Có một người lính cầm bút

16-06-2012 15:28 | Văn hóa – Giải trí

Sự nghiệp văn chương của nhà văn Triệu Huấn (1935-2008) tuy có muộn màng song lại in dấu đậm nét trong lòng độc giả. Cả một thời trai trẻ mải mê theo đường binh nghiệp từ thời chống Pháp đến chống Mỹ,

(SKDS) –  Sự nghiệp văn chương của nhà văn Triệu Huấn (1935-2008) tuy có muộn màng song lại in dấu đậm nét trong lòng độc giả. Cả một thời trai trẻ mải mê theo đường binh nghiệp từ thời chống Pháp đến chống Mỹ, Triệu Huấn đã từng là lính bộ binh rồi lính cao xạ, chiến đấu ở vùng Tây Bắc, rồi đất lửa Quảng Trị, Khe Sanh đến đường 9 Nam Lào… Những địa danh anh hùng nơi ông đã đi qua, những số phận con người cụ thể mà ông từng tiếp xúc đã dội vào tâm thức, trở thành những hồi ức đáng nhớ. Từ chất liệu đời sống, bằng sự từng trải cùng những chiêm nghiệm, Triệu Huấn ngày đêm nghiền ngẫm suy tư, nhào nặn thành những con chữ có hồn trên từng trang viết.

Con đường văn chương đến với ông thật đặc biệt khác người. Về hưu vào năm 1986 với quân hàm đại tá, Triệu Huấn mới dành thời gian để bắt tay vào sáng tác văn học - một lĩnh vực mà ông hằng ấp ủ và yêu thích từ lâu. Ông trình làng bằng tập truyện ngắn: Dòng sông màu mận chín (NXB Thanh niên) gồm 7 truyện miêu tả thế giới tình cảm giữa người và người, về nhân tình thế thái và đạo lý làm người.
 
 Một số tiểu thuyết tình báo nổi tiếng của nhà văn Triệu Huấn.
Nhưng phải đến lúc trường thiên tiểu thuyết: Sao đen gồm 5 tập do NXB Quân đội ấn hành năm 1988 đến tay bạn đọc gần xa thì cái tên Triệu Huấn mới gây được sự chú ý trên văn đàn. Sức hấp dẫn từ cốt truyện tình báo được chuyển tải bằng ngôn ngữ mạch lạc, khúc chiết với nhiều tình tiết gay cấn đã chiếm lĩnh được tình cảm của độc giả. Tiểu thuyết Sao đen đã được tái bản 5 lần với số lượng lớn. Nó được trích đọc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài TNVN, được trao giải Nhất và giải Ba của Báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Là một người lính cầm bút, riêng về đề tài chiến tranh, Triệu Huấn đã dồn tâm sức để sáng tác nên một loạt tác phẩm như tiểu thuyết Đôi bờ thương nhớ (NXB Văn học), Hồ sơ mật (NXB Công an nhân dân), Kho ngầm bí mật, Vết trói, Bức tử… Mảng đề tài tâm lý xã hội cũng được nhà văn chăm chút, khai thác và xây dựng nên những cốt truyện hấp dẫn ở dạng truyện ngắn và tiểu thuyết: Biển khổ, Nhân phẩm, Những mảnh đời tan vỡ, Ký ức người câm, Xin đừng lỗi hẹn, Đôi mắt giả

Sức sáng tạo của nhà văn từng trải quả là bất tận. Ông không rời tay bút, không ngừng nghĩ suy, chìm đắm vào thế giới nội tâm nhận vật để cho ra lò nhiều tác phẩm nối tiếp. Riêng năm 2003, Triệu Huấn có 4 cuốn tiểu thuyết: Chính sự làng Be (đề tài văn hoá làng, dày 550 trang), Điểm hẹn mùa trăng (chiến tranh chống Pháp của đồng bào Tây Nguyên), Tướng cướp đa tình (chiến tranh chống Mỹ), Những đứa con bất trị (đề tài Công nghiệp). Năm 2004, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Triệu Huấn kịp thời có ngay các tiểu thuyết Miền đất hiểm (đề tài Điện Biên Phủ - NXB Dân tộc), Giấc mộng cuối cùng, Kén rể.
 
Ở lĩnh vực truyền hình, ông cũng có nhiều đóng góp đáng kể, những tác phẩm văn học giàu chất chính luận của Triệu Huấn được chuyển thể sang kịch và phim truyền hình như: Cha tôi là ai?, Sóng gió đời người, Giai nhân Kẻ Gốm, Giấc mộng cuối cùng, Kho ngầm bí hiểm... Nhà hát Kịch Hà Nội đã từng công diễn vở kịch nổi tiếng Cát bụi (chuyển thể từ tác phẩm của Triệu Huấn) gây xôn xao dư luận. Vở diễn đã giành HCV Hội diễn sân khấu 2005. Điều đáng trân trọng ở nhà văn Triệu Huấn là ông bước vào làng văn muộn, không được học hành cơ bản về nghệ thuật viết văn mà vẫn dồi dào sức tưởng tượng để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị cho đời.    

Minh Trang


Ý kiến của bạn