Có một Góc hồn thơ Vân Anh như thế!

03-09-2010 08:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đối với không ít người, thơ chỉ là một “góc” nào đấy trong đời sống tinh thần cá nhân ở mỗi khắc giao của thời gian và không gian lịch sử, đất trời.

(Góc - Thơ Phạm Vân Anh, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009)

 Đối với không ít người, thơ chỉ là một “góc” nào đấy trong đời sống tinh thần cá nhân ở mỗi khắc giao của thời gian và không gian lịch sử, đất trời. Nhưng đấy lại là một “góc” không thể thiếu và cũng không hề trộn lẫn vào đâu được của nữ sĩ Vân Anh, một cô gái đất Cảng với phơi phới đam mê, bộn bề công việc, đau đáu nghĩ suy.

Riêng về thơ Vân Anh đã có ba tập: Tôi chào tôi (2004), Mùa tình (2006), Góc (2009) và cô gái đất Cảng này đã trở thành hội viên Hội NVVN trẻ nhất năm 2009. Chị cũng chuẩn bị cho trình làng hai tiểu thuyết Tỏ bóng và Huyền sử đá. Chỉ với ba tập thơ trên, chị đã gặt hái được ít nhiều thành công qua sự ghi nhận từ các cuộc thi: Giải thưởng dành cho tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc các Hội LHVNNT Việt Nam (2005) cho tập Tôi chào tôi; Giải Ba (không có giải Nhất và Nhì) trong cuộc thi sáng tác văn học do Hội NVVN và Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN tổ chức năm 2007...

Thơ Vân Anh mới nhưng không “lạ hoắc”. Mới về ý tưởng, hình tượng, cấu tứ, ngôn ngữ, giọng điệu... Cái mới của thơ Vân Anh là ở tâm thế thời đại rộng mở, đa chiều của thời hội nhập; mới ở sức trẻ của cảm xúc và sự đột phá trong tư duy và mới ở bản lĩnh của một người cầm bút chân chính dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước thơ và trước công chúng của mình.

Có lẽ hơn ai hết và hơn lúc nào hết, thế hệ các người thơ 8X, 9X đang tự đặt ra cho mình một trách nhiệm là phải đổi mới thơ. Và qua quá trình thực thi trách nhiệm đó, họ hoàn toàn có khả năng tự khẳng định bản lĩnh, tư cách một thế hệ, một giai đoạn thơ của riêng mình, mà Vân Anh chỉ là một ví dụ: Và.../ Còi tàu hụ dài theo bóng thời gian/ Gom hoàng hôn đổ hắt chiều nắng ảo/ Đất thinh lặng ngẫm lời cày ải/ Bước trâu đi/ Mê mải khói lên trời... (Mở ra quầng sáng).

Cái mới của thơ trẻ hôm nay chính là tiến sâu hơn vào các tầng bậc khác nhau của đời sống tâm hồn con người. Trong quá trình đó, Vân Anh và những người đồng hành đã khiến bạn đọc buộc phải dừng lại, dù chỉ trong giây lát, để nghĩ suy theo một cách khác, chứ không dễ gì hài lòng với những gì mình đã biết về thơ ca trước đây:... Những hạt lời tãi trên luống cải Mèo/ Hoa vàng không trả lời/ Đá lạnh không trả lời/ Người nằm lại miền trời thành sương khói/ Để đá cứ gằn lên thành biển/ Biển đá mang mặt người nhễu nại ẩn sau ngói âm dương uốn lượn nhịp rừng, ngựa thồ nhịp lên dốc, nhịp trống thúc quân âm âm hồn đất mẹ vía trời cha.../ Người nằm lại... (Hạt đèn cực Bắc).

Có thể nói, đoạn thơ viết về một chốt biên phòng nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc như vậy là khá mới từ cách nghĩ đến cách cảm, từ giọng điệu đến lời thơ. Cứ như thể những con chữ này có một ma lực nào đó thật sự ghê gớm kéo người thơ theo nó chứ không phải là người thơ ghi lại sự sắp đặt về những điều mà mình mắt thấy, tai nghe. Sẽ không phải là nói quá, đây chính là sự khác biệt rõ nét nhất giữa hai phương cách khai triển thủ pháp thi ca truyền thống và hiện đại... Đất nước bám rễ vào dân/ Vững bền qua bão lửa/ Tương lai sinh sôi từ muôn triệu tim người/ Tổ quốc tôi mạnh mẽ hồi sinh/ Giông bão mang đi những rác rưởi bất tài, những đớn hèn mục ruỗng, tái tạo sinh lực cho đất mẹ, sung mãn tràn trề/Tre già cho măng ấm bụi/Rừng lại lên xanh. Hãy để giông tố đến... (Bài ca mặt trời).

Khát vọng đổi mới đất nước nói chung và thi ca nói riêng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với những người thuộc thế hệ Vân Anh hôm nay, mà đã trở thành xúc cảm thường trực trong nghĩ suy và hành động của họ. Nhưng họ không và không bao giờ quay lưng lại với quá khứ đau thương, bi hùng của các thế hệ cha anh, trái lại, họ rất trân trọng quá khứ đó như một báu vật của tiền nhân để lại theo qui luật của đất trời, tự nhiên: Tre già cho măng ấm bụi.

Cái mới của những người thơ hẳn hoi thường là biết thổi vào tác phẩm của mình những xúc cảm thẩm mỹ và phương cách tư duy của thời đại mới dẫn công chúng thơ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác... Hương nếp đang nồng tay ai ủ/ Liềm hái dãi dầu ngang mặt người/ Dẫu Tả Khó Cừ nghe đã mỏi/ Văn vắt giọng cười trong mưa rơi/ Ngút ngàn Tây Bắc chiều loang tím/ Một góc biên thùy mây ngậm mây/ Đường rừng lúng liếng môi kèn lá/ Khẽ khàng sương muối trắng bàn tay... (Thì thầm cùng Apachải).

Phảng phất giọng thơ Tây tiến của cố thi sĩ Quang Dũng cách đây hơn một nửa thế kỷ. Tuy khác nhau về thời gian lịch sử, nhưng hai người thơ hẳn hoi cách nhau gần một vòng đời đã gặp nhau ở cách cảm và cách nghĩ về miền phên dậu phía Tây Bắc của Tổ quốc. Thời gian có thể qua xa, nhưng mảnh đất và con người nơi đây hiện lên trong hai bài thơ của Quang Dũng và Vân Anh mãi vẫn là điều đáng nghĩ suy đối với mỗi chúng ta.      

Đỗ Ngọc Yên


Ý kiến của bạn