Thời chống Pháp, anh lính trẻ Phạm Phú Bằng từng tham gia các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Trần Hưng Đạo đuổi giặc từ Tam Đảo đến Vĩnh Yên; Đường 18 vượt núi Yên Tử đánh xuống Sao Đỏ; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám từ vùng núi Chí Linh đến Tiên Yên... Đến đông xuân năm 1953-1954, anh đã “chuyển ngạch”, là phóng viên báo Quân đội Nhân dân và được làm báo ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, lại cái ba lô con cóc sau lưng người phóng viên chiến trường ấy với tư cách là phái viên của Tổng cục Chính trị, đã từng tham gia chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, bám theo một đơn vị biệt động vào nội ô Sài Gòn. Hiện bác Phạm Phú Bằng còn lưu giữ những cuốn sổ tay phóng viên, ghi lại các sự kiện bi tráng của 50 năm về trước...
Ông Phạm Phú Bằng (giữa), thăm lại chiến trường xưa, trong hang đá đặt máy in báo Quân đội Nhân dân ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ (năm 1999).
Trích sổ tay phóng viên
“30/1/1968. Đêm Tổng tiến công đầu tiên tại Sài Gòn, tôi đã được chứng kiến các đội biệt động cảm tử của quân giải phóng nhằm vào các mục tiêu khó tin nhất: Đại sứ quán Mỹ, Dinh Tổng thống, Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất... Các cuộc tiến công đồng loạt như mũi dao đâm thẳng vào tim địch, đã gây bất ngờ lớn cho phía Mỹ, ngụy. Tại khu vực Bộ Tổng tham mưu và Sân bay Tân Sơn Nhất, Cụm biệt động 2 (gồm 27 người chia làm các đội 6, 7, 9) do các đồng chí Đỗ Tấn Phong, Ba Tâm chỉ huy đánh vào cổng 5 Bộ Tổng tham mưu và cổng Phi Long (Sân bay Tân Sơn Nhất). Sau ít phút tiến công, quân ta chiếm được cả hai cổng. Song do lực lượng ít, Tiểu đoàn 267 (phân khu 2) và Trung đoàn 16 (phân khu 1) bị lạc không đến kịp như dự kiến, quân Mỹ, ngụy phản kích quyết liệt, cụm biệt động không lọt được vào bên trong. Sau gần một ngày, dựa vào các tòa nhà dọc phố Trương Quốc Dung, cụm biệt động đánh trả quyết liệt, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều lính Mỹ và lính ngụy Sài Gòn, bắn cháy hai xe bọc thép. Đến 14 giờ phía ta bị tổn thất và hết đạn, những chiến sĩ còn lại của cụm biệt động buộc phải rút lui”.
“Tòa Đại sứ Mỹ, quá nửa đêm ngày 31/1/1968. Có 17 chiến sĩ Đội biệt động số 11 do đồng chí Ngô Thành Vân (Ba Đen) chỉ huy, đã dùng xe du lịch có hỏa lực B40 yểm trợ đột nhập thẳng cổng tòa đại sứ. Sau khi diệt 4 quân cảnh Mỹ gác ở cổng, biệt động dùng thuốc nổ phá thủng tường, tiến đánh vào bên trong, chiếm gần hết tầng 1 phát triển lên tầng 2 và 3. Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải bắt sống Đại sứ Bunker, nhưng các nhân viên an ninh Sứ quán Mỹ đã lén đưa được Bunker rời khỏi biệt thự bằng một chiếc xe bọc thép, hắn sang ẩn nấp trong một hầm bí mật ở một địa điểm khác. Chỉ 20 phút sau khi Đại sứ quán bị đánh, một toán quân cảnh Mỹ đến cứu viện, nhưng bị biệt động bắn chặn nên không vào được cổng chính. Nhưng sau đó một trung đội quân cảnh Mỹ lọt được vào cổng chính. Cuộc chiến đấu trong Đại sứ quán diễn ra vô cùng quyết liệt. 7 giờ 20 phút ngày hôm sau, hãng tin Mỹ AP đưa tin nhanh do ký giả Peter