Có một cô y tá mà tôi biết

24-11-2011 10:52 AM | Thời sự

Nhiều người hay nói chuyện vào viện phải thế này thế nọ và càng người chưa vào bệnh viện (BV) càng “thạo” những tiêu cực trong đó!

Nhiều người hay nói chuyện vào viện phải thế này thế nọ và càng người chưa vào bệnh viện (BV) càng “thạo” những tiêu cực trong đó! Tôi không mấy khi vào BV và thật vô tình khi vừa rồi phải vào trông cháu ngoại bị ốm nằm ở BV Nhi Trung ương mới hay chuyện đồn thổi tiêu cực BV như thể người ta dọa ma nhau, rất vô trách nhiệm. Việc người nhà BN hay ai đó cứ suy diễn, bịa đặt quá đáng chuyện tiêu cực BV cũng là thiếu văn hóa. Nhưng thôi, trong cuộc sống, thấy rác rưởi thì dễ nhưng nét đẹp đời thường ít cảm thấy hơn âu cũng là chuyện thường.
 
Ai không biết chứ riêng tôi, có một cô y tá rất đáng được khen ngợi đó là chị Phạm Thị Phương Chi, làm việc tại Khoa Cấp cứu, BV Nhi Trung ương. Chị Chi tầm 30 tuổi, lúc đầu tôi thấy chị  không có gì đặc sắc lắm trong công việc bởi các chị ở đây, chị nào cũng như chị nào, cứ âm thầm cần mẫn như những con ong chăm chỉ. Thế rồi một lần, tôi thấy chị lấy máu một cháu bé chắc đem đi xét nghiệm.
 
 Y tá Phạm Thị Phương Chi.
Tôi để ý vì cháu bé này có thái độ thật lạ, kim tiêm chưa kịp chọc vào đã thấy mặt tái dại, người dúm dó lại, tay chân vùng vằng... Bệnh nhân xung quanh thì đông, ngỡ tưởng chị yêu cầu mẹ cháu giữ cháu cho chặt, người khác giữ tay cháu để chị làm cho nhanh, ai ngờ chị ngồi bên cạnh hỏi chuyện cháu rồi… hát cho cháu nghe. Cháu bé từ sợ đến thích chị rồi như có phép thần, chị bảo “đưa tay cho cô nào, không đau đâu” vậy mà cháu bé đưa tay thật. Hóa ra chẳng cứ người lớn, ngay trẻ con cũng vậy, khi đã tin yêu thì hết sợ, dù là mũi kim nhọn hoắt sắp cắm vào da thịt mình.

Tôi ấn tượng với chị từ lần vô tình chứng kiến ấy và hỏi chuyện những người xung quanh mới hay tên chị. Nhiều bậc cha mẹ bệnh nhân nghe tôi hỏi đều kể về chị với một giọng khâm phục rằng chị không bao giờ cáu bẳn mà cũng chả “nịnh” trẻ thái quá. Bệnh nhân lớn tuổi đông đã dễ làm nhân viên y tế bực mình, đằng này bệnh nhân nhí chắc càng dễ làm các chị bực mình hơn nhất là xã hội hiện nay, nhà nào cũng ít con, các cháu được chiều nên nhõng nhẽo lắm. Thế mà thấy chị hỏi han, các cháu được trấn tĩnh còn bố mẹ các cháu lại cảm thấy yên lòng. Rõ ràng là chị có văn hóa ứng xử và văn hóa này không phải cố tạo ra mà phải toát ra từ tâm.

Những ngày trông cháu ngoại ở Bệnh viện Nhi Trung ương, tôi càng hiểu chị Chi và nhân viên y tế ở đây hơn. Khi con cháu chúng ta ốm thì cả nhà cùng lo gấp nhiều lần so với người lớn ốm. Ông bà, bố mẹ vì lo cho con cháu có thể mất kiên nhẫn rồi bực bội, kêu ca. Có người thì cậy người quen đòi chen hàng hoặc hơi tí thì dọa kiện, dọa đăng báo! Quá lo cho con cháu, khi ở nhà, con cháu mình là nhất nên nhiều người không thấy các bác sĩ, y tá phải lo cho những đứa trẻ khác nữa nên cho rằng nhân viên y tế không nhiệt tình, thậm chí có cả những lời lẽ không hay, thô tục. Nhiều người giàu có coi thầy thuốc như thợ còn con cháu mình như cái máy ngỡ có tiền là được “sửa chữa” tốt nên ngay từ lúc vào viện đã tìm mọi cách dấm dúi phong bì, sống sượng nhét tiền vào túi y tá mà thực ra đấy là sự xúc phạm chứ