Có một lớp học tình thương như thế!

08-05-2011 14:25 | Xã hội
google news

Có một lớp học không theo giờ giấc, không ổn định học sinh, không đồng trang lứa nhưng các em cùng mang trong mình căn bệnh quái ác: suy thận mạn, hằng ngày phải chạy thận để duy trì sự sống nhỏ nhoi. Đó là lớp học tình thương của các bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh).

Có một lớp học không theo giờ giấc, không ổn định học sinh, không đồng trang lứa nhưng các em cùng mang trong mình căn bệnh quái ác: suy thận mạn, hằng ngày phải chạy thận để duy trì sự sống nhỏ nhoi. Đó là lớp học tình thương của các bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh).

Những học sinh đặc biệt

Tôi bước vào lớp khi cô trò đang ôn bài tiếng Việt. Trong căn phòng nhỏ vừa đủ kê 10 bộ bàn ghế học sinh với đủ dụng cụ, đồ dùng dạy học, cô giáo mặc chiếc áo blouse trắng đang tận tình hướng dẫn các em nhỏ làm bài tập luyện từ và câu. Gần hai chục học sinh chăm chú nghe, ghi không một tiếng ồn ào nói chuyện. Nếu không quan sát kỹ khó ai nhận thấy điều khác thường ở đây. Trên khuôn mặt thơ ngây của các em vẫn hằn lên nỗi đau do bệnh tật, nước da tái xám, bắp tay đầy vết sẹo do phải tiêm truyền. Tranh thủ giờ giải lao, bác sĩ Lê Thị Đào, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, người đề xuất ý tưởng thành lập lớp, cho biết: “Bất kể sáng hay chiều, cứ lúc nào các em tới lớp là chúng tôi có giáo viên dạy ngay chứ không nhất thiết phải đúng giờ và đầy đủ học sinh bởi còn phụ thuộc vào lịch chạy thận của các em nữa. Hơn 2 năm thành lập nhưng đã có khoảng 200 lượt bệnh nhi nhập học, khi ra viện các em cũng “ra trường” luôn. Hiện còn lại 17 em có “thâm niên” lâu nhất”. Trò chuyện cùng các em, tôi được biết, trong số những học sinh bám trụ dài ngày, Phạm Quốc Cảnh, 14 tuổi, quê ở Châu Thành (Long An) có hoàn cảnh hết sức éo le. Bố em mất sớm, mẹ bị bệnh nằm liệt giường, em phải nương nhờ nơi cửa Phật. Căn bệnh của em đã chuyển sang mạn tính. Em kể: “Năm 2008, khi đang học lớp 4 trường làng, con bị phù tay, chân. Thầy chùa đưa đi khám ở bệnh viện tỉnh, phát hiện con bị suy thận nặng phải chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 chữa trị. Từ đó con không còn hy vọng được tới trường bởi hằng ngày phải lo chạy thận để kéo dài sự sống. Thế nhưng đầu năm 2009, con được vào học ở lớp cô Đào, đến nay đã hơn 2 năm rồi chú ạ”. Nhìn thân hình gầy gò, đen nhẻm của em, tôi hỏi: “Năm nay con học lớp mấy?”. Cảnh trả lời: “Con đang học lớp 4. Trước khi nhập viện con cũng học lớp 4 trường làng nhưng khi mắc bệnh phải nghỉ học mất hơn 1 năm nên con quên hết. Giờ các cô đang ôn lại cho con”.