Arnett từ Sài Gòn điện về New York: “Việt Cộng đã chiếm lĩnh bên trong tòa đại sứ”, gây choáng váng cho Lầu Năm Góc và dư luận Mỹ. Sau đó, tờ tin hàng ngày Washington loan báo: “Cảnh sát quân sự Mỹ đã phải đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống nóc nhà sứ quán ở Sàỉ Gòn trong khói đạn để giành lại tòa nhà bị cộng sản chiếm trong hơn 6 giờ liền. Chỉ riêng cảnh tượng đó cũng đủ để buộc chính phủ Johnson dẹp bỏ những nhận định lạc quan của mình...”. 9 giờ sáng, quân Mỹ đổ được một bộ phận lực lượng Sư đoàn dù 101 xuống sân thượng tòa đại sứ. Lực lượng tăng viện của quân giải phóng không đến được như kế hoạch hiệp đồng. Các biệt động quân Đội 11 dũng cảm chiến đấu đến người cuối cùng. Trận đánh Tòa đại sứ Mỹ kết thúc, trong 17 người của đội biệt động có 16 người tử trận, chỉ còn đội trưởng Ngô Thành Vân bị thương ngất đi và bị bắt. Quân Mỹ cũng thiệt hại nặng: 5 lính chết tại chỗ, 17 chết tại quân y viện và 124 bị thương... Việc quân giải phóng đánh chiếm và trụ lại trong Tòa đại sứ Mỹ tới hơn 6 giờ đồng hồ đã gây một tiếng vang lớn, làm chấn động nước Mỹ. Tất cả các cấp chỉ huy quân sự, ngoại giao ở Sài Gòn và cả nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt. 9 giờ 30 phút sáng 31/1/1968, Tổng Tư lệnh quân Mỹ, Đại tướng Westmoreland có mặt ở Đại sứ quán và như nhận định của nhà báo Mỹ Dave Richard Palmer: “Nhiệm vụ của Việt Cộng là xông vào sứ quán Mỹ. Làm được gì ở bên trong sứ quán không quan trọng, mà mục đích là phải xông vào được nơi đó đánh một đòn tượng trưng cho toàn bộ cuộc tiến công... Họ đã thành công hết sức to lớn”. Vào thời điểm đó, Westmoreland muốn che giấu sự thật đó, trong tâm trạng bối rối đã tuyên bố “Không một Việt Cộng nào vào được trong sứ quán. Sứ quán chỉ hư hại nhẹ”. Nhưng như phóng viên chiến trường Don Oberdorfer viết trên tờ Washington Post đã viết: “Cuộc tấn công vào sứ quán hình như đã bác bỏ những lời dự đoán có tính chất tô hồng và những lời khoe khoang thắng lợi mà Westmoreland và những người khác đã tung ra”.
“Nửa đêm mùng 2 Tết Mậu Thân. Đội biệt động số 5 do đồng chí Tô Hoài Thanh (Ba Thanh) chỉ huy gồm 15 người trên 3 xe tải nhỏ và hai chiếc Honda (trong đó có 1 nữ chiến sĩ 19 tuổi Vũ Minh Nghĩa) xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200kg có nhiệm vụ phá cổng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau Dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng nhưng không hiểu vì lý do gì đã không nổ. Lập tức 5 chiến sĩ trèo qua tường rào, tấn công vào trong dinh. Lính gác cổng bắn trả dữ dội, 5 người hy sinh tại chỗ. Bên ngoài, 3 xe của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị đội biệt động tiêu diệt. Gần sáng, không thấy quân chi viện, 8 người còn lại rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó tiếp tục cố thủ, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của quân đội Mỹ nhưng mất thêm một người. Gần sáng mùng 3 Tết, lợi dụng những lỗ hổng trên tường do đạn bắn, 7 người dìu nhau thoát ra đường Thủ Khoa Huân. Đến sáng, tổ bị bao vây, còn quả lựu đạn cuối cùng rút chốt nhưng không nổ, 7 người bị bắt...”.
