyện tổ chức. Y sĩ Tuyết Sương còn dành thời gian nghiên cứu tài liệu chính sách về DS-KHHGĐ, nghe đài, xem tivi, đọc báo, nhất là báo Đồng Tháp, báo Sức khỏe&Đời sống, báo Gia đình và Xã hội… để trang bị thêm kiến thức, nâng cao trình độ. Đến nay, trải qua hơn 24 năm công tác trong ngành y tế và gần 20 năm phụ trách chương trình DS-KHHGĐ, có rất nhiều lần chị Sương trực tiếp đi tuyên truyền, vận động thực tế, tiếp xúc với nhiều đối tượng… giáo dục, thuyết phục người dân tự nguyện chấp nhận áp dụng quy mô gia đình ít con - khỏe mạnh - hạnh phúc - giàu có. Từ đó, chị đã tích lũy được khá nhiều kiến thức bổ ích và những kinh nghiệm quý để vận dụng vào nhiệm vụ kịp thời, đúng lúc và đạt hiệu quả cao… Y sĩ Tuyết Sương còn xây dựng mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ nhiệt tình, tâm huyết phụ trách ở từng khu vực dân cư, tranh thủ kinh phí mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ để nâng cao kiến thức và cùng các thành viên đến tận từng xóm, ấp, cụm - tuyến dân cư để điều tra, nắm chắc các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng KHHGĐ; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh từng gia đình mà có kế hoạch tư vấn kịp thời, đúng lúc… Bên cạnh những lần đến tận nhà đối tượng để vận động, cấp phát những phương tiện tránh thai, y sĩ Sương còn tranh thủ thuyết phục những người quen khi có dịp gặp nhau trong cuộc sống thường ngày. Y sĩ Sương luôn bám sát địa bàn, tổ chức họp tổ - nhóm, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng gia đình, từng đối tượng và tham mưu với Trưởng ban DS-KHHGĐ xã, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ vốn kịp thời cho những hộ khó khăn đã thực hiện KHHGĐ bằng biện pháp triệt sản để họ có vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình… Một câu hỏi luôn đặt ra đối với y sĩ Tuyết Sương là: Làm thế nào để giúp đối tượng hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch? Từ đó, y sĩ Sương luôn tìm mọi cách tiếp cận với những gia đình đông con, khó khăn và các gia đình đã có đủ 2 con để tâm tình, giải thích cặn kẽ và thuyết phục họ chấp nhận thực hiện sinh đẻ có kế hoạch bằng các biện pháp tránh thai (BPTT) thích hợp, an toàn… Là một y sĩ phụ trách Khoa Sản, nên chị Tuyết Sương có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với nhiều phụ nữ nên được nhiều chị em tin tưởng. Khi chị em đến sinh nở hoặc khám phụ khoa, chị Sương cũng tranh thủ tìm hiểu hoàn cảnh cuộc sống… Và khi nắm chắc đối tượng rồi mới đi vận động. Ít khi nào chị nói một lần mà đối tượng nghe, phải nhiều lần giải thích, động viên, phân tích lợi-hại, đối tượng mới đồng ý đi triệt sản. Nếu lúc vận động, gặp đối tượng phản ứng quyết liệt thì chị cũng sẵn lòng cảm thông và bình tĩnh tìm mọi cách giúp đỡ đối tượng vượt qua khó khăn; tuyên truyền, thuyết phục đối tượng hiểu rõ về chính sách KHHGĐ là thiết thực và lợi ích cho gia đình mình. Vận dụng phương châm “mưa dầm thấm sâu”, “lạt mềm buộc chặt”… Từ đó, chị kiên trì giải thích cho đối tượng hiểu: nếu để sinh con nhiều thì sẽ có tác hại cho bà mẹ và trẻ em; rồi sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và xã hội… Tiếp đó, y sĩ Sương còn chứng minh thực tế cho bà con thấy việc triệt sản của gia đình mình đến nay tình trạng sức khỏe và sinh hoạt vợ chồng vẫn bình thường; đời sống vật chất, tinh thần đã được cải thiện; con cái đều được học hành và có việc làm ổn định; gia đình đã hạnh phúc hơn… Y sĩ Sương bày tỏ: “Mình làm công tác DS-KHHGĐ, nếu mình không làm gương thì mình không vận động, tuyên truyền được người dân. Do đó, khi đẻ con thứ hai thì mình quyết định thực hiện KHHGĐ để đảm bảo hạnh phúc gia đình. Lúc đó, bản thân rất ốm yếu nên ông chồng nói: mình mạnh khỏe để mình đi thay cho vợ mình nên thống nhất cho chồng đi triệt sản. Từ lúc ổng triệt sản tới giờ không còn lo con cái khổ sở, vợ chồng cùng nhau chí thú làm ăn chứ không lo đẻ nữa. Khi mình đã tự nguyện triệt sản rồi thì mình lấy gương đó đi vận động rất dễ. Vì thế mà năm đó có rất nhiều đối tượng nam đi triệt sản, trong năm mươi mấy ca triệt sản có 5 ca nam. Và sau khi đối tượng đi triệt sản về nhà, chị Sương cùng với cộng tác viên thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ đối tượng… Từ đó, đã tạo được niềm tin cho mọi người!

