Jean Piere Fumery - tên đầy đủ của ông là như vậy nhưng đối với chúng tôi - 12 bác sĩ Việt Nam đã từng theo học tại Tarbes, Cộng hòa Pháp giai đoạn 1999-2014, chỉ gọi thân mật là Jean Pierre, có khi viết email tôi chỉ ghi là JP, ông cũng không mắng mỏ hay giận dỗi. JP đã từng lái máy bay vận tải trong quân đội, tham chiến ở Algerie. Giải ngũ, ông là kỹ sư của Công ty điện lực Pháp (EDF). Cũng như đa phần cựu chiến binh thời đó, sau khi trở về Pháp, ông lấy vợ, sinh con, sống cuộc sống yên bình. Với cuộc chiến Algerie, ông chỉ nhìn “từ trên cao” vì là lính không quân, nhưng với Việt Nam 20 năm chiến tranh chống Mỹ sau năm 1954 đã thu hút tình cảm và quan tâm sâu sắc của ông. Ông không bao giờ giải thích tại sao ông yêu Việt Nam, giúp đỡ nhiệt thành các bác sĩ Việt Nam sang học tập tại đó. Tại sao ông là đại diện của Hội ái hữu với Việt Nam - Lào - Campuchia tại vùng Midi Pyréné miệt mài trong 20 năm cũng không ai biết.
Được học tập tu nghiệp ở nước ngoài là cơ hội cho bác sĩ Việt Nam nâng cao trình độ, cống hiến nhiều hơn cho y học nước nhà. Ảnh: TM
15 năm làm bố nuôi của những bác sĩ FFI Việt Nam, nhà ông rất nhiều đồ lưu niệm của Việt Nam nhưng không thấy huân chương hay giấy khen nào của Việt Nam hay hội ái hữu tặng cho ông. Trầm tính, tử tế, chăm chỉ ngần ấy năm, ông đưa chúng tôi đi đăng ký ký túc xá, làm thẻ ngân hàng, thẻ sinh viên. Hàng tuần, ông đều gọi điện mời đến nhà ăn cơm, hỏi han gia đình, công việc. Thứ tiếng Pháp bập bẹ của chúng tôi nhờ được giao tiếp trau dồi ngày càng tiến bộ lên. Hai vợ chồng ông về hưu, kinh tế không dư dả lắm, con cái đều lập gia đình ở xa, sức khỏe ngày càng yếu nhưng không bao giờ ông chùn bước trong việc chăm sóc chúng tôi. Ông nhớ hoàn cảnh từng người, biết là chúng tôi rất nhớ vợ con nên cuối tuần lại chở đi chơi đó đây cho nguôi ngoai. Chúng tôi mãi không quên những hình ảnh về thiên nhiên tươi đẹp, ký ức về con người tử tế và nhân hậu, kiến thức từ những người thầy nay có người đã mất, đã nghỉ hưu của nước bạn. Ông nghiêm khắc và gia trưởng nhưng cũng có những lúc trùng xuống vì yêu thương chúng tôi. Thông minh và cần cù lắm bởi vì ông có một xưởng cơ khí trong nhà. Tôi thấy ông cặm cụi sửa chữa, mài lắp suốt. Phần lớn là việc của gia đình, có khi là chính chiếc xe đạp của tôi được ông chăm bẵm rất thường xuyên.
Có thêm con thứ hai, tôi tiếp tục công việc bộn bề trong bệnh viện… Tuy liên lạc thường xuyên nhưng mãi 10 năm sau tôi mới quay lại Pháp thăm ông. Ông vẫn còn tráng kiện và minh mẫn lắm. Tuổi đã chín, vốn tiếng Pháp vẫn còn, chúng tôi nói chuyện đủ thứ trên đời. Ông hỏi thăm từng đứa con Việt Nam một, mừng cho chúng tôi đã có cuộc sống khá hơn. Chúng tôi lại ngao du trên những nẻo đường xưa, thăm những người bạn cũ. Mười năm đủ để vĩnh viễn không còn gặp lại một vài người, một số bác sĩ trong khoa đã về hưu, do kinh tế Pháp đi xuống, bệnh viện cũng cùng chung số phận… Biết ông đã sang tuổi 85, tôi lại khăn gói lên đường thăm ông một lần nữa. Ông phấn khởi lắm, khoe là đã mua xe ôtô mới để chở tôi đi chơi. JP không được khỏe. Ông thở một cách mệt nhọc kể cả lúc ngồi chơi. Chúng tôi ôn lại chuyện xưa, ông đọc ngấu nghiến cuốn Lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp rồi một tối ông gấp sách lại nói “Lịch sử của Việt Nam và Pháp rất giống nhau vì những cuộc chiến triền miên trong quá khứ, may thay trang sử hiện tại là hòa bình và hữu nghị cho cả hai”. Tôi liên tục giục ông đi khám nhưng JP vốn rất gia trưởng và kiên cường... không đi. Ông luôn tự cười đùa với tuổi già và cái chết. Rồi vài ngày sau khi tôi về nước thì nhận được email của con trai ông: JP ra đi do ngừng tim vào ngày thứ hai…
Vĩnh biệt người bạn già yêu quý nhé! Ông sẽ ở mãi trong trái tim chúng tôi, vợ con và gia đình chúng tôi bởi Jean Piere đã là cái tên thân thiết của gần hàng trăm bác sĩ đã du học tại miền Nam nước Pháp cùng với hàng trăm gia đình, bạn bè và con cái họ. Tôi nhớ mãi cái ôm của ông trong sân ga, câu nói sau cùng của ông “đáng tiếc là mày phải về Việt Nam, rất xa đối với tao” và câu đáp của tôi “nhưng trái tim tôi luôn ở bên ông - mon coeur à côte de vous”. Ông chạy với theo chuyến tàu của tôi, tay miết mãi vào cái kính chắn cửa sổ…
Tháng 10/2016