“17/2/1968. Tại Sài Gòn - Gia Định, cao điểm đợt 2 của cuộc tổng tiến công bắt đầu. Chủ trương của quân giải phóng là: dùng pháo kích là chính, kết hợp với tiến công một vài mục tiêu nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng quân Sài Gòn, làm cho địch mất sức phản kích và khả năng phòng giữ, tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ. Thực hiện chủ trương này, vào lúc nửa đêm Trung đoàn 96 và 208 ĐKB pháo kích Sân bay Tân Sơn Nhất, Nha cảnh sát đô thành, căn cứ Sư đoàn Bộ binh số 1 Mỹ ở Phú Lợi. Kết quả theo bình luận của hãng tin Anh BBC sáng 18/2, ở căn cứ Phú Lợi: “có ít nhất 400 người thương vong, nhiều kho tàng, máy bay bị phá hủy”. Đài này còn bình luận: “Đây là trận đánh khá trúng đích của Việt Cộng”. Với sân bay Tân Sơn Nhất “hỏa tiễn rơi đúng phòng chờ đợi đang chật ních khách. Trong số 88 quân nhân Mỹ thuộc lực lượng tuần giang Cửu Long chờ máy bay về Mỹ, số đông bị chết, 6 máy bay bị phá hủy...”.
“30/2/1968. Cách đây khoảng 10 ngày tôi bị thương nặng, do một sự tình cờ hy hữu mà thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Trận chiến ác liệt diễn ra vào lúc chập tối hôm đó, đi theo một tổ biệt động thành tôi bị một quả đạn cối nổ gần, vừa bị thương do mảnh lại bị sức ép, tôi ngất lịm. Về sau nghe anh em kể, có một chiến sĩ quân giải phóng bị tử thương trước đó đã nằm đè lên tôi. Nhiều giờ sau, anh chiến sĩ cứu thương đưa thương binh về tuyến sau phát hiện tôi bị bỏ sót, đang thoi thóp thở thì cõng đưa về trạm phẫu tiền phương. Ở đó tôi được cấp cứu kịp thời, ngày hôm sau mới tỉnh lại...”.
Năm 2004, trên ga Phủ Lý, Hà Nam: Ông Phạm Phú Bằng (bên trái), gặp lại một cựu chiến binh từng tham gia cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn.
Tự nguyện đi làm từ thiện
Trước hết cần nói thêm về gốc gác của bác Phạm Phú Bằng. Dòng họ của bác là danh gia vọng tộc ở miền Trung. Cụ nội Phạm Phú Thứ làm quan Thượng thư triều Nguyễn, từng là Phó đoàn đi sứ sang Pháp và cụ có đầu óc canh tân đất nước; cha là tiến sĩ Phạm Phú Tiết, từng giữ chức Tổng đốc Bình Phú (Bình Định - Phú Yên), sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cụ đi theo cách mạng, được Bác Hồ phong quân hàm Đại tá, có thời kỳ là Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam. Sau ngày hòa bình, cụ làm việc ở Bộ Văn hóa, trong nhóm dịch cuốn Nhật ký trong tù viết bằng chữ Hán của Hồ Chủ tịch.
Từ ngày về hưu cách nay gần ba chục năm, bác Phạm Phú Bằng không thuộc tổ chức thiện nguyện nào, mà cứ đến mùa xuân bác lại đi làm từ thiện như một thói quen. Có thời kỳ bác với bác Hữu Ngọc, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới, từ nguồn Quỹ Văn hóa Thụy Điển đã tham gia các chuyến tài trợ cho đồng bào các dân tộc ở huyện còn khó khăn như Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Si Ma Cai... Thường thì bác có chuyến du xuân kết hợp với những nhà hảo tâm mang lên vùng cao, khi là chăn, áo ấm cho người nghèo hay sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ em. Trong một lần đi quyên góp như thế, bác đã gặp tai nạn. Buổi tối hôm đó bác đến nhà một “đại gia” ở Hà Nội. Cánh cổng vừa mở, một con chó becgiê dữ tợn xồ ra, bác chỉ kịp theo phản xạ tự nhiên che chắn phía cổ mình cho hàm răng của quái thú không động được vào động mạch cảnh. Đến khi chủ nhà chạy ra cứu thì mặt, cánh tay bác đã bị nhiều vết chó cào cắn chảy máu và tay áo rách bươm. Sau cú sốc ấy bác phải nằm viện một thời gian, ra viện bác lại tiếp tục đi làm từ thiện như chưa có chuyện gì xảy ra.
Và đến mùa xuân này, điều kiện sức khỏe và tuổi tác không cho phép người cựu chiến binh từng tham gia và bị thương nặng trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 ấy, tiếp nối các cuộc du xuân bất tận vì người khác như trước nữa. Giờ thì chúng ta xin được thành kính chúc bác đón trọn cái Tết vui vầy cùng con cháu và luôn có sức khỏe, trường thọ!