Tương tự Cảnh, em Hà Thị Mỹ Yến, 15 tuổi, quê Buôn Mê Thuột, nhập viện giữa năm 2009, trước đó em đang học lớp 6. Khoảng 1 năm nay em được các cô ôn lại chương trình toán, tiếng Việt lớp 4, lớp 5. Chị Đỗ Thị Hồng Vân, mẹ của Yến, cho biết: “Lên 5 tuổi cháu đã bị bệnh thận. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại chủ quan nên cứ chạy chữa qua loa. Đến một ngày, Yến kêu mệt, khó thở, nước da tái ngắt, cả nhà phát hoảng vội đưa cháu lên bệnh viện huyện để khám. Ở đó các bác sĩ chẩn đoán suy thận mạn rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Gần 2 năm mỗi tuần chạy thận 3 lần, gia đình tôi vay mượn chồng chất nhưng cũng may, nhờ có lớp học này mà tinh  thần của cháu khá hơn, không lầm lũi, mặc cảm như trước nữa”. Được biết, hầu hết các gia đình có con chạy thận ở đây đều có sổ hộ nghèo. Quả thật lắm nỗi éo le khi nhà nghèo lại lâm bệnh trọng!

Giống như Cảnh, Yến, các em Bi, Tiên, Quyên, Triều cũng mỗi tuần 3 lần chạy thận. Chẳng biết tương lai sức khỏe ra sao nhưng hiện tại trong lớp học này, ngoài những lúc cơn đau bất chợt, tiếng cười đùa của các em vẫn thật hồn nhiên. Giờ giải lao các em vẫn vui tươi bên chiếc máy vi tính chơi games. Tiếng cười ấy, niềm vui ấy thật đáng quý biết bao khi các em phải đối mặt với bệnh tật của mình.

 Cô Phạm Thị Rành đang hướng dẫn các em môn Tiếng Việt.

Tấm lòng cô giáo, lương y

Mấy năm gần đây lượng bệnh nhân về điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày một tăng. Ngoài thời gian điều trị các em chỉ quanh quẩn trong phòng bởi bi quan, mặc cảm bệnh tật. Nỗi đau thân xác, u ám tinh thần khiến các em sống thu mình, khép kín. Chứng kiến những hoàn cảnh đáng thương đó, bác sĩ Lê Thị Đào, Trưởng khoa Vật lý trị liệu nảy ra ý tưởng mở lớp học miễn phí giúp các em lấy lại tinh thần và ôn lại kiến thức bị mai một để khi ra viện có thể theo kịp các bạn đồng trang lứa. Ý tưởng đó đã được Ban giám đốc bệnh viện ủng hộ. Thế là, sau thời gian đến từng phòng bệnh để vận động các em tới lớp, đầu năm 2009, lớp học tình thương do cô Đào phụ trách đã được khai giảng trong niềm vui của phụ huynh và các bệnh nhi. Phòng học vốn là nơi làm việc của bác sĩ Đào được sửa lại và trang bị thêm bàn ghế, đồ dùng dạy học. “Những cuốn sách giáo khoa, tập vở, bút, mực và cả tủ sách thiếu nhi nữa… các chị lấy ở đâu cho đủ?”. - Tôi ngạc nhiên hỏi khi thấy em nào cũng có riêng một bộ đồ dùng học tập. Chị Đào tươi cười trả lời: “Ban đầu anh chị em trong khoa quyên góp tiền để mua rồi về nhà gom thêm sách vở, tài liệu, bút, mực của con cháu trong gia đình cấp cho các em. Gần đây nhiều người biết đến lớp học đã tự nguyện ủng hộ. Nhờ đó mà các em có đủ đồ dùng học tập”. “Vậy còn chuyên môn sư phạm của giáo viên thì sao, thưa chị?”.- Tôi hỏi. Quay sang cô giáo vừa giảng bài, chị Đào giới thiệu: “Cô Phạm Thị Rành nguyên là giáo viên sư phạm, có bằng cử nhân ngôn ngữ trị liệu, đã từng học một chương trình đặc biệt chuyên tìm hiểu về trẻ bị khiếm thị, khiếm thính và trẻ chậm phát triển trí tuệ do Nhật Bản tài trợ. Khi mở lớp học này tôi đã xin Ban giám đốc bệnh viện để cô Rành trực tiếp đứng lớp. Qua kiểm tra, chất lượng nắm bài của các em tiến bộ rõ rệt”. Quả thực, nhìn những nét chữ xinh xinh, sạch đẹp và điểm số mà các em đạt được tôi cũng thấy vui vui. Cô giáo Phạm Thị Rành tiết lộ: “Không chỉ dạy các em 2 môn Toán, Tiếng Việt mà chúng tôi còn phối hợp với Đoàn thanh niên bệnh viện tổ chức nhiều hoạt động vui chơi ngoài giờ giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và tư duy. Những hoạt động này rất bổ ích cho việc điều trị bệnh của các em”. Hiện tại sức khỏe của nhiều em đã khá hơn, tinh thần thoải mái, sức sống dường như đang dần trở lại trên những gương mặt non nớt, thơ ngây. Đó cũng là nhờ một phần ở tấm lòng nhân ái, tận tâm của các cô giáo - bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu.

Khó khăn và mơ ước

Mặc dù lớp học đã tồn tại hơn 2 năm và vẫn được duy trì đều đặn nhưng cái khó là các em học sinh đều sắp bước sang tuổi 16, cái tuổi mà các em phải chuyển sang bệnh viện dành cho người lớn, không thể tiếp tục điều trị và học tập ở Bệnh viện Nhi đồng này nữa. Đây cũng là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều phụ huynh và của các bác sĩ, kỹ thuật viên phụ trách lớp đối với tương lai của các em. Ngoài việc chi phí điều trị sẽ cao hơn rất nhiều, kiến thức văn hóa của các em chắc chắn sẽ mai một. Ấy là chưa kể bầu không khí vui nhộn, ấm áp tình thân mà lớp học đã mang lại sẽ chỉ còn là hoài niệm trong tâm thức các em. Chị Phạm Thị Rành chia sẻ: “Mở lớp học này chúng tôi phải liên hệ với các trường học để có thể lấy được chương trình chuẩn và định hướng nội dung thi, kiểm tra cho sát với kiến thức giáo khoa. Dù vậy, kiến thức của các em bị hổng khá nhiều, lại chênh lệch tuổi tác, lớp học cũ khác nhau nên chúng tôi phải kèm cặp theo từng nhóm và dạy liên tục cả ngày, rất vất vả. Thế nhưng nụ cười, niềm vui của các em chính là động lực để chúng tôi quyết tâm duy trì thật tốt lớp học tình thương”. Nhìn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt phúc hậu của chị, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc thật nhẹ nhàng, bình dị, chan chứa yêu thương. Chỉ tay về phía góc sân, nơi có mấy em nhỏ đang nô đùa, Trưởng khoa Lê Thị Đào trăn trở: “Một lớp học như thế này không đủ để thu gom hết những bệnh nhi đang điều trị tại đây. Chúng tôi sẽ đề nghị Ban giám đốc bệnh viện tiếp tục mở rộng quy mô lớp học nhưng nếu như không có sự chung tay của ngành giáo dục thì cũng rất khó, các em sẽ rất thiệt thòi”. Đây có lẽ không chỉ là khó khăn mà còn là mong mỏi của những “bác sĩ giáo viên” về một tương lai tốt đẹp cho lũ trẻ. Tự nhiên tôi nhớ tới những bức vẽ thơ ngây của các em treo trong lớp học: một gia đình 4 người đầm ấm; một lớp học rộn ràng, vui tươi; một mặt trời hồng vừa ló rạng và một lực sĩ thể hình săn chắc… Tất cả như chứa đựng khát vọng tương lai được các em gửi gắm vào bức vẽ. Những ước mơ bình dị ấy với nhiều người thật quá dễ dàng nhưng với những bệnh nhi ở lớp học tình thương này sao quá đỗi mong manh!

Nắng đầu hè oi ả. Một buổi học nữa vừa kết thúc. Các bệnh nhi thơ ngây tíu tít chạy ra ngoài cười nói vô tư. Trên gương mặt các em dường như không còn nỗi lo bệnh tật. Thế mới thấu công sức và tình người mà các “thầy thuốc giáo viên” Khoa Vật lý trị liệu dành cho các em thật lớn biết bao!…

  Bài và ảnh: Hoàng Đình Thành


Ý kiến của bạn