(SKDS) - Từ TP. Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng điện ra cho tôi: “Nhà thơ Vũ Bình Lục vừa vào, tôi đang đưa đến thăm ông Phạm Thế Cường”. Rồi nhà văn của tiểu thuyết Nước mắt một thời nói thêm: “Bận thì bận nhưng không thể không đưa các nhà văn, nhà thơ quen biết đến với ông này được. Hiếm có người nào lại nặng lòng với các nhà văn, với văn học Việt Nam rồi tôn vinh họ như việc ông Cường đã làm”.
Cách đây không lâu, lần ông ra Hà Nội theo lời mời của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội để tham gia ý kiến vào dự thảo Luật thư viện, ông có liên hệ với tôi. Lí do, ông đang chuẩn bị tổ chức buổi giới thiệu và xuất bản một bản tin về nhà thơ Phùng Quán nhân 80 năm ngày sinh. Qua nhà văn Xuân Đài, biết tôi có một thời gian dài công tác cùng nhà thơ họ Phùng nên dù trong tay ông đã có rất nhiều tư liệu được hàng chục nhà văn, nhà thơ khắp cả nước cung cấp nhưng ông vẫn liên hệ để hi vọng có thêm tư liệu giúp ông chuẩn bị nội dung được đầy đủ. Tôi còn được biết, mỗi lần chuẩn bị tổ chức giới thiệu về một nhà văn nào, ông Cường đều không ngại vất vả, bằng mọi cách tìm đến những thân nhân ruột thịt, những người quen biết của nhà văn để được cung cấp tư liệu. Dù khó khăn nhưng ông vẫn tìm cách liên hệ cho được. Không được trực tiếp thì qua điện thoại, qua mail…, mà không chỉ một lần.
![]() Ông Cường trong buổi ra mắt CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng. |
Từ nửa cuối năm 2011, ông cùng một vài người thân đã có sáng kiến thành lập nên Câu lạc bộ Những người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng với mục đích giới thiệu và tôn vinh những tác phẩm và những nhà văn nổi tiếng của nước ta. Đã nhiều tháng nay, tại căn nhà của ông ở Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh đều đặn diễn ra những buổi sinh hoạt văn học mà nội dung là giới thiệu thân thế, sự nghiệp và tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Mới chưa đầy một năm, nhưng câu lạc bộ của ông đã tôn vinh được nhiều nhà văn, nhà thơ như Nam Cao, Hồ Biểu Chánh, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng, Sơn Nam, Phùng Quán, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân… Trong danh mục các nhà văn, nhà thơ đang được ông chuẩn bị sẽ giới thiệu lần lượt tiếp theo là Đinh Hùng, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng… Ông Cường cho biết, nội dung, tài liệu từng nhân vật đã được chuẩn bị rất chu đáo. Những nội dung từng cuốn sách còn được biên tập công phu và thành một bộ sách có tên chung là Người yêu sách với từng tiêu đề cho mỗi người như Vũ Bằng, niềm yêu tuyệt vọng; Sơn Nam, ông già đi bộ; Say cùng Vũ Hoàng Chương; Phùng Quán, nhà thơ truân chuyên; Nguyễn Huy Tưởng, còn mãi với thời gian; Hồ Biểu Chánh, nhà văn tiên phong đất phương Nam…
Tôi cũng như nhiều người khi biết những việc ông làm đã từng rất ngạc nhiên.Dù là công việc đầy cao quí, sang trọng nhưng đây là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Không chỉ rất vất vả mà còn tốn kém. Tôi biết chắc, ở nước ta chưa từng ai một mình đủ tâm, đủ sức tự đứng ra lo liệu mọi việc được như ông Cường. Ngay cả đối với một tổ chức đông người, lắm của còn khó. Chắc hẳn có lí do? Ông quá giàu có, ông muốn nổi danh…? Không phải. Tôi đã có dịp đến thăm gia đình của ông và không khỏi ngạc nhiên. Ngôi nhà của gia đình ông rất bình thường, có thể nói còn khá khiêm tốn. Không biết của nả cất giấu những đâu nhưng mọi sinh hoạt của gia đình ông mà tôi tận mắt thấy thì còn hết sức đạm bạc, đơn giản. Buồng của các con ông nhỏ bé. Chiếc giường ngủ của vợ chồng ông còn đặt ở tít mãi trên lầu hai áp với mái tôn khá bức bối, vây chung quanh cơ man toàn sách báo cũ, mới. Vậy tiền đâu để mua sách, lo công việc? Ông không giấu diếm: Có sự đồng thuận của vợ và hai cậu con trai, hàng tháng ông trích một phần lương hưu của ông để lo những việc mà ông cảm thấy yêu thích và có ích lợi.
Ông muốn nổi tiếng? Ông Cường không phải là một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu hay một nhà khoa học. Ông chỉ là một người lính bình thường đã phục viên từ nhiều năm nay, không hề ham hố điều gì cho riêng mình. Nếu có lí do thì ông chỉ là một người rất yêu sách, yêu văn học. Và vì nó, ông đã không tiếc công, tiếc của để mua và sưu tầm những cuốn sách hay, những tư liệu quí của các nhà văn. Ông còn nhiệt tình giới thiệu tới những ai muốn được đọc - nguyên cớ để sau này ông lập nên một thư viện gia đình rồi tổ chức giúp mọi người được dễ dàng đến với hàng vạn cuốn sách có trong gia đình ông. Nhưng trong các đối tượng đến đọc, ông quan tâm nhiều đến các em thiếu nhi. Ông quan niệm thói quen đọc sách phải được bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ. Ông suy từ bản thân. Ông luôn tin chắc rằng một cuốn sách có giá trị có thể góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nó còn có thể làm nên nhân cách ở một con người.
Còn lí do ông thành lập và lấy tên Câu lạc bộ Những người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng? Vì không chỉ đây là nhà văn nổi tiếng mà còn là người đã viết nên những cuốn sách dành cho thiếu nhi rất hay, người sáng lập và là vị giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng, cái nôi làm ra những cuốn sách có giá trị dành cho thiếu nhi, hành trang quan trọng để các em bước vào đời.
Có được một người yêu quí và tôn vinh những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam qua các công việc lặng lẽ như những việc làm của ông Cường quả xưa nay hiếm, rất đáng trọng nể. Nhưng riêng tôi, đôi khi không khỏi suy nghĩ, chỉ một mình ông Cường hay dù có thêm bạn bè giúp đỡ, liệu sẽ còn đủ sức tiếp tục được bao lâu hay rồi sẽ lại rơi vào lãng quên? Nhưng có điều tôi tin việc làm của ông Cường sẽ là những gợi ý rất cần thiết tới công việc của những cơ quan, những người có trách nhiệm với nền văn học nước nhà.
Nguyễn Huy