Chính sự kiên trì, bền bỉ như thế, y sĩ Tuyết Sương luôn nhẹ nhàng thuyết phục, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả việc làm cụ thể nên nhận thức của nhân dân về công tác DS-KHHGĐ đã được chuyển biến tích cực, nâng cao. Năm nào công tác DS-KHHGĐ ở xã Phú Thành A cũng đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Đến cuối năm 2010, toàn xã đã có 1.645 cặp vợ chồng áp dụng các BPTT, đưa tỷ lệ các cặp vợ chồng đang áp dụng các BPTT hiện đại lên 76,51%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,68%... Trong năm 2010, xã Phú Thành A có 268 phụ nữ đặt vòng, 200 nam giới sử dụng bao cao su, 332 phụ nữ uống thuốc viên tránh thai, 290 người tiêm thuốc ngừa thai và 4 người triệt sản. Riêng 11 tháng đầu năm 2011, xã Phú Thành A đã có thêm 1.208 người áp dụng các BPTT hiện đại, đạt hơn 113% chỉ tiêu. Trong đó, có 264 phụ nữ đặt vòng, 240 nam giới sử dụng bao cao su, 386 phụ nữ uống thuốc tránh thai, 311 người tiêm thuốc ngừa thai, 1 người cấy thuốc ngừa thai và 6 người triệt sản. Gần 20 năm qua, y sĩ Tuyết Sương lặn lội xuống từng nhà vận động được gần 250 chị em chấp nhận đặt vòng tránh thai, 28 trường hợp triệt sản và nhiều đối tượng áp dụng các BPTT thích hợp. Nổi bật có nhiều đối tượng triệt sản nhưng gia cảnh quá neo đơn, y sĩ Sương đã đề xuất với lãnh đạo địa phương hỗ trợ vốn vay từ các nguồn quỹ tín dụng và giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm… để họ làm ăn, tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Dù trải qua nhiều gian khó, y sĩ Tuyết Sương vẫn cố gắng, nỗ lực vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi, bên cạnh chị còn có sự động viên, chia sẻ, góp sức của chồng con. Y sĩ Tuyết Sương cũng muốn bà con địa phương xóa bỏ quan niệm, tập tục lạc hậu như: “trời sinh voi sinh cỏ”, “có con trai để nối dõi tông đường”… mà nâng cao nhận thức “gia đình chỉ một, hai con - ấm no, hạnh phúc, nước non mạnh giàu”, “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”… để có cuộc sống sung túc, thoát cảnh nghèo khó, cực nhọc do gia đình đông con… Ông Trần Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành A, Trưởng ban DS-KHHGĐ xã nhận xét: “Phú Thành A là xã vùng sâu của huyện Tam Nông còn lắm khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế… nên dẫn đến việc thực hiện KHHGĐ ở đây còn khá cao. Từ năm 1993 đến nay, khi y sĩ Tuyết Sương làm Phó ban chuyên trách DS-KHHGĐ thì nhận thức của người dân được nâng lên, số cặp vợ chồng áp dụng KHHGĐ tăng đáng kể! Y sĩ Tuyết Sương rất linh hoạt và tâm huyết với công tác này nên đã đưa xã Phú Thành A vươn lên nhiều năm liền là điểm sáng về công tác DS-KHHGĐ của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Người dân ở đây thường gọi y sĩ Tuyết Sương bằng danh xưng thật gần gũi là “cô mụ Sương”!”

Từ năm 1993 đến nay, xã Phú Thành A liên tục đạt thành tích xuất sắc về công tác DS-KHHGĐ của huyện Tam Nông và tỉnh Đồng Tháp, được ngành UBND tỉnh, huyện và ngành DS-KHHGĐ các cấp tặng nhiều bằng khen kèm hiện vật. Bản thân y sĩ Đinh Thị Tuyết Sương cũng vinh dự nhận được nhiều Giấy khen của UBND tỉnh, huyện và ngành DS-KHHGĐ các cấp… Đặc biệt, vào cuối năm 1997, y sĩ Tuyết Sương đã vinh dự được tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp dân số”. Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” 5 năm liền. Nhìn gương mặt và nụ cười rạng rỡ của y sĩ Tuyết Sương, tôi hiểu được trong đó là cả một quá trình kiên trì, tích cực, làm việc vất vả và cả niềm đam mê, hạnh phúc của một nữ y sĩ luôn mang niềm vui đến cho mọi người, giúp nhiều gia đình nhẹ bớt lo toan trong cuộc sống bộn bề khó khăn. 

  Trần Trọng Trung (Đồng Tháp)


Ý kiến của bạn