“Xa nhau một nỗi vấn vương/Lưu niệm tấm ảnh nhớ thương trong lòng” - Đó là hai câu thơ tình chất phác, mộc mạc viết vội của một người lính sắp vào chiến trường phía Nam gửi người yêu là một o thôn nữ dân công xứ sở “núi Hồng, sông La”. Tưởng rằng cuộc tình thời chiến đã kết thúc khi cô gái lấy chồng. Thế nhưng, 38 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, vào tháng 6 năm 2010 này, mối tình ấy lại được thắp sáng làm cảm động lòng người.
Tình yêu kỳ lạ được tiết lộ
Câu chuyện tình của bà Dương Thị Tam ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh với liệt sĩ Lê Xuân Hiệp ở Cẩm La, Yên Hưng, Quảng Ninh được công bố lần đầu tiên vào dịp cuối tháng 3 năm 2010 tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí Trung tá Lê Đức Quý, Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh đã kể lại câu chuyện về một mối tình mà theo anh, thật đáng trân trọng với anh em chiến sĩ. Đằng sau mối tình này là tấm lòng thuỷ chung, son sắt của người phụ nữ mà trong thời buổi hiện nay, lớp trẻ cần lấy đó làm gương.
Trong thư gửi BCH quân sự Quảng Ninh, bà Tam cho biết chi tiết là vào năm 1971, bà yêu một người bộ đội tên là Lê Xuân Hiệp, lúc đó bà chỉ nghe loáng thoáng là anh quê ở Quảng Ninh. Bà Tam viết: “Kể từ sau năm 1975, tôi đã nhiều lần tìm kiếm thông tin về gia đình liệt sĩ Lê Xuân Hiệp (người yêu tôi) từ nhiều nguồn, có lần tôi tìm đơn vị cũ nhưng không biết số hiệu, tên đơn vị bây giờ ở đây. Cũng nhiều lần tính ra Quảng Ninh tìm kiếm gia đình người yêu, nhưng thân gái dặm trường, lại chỉ biết loáng thoáng thông tin nên không biết tìm kiếm ở đâu. Cứ khi có ai đó ra Bắc vào Nam, bà cũng nhờ nhưng vẫn như bóng chim tăm cá”… Khi anh vào Nam theo đơn vị, bà chờ mãi mà không thấy anh trở về. Mãi đến khi kết thúc chiến tranh, bà mới nghe tin anh đã hy sinh. Giờ bà muốn tìm tin tức gia đình của anh Hiệp và gửi lại cho gia đình tấm ảnh chân dung - kỷ vật ông đã tặng bà khi yêu nhau. Bà cũng đoán biết, do điều kiện, rất có thể thời đó gia đình anh Hiệp không có một tấm ảnh để thờ, nên điều tâm nguyện của người con gái miền Trung là trao cho gia đình liệt sĩ kỷ vật thiêng liêng này.
Bức thư đẫm nước mắt ấy đã làm không ít cán bộ chiến sĩ trong Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cảm động, kính phục. Nhưng một điều khó khăn lúc đó chưa biết tìm thân nhân liệt sĩ Hiệp ở đâu nên việc tìm kiếm không khác gì “mò kim đáy bể”, nên bắt đầu từ đâu? Nhưng một chuyện bất ngờ nữa là rất may lúc gửi thư cho BCHQS tỉnh Quảng Ninh, bà Tam cũng gửi cả cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh. Cuối cùng, chắp nối mọi sáng kiến của tất cả những người có tâm, Sở LĐ-TB&XH quyết định dùng sáng kiến và đứng ra thực hiện “tác chiến” là thảo công văn và photo lá thư gửi về các huyện thị, rồi từ đó lại gửi về các xã, phường trong tỉnh để tìm kiếm.
Kỷ vật chiến trường. |
Lá thư được truyền đi với nhiều người tin tưởng rằng sẽ có một kỳ tích viết lên. Và đúng là ông trời không phụ công những người có lòng, tình yêu của họ, một o thôn nữ và liệt sĩ kéo dài 38 năm không tin tức ấy đã khiến ông trời cảm động chăng? Nên với cách làm độc đáo đó, vài tháng sau, anh Lê Đức Tuyến, một cán bộ tư pháp xã Cẩm La (Yên Hưng) đã nhận ra người mà bà Tam cần tìm chính là chú ruột mình - liệt sĩ Lê Xuân Hiệp. Lúc đó, hồ sơ về liệt sĩ Hiệp được công bố: Theo giấy báo tử thì ông Hiệp đã hy sinh ngày 4/2/1972 tại mặt trận phía Nam, tức là hy sinh sau một năm chia tay với người yêu.
