Có một người lính...

10-01-2011 11:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Không phải vô tình mà hành trang nghệ thuật của NSƯT Minh Hằng chỉ là những vai diễn “người thân của lính”. Có nhiều vai diễn “ngon” lắm nhưng chị biết khước từ bởi nhận thức đau đáu đậm chất nhân sinh trong lòng nữ nghệ sĩ mặc áo lính là phải thể hiện được sức mạnh phía sau người lính.

Là một người lính và suốt cuộc đời gắn với lính cùng vai trò “người yêu lính”,  “vợ lính”,  “mẹ lính” trong các vai diễn. Ấy là NSƯT Minh Hằng của sân khấu Quân đội. Hơn trăm vai diễn trên sàn và trên màn ảnh đều là người thân của lính. Một phong cách hay là triết lý diễn xuất trong chị : Những người lính gian khổ hy sinh ai cũng biết, nhưng điểm tựa cho người lính xốc tới là từ đâu nếu không phải là người yêu, người vợ, người mẹ của họ?

Không phải vô tình mà hành trang nghệ thuật của NSƯT Minh Hằng chỉ là những vai diễn “người thân của lính”. Có nhiều vai diễn “ngon” lắm nhưng chị biết khước từ bởi nhận thức đau đáu đậm chất nhân sinh trong lòng nữ nghệ sĩ mặc áo lính là phải thể hiện được sức mạnh phía sau người lính. Cái sức mạnh ấy không ì ùng súng đạn mà bằng trái tim yêu thương cũng đầy nước mắt, gian khó và cũng đầy đau đớn, hy sinh mất mát nhưng là sự hy sinh thầm lặng. Tự khoanh phạm vi vai diễn cho mình chứ không xô bồ như một “thợ diễn”, Minh Hằng đã tự thử thách mình để đa dạng trong một loại nhân vật. Làm được thế phải bản lĩnh lắm, tài hoa lắm bởi cùng là “người thân của lính” nhưng các nhân vật phải rất khác nhau bằng chính số phận, tính cách qua nghệ thuật diễn xuất. Và với những tìm tòi sáng tạo suốt gần 3 thập kỷ qua, Minh Hằng đã thành công trở thành một dấu ấn khó quên trong lòng khán giả trong và ngoài quân đội.

Đại tá Minh Hằng.

Gia đình không ai làm nghệ thuật nhưng hình như số phận đã chọn cô gái Hà thành sống ở phố cổ Hàng Bạc để trao sứ mệnh mang những số phận người phụ nữ làm điểm tựa cho những người lính trong cuộc chiến tranh cách mạng. Mới 18 tuổi, Minh Hằng đã có vai diễn đầu đời là O Giang trong Tổ quốc của Đào Hồng Cẩm. Với nhân vật O Giang, chị ngồi “ghế dự bị” mà  dân sân khấu gọi là “vai kíp 3”. Trong quá trình dàn tập, đến cảnh O Giang như được chứng kiến cái chết của bà má miền Nam vượt sông Bến Hải ra thăm con bị giặc bắn chết giữa dòng, xác dạt sang bờ Bắc. Ông Nghi nhìn Minh Hằng nói một câu cụt lủn “Thử xem!”. Chả biết Minh Hằng diễn thế nào mà vị đạo diễn tài danh ngồi dưới cứ lắc hoài! Hằng sợ lắm, “thử” xong là trốn biệt. Lúc ngồi với lãnh đạo Đoàn có cả tác giả Đào Hồng Cẩm, họa sĩ Phùng Huy Bính, ông đạo diễn lại lắc: “Con bé diễn thật và xúc động quá! Nó rồi sẽ là chủ lực của đoàn đấy!”. Thì ra “cụ” Nghi có tật hay lắc cổ, càng phấn khởi càng lắc và nhận định của vị đạo diễn giàu kinh nghiệm hoàn toàn chính xác. Sau này, Minh Hằng tâm sự với NSND Nguyễn Đình Nghi về cái thót tim trước những cái lắc của ông, NSND chỉ cười: “Sống và làm nghề phải biết lắc!”. Chả biết đấy là lời chống chế hay triết lý sống hoặc lời khuyên của vị đạo diễn tài ba và từ đó Minh Hằng cũng không ít lần lắc trước những mời chào vai diễn để có một Minh Hằng hôm nay.

Thoắt đấy đã ba chục năm, từ O Giang rồi chị Nhàn (Chị Nhàn), Thành (Đại đội trưởng của tôi), Bà mẹ (Lời thề thứ 9), Nhân (Điều không thể mất), Tần (Mười đóa phong lan), bác sĩ Ái (Thông điệp từ Điện Biên), Thanh (Người đàn bà mộng du hay Rừng quả đắng)... Mỗi vai diễn của Minh Hằng là mỗi phát hiện thế giới nội tâm trong thẳm sâu nhân vật. Lối diễn của Minh Hằng như không diễn, chân thật, tự nhiên, để tất cả phẩm chất, góc khuất tâm hồn nhân vật được bộc lộ khiến khán giả như không chứng kiến vai diễn sân khấu mà như trước mắt là nhân vật ngoài đời. Cái cách diễn giản dị, sâu lắng đầy cảm xúc ấy quả đã nối được trái tim nghệ sĩ với trái tim khán giả trong sự đồng cảm và chia sẻ để con người xích lại gần nhau hơn trong nỗi cảm thông và lòng trắc ẩn. 4 HCV qua các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu cùng nhiều HCB, Bằng khen và danh hiệu NSƯT kể cũng là gia tài nghệ thuật đáng kể của chị và đấy cũng là ghi nhận của cuộc sống trước cống hiến không mệt mỏi của người nghệ sĩ mặc áo lính.

Từ một diễn viên trưởng thành là Đội trưởng Đội diễn 1, Đoàn phó chuyên môn, Đoàn trưởng Đoàn KNQĐ, cô Minh Hằng - O Giang xưa giờ đã thành bà Đại tá Giám đốc Nhà hát kịch Quân đội với những cuộc điện thoại và ký tá hàng ngày liệu có đánh mất đi phần nghệ sĩ? Công bằng mà nói, chức vụ dễ làm mất nghề dù quản lý cũng là một nghề nhưng là nghề khác! Thế nhưng với nghệ sĩ đích thực thì nghệ thuật khi đã ngấm vào máu, nó cũng như một thứ ma túy dính vào rồi khó mà dứt. Thèm diễn đấy nhưng cũng là dịp nhường đất cho lớp trẻ và cái phần nghệ sĩ trong “bà giám đốc” lại cựa quậy thành sự đột phá của cả một nhà hát. Kịch Quân đội giờ không chỉ có người lính mà có cả ông hoàng bà chúa với đề tài lịch sử và rồi sẽ có cả kịch cổ điển, kịch đời sống thường nhật. Đơn giản, nghệ thuật là vì dân và người lính luôn đồng hành cùng dân tộc và nghĩ những điều nhân dân của mình nghĩ. Vậy lẽ nào những nghệ sĩ mặc áo lính lại chỉ là nghệ sĩ của quân đội mà không phải là nghệ sĩ của nhân dân. Chả thế mà ngay sau khi nhậm chức, bà Giám đốc – nghệ sĩ lo ngay đến chuyện tập huấn và những vai diễn trong đợt tập huấn này toàn trong những trích đoạn kịch cổ điển, mẫu mực...

Với Minh Hằng, điểm tựa để chị bay lên là trách nhiệm và tình yêu với người lính, với nghệ thuật, với nhân dân của mình...              
  Thúy Hiền

Ý kiến của bạn