Có một tình yêu từ câu hò ví dặm
Và bà Tam bắt đầu câu chuyện tình cảm động của mình trong căn nhà đơn sơ của gia đình, bà rằng: “Tôi nhớ rất rõ là vào tháng 5/1971, anh ấy về đây từ chiến trường Quảng Trị để an dưỡng và chữa vết thương. Khi lành dần, anh lại tham gia lực lượng địa phương với anh chị em dân công để chờ ngày trở lại đơn vị vào trong nớ (miền Nam) chiến đấu. Chúng tôi bắt đầu quen nhau từ đó”. Ai cũng vậy, vết thương bớt đi cũng tham gia lấp đường, vận chuyển súng đạn cho các đoàn quân vào Nam. Khí thế ra trận rầm rập, ai cũng muốn cống hiến sức mình cho cuộc giải phóng dân tộc. Tình yêu của bà và anh bộ đội Hiệp bắt đầu từ những ngày đó. Hàng ngày bên nhau, họ lại hát hò, đọc thơ cho nhau nghe để quên đi mệt nhọc, vất vả và sự hy sinh. Bà Tam kể, thời đó, các o thôn nữ tham gia lực lượng thanh niên phong phòng đều thuộc làu nhiều dân ca hò vè, nhất là các bài ví dặm, các điệu hò xứ Nghệ… cứ xướng dài trên những cung đường vào Nam. Chất giọng con gái xứ Nghệ của bà mỗi khi cất lên khiến nhiều chàng trái xứ Bắc ngẩn người. Trong những người si mê o thôn nữ có nước da trắng ngần, lưng thon, mắt biếc ấy có Hiệp.
Kể đến đó, bà Tam hớp một ngụm nước chè đắng (đặc sản vùng Cẩm Xuyên), mắt rưng rưng nói tiếp: Một lần khi san đường cho xe qua làng, tôi đang hò cho anh chị em nghe cho bớt mệt nhọc, tôi hò thế này này: “Hò ơ… Nghe tin anh đau đầu chưa khỏi, em băng rừng bẻ lá về xông, ước mần răng (làm sao) đây vợ đó chồng, đổ mồ hôi em quạt, ngọn gió nồng em che…”. Không ngờ khi dứt đoạn hò, anh Hiệp đứng gần đó cũng bỗng cất lời trọ trẹ bắt chước hò đáp lại: “ Ơ...ơ... Anh đến giàn hoa thì hoa đã nở, anh đến bến đò, đò đầy đò phải sang sông. Anh đến bên em em đã lấy chồng”.
Bà Tam lại nói rưng rưng:
- Chú biết không, lúc nớ, bất ngờ anh ấy hạ giọng chùng xuống nhìn thẳng mắt mà hỏi tôi như “ri” (thế này): “Hỏi rằng em yêu anh như rứa (thế) có thật lòng hay không?”. Lúc nớ tôi xấu hổ lắm, mần răng không xấu hổ được, đông người quá mà. Nhưng mà tôi kịp trấn an và đáp trả: “Ơ…ơ... Anh đến giàn hoa hoa đến thì hoa nở, anh đến bến đò, đò đầy đò phải qua sông. Đến duyên em em phải lấy chồng. Hỏi rằng anh trách em như rứa, có cực lòng em không?”.
Bà Tam còn bảo, người con gái xứ Nghệ vốn dĩ thật lòng, không giấu diếm tình cảm được bao lâu nên cũng không ngờ, từ bữa đó thấy nhớ thương anh thật. Nên một lần, còn có hai người ngoài đầu làng, đáp lại lời tỏ tình của anh Hiệp, bà Tam đáp lại rất tế nhị rằng: “Ơ… Cơm em đơm hai bát bát ăn bát nhịn, đũa em so hai đôi đôi đứng đôi nằm, cho dù thầy mẹ em có đánh đập em chín chục một trăm roi, đập rồi em dậy quyết tâm em thương chàng”. Sau câu hò, cô thôn nữ ấy để cho anh Hiệp cầm tay… và họ yêu nhau từ đó…
Vào ngày cuối tháng 12/1971, đơn vị anh chuyển đi và với việc phải giữ bí mật quân sự nên họ không kịp chia tay nhau. Cho mãi đến tháng 2/1972 bà Tam mới nhận được một lá thư anh Hiệp gửi về thông báo tình hình sức khoẻ tốt và động viên bà công tác tốt, vững tin vào ngày chiến thắng không còn bao lâu nữa sẽ về gặp nhau.
Họ bặt tin nhau từ đó nhưng trong tim bà lúc nào cũng vẹn nguyên một lời hẹn thề cùng hình ảnh, lời dặn dò của anh Hiệp khi hoà bình lập lại sẽ gặp nhau. Tháng 4/1975, miền Nam giải phóng, bà trở về chuyển ngành làm công nhân thuỷ lợi và vẫn chờ đợi anh Hiệp. Cuối năm 1975, bà nhận tin anh hy sinh, đau khổ một thời gian dài. Thời gian lâu sau đó bà mới đi lấy chồng. Chồng bà là ông Phan Đình Phương, cũng là một người lính từ chiến trường chống Mỹ trở về. Vợ chồng bà sinh được một cháu gái và một cháu trai. Cả hai giờ đã trưởng thành, công việc ổn định. Giờ đây, vợ chồng bà Tam đã lên chức ông, chức bà, có cháu nội, cháu ngoại, cuộc sống tuy chưa phải giàu có gì nhưng rất ấm cúng, hạnh phúc...
Khi chúng tôi đặt vấn đề với ông Phương về mối tình đầu sâu nặng ấy thì ông Phương cười bảo: “Ai lại đi ghen với đồng đội đã mất, hơn nữa đấy là người đáng kính, mối tình của vợ tôi cũng đáng trân trọng ấy chứ”. Và chính ông đã chủ động bàn với bà Tam việc gửi thư và ảnh của ông Hiệp về Quảng Ninh, một việc mà không phải ai cũng làm được trong đời thường. Điều đặc biệt là gia đình bà Tam, từ ông Phương đến các con, cháu đều trân trọng mối tình đầu của bà.
Đại gia đình nhà bà Tam. |
Cái kết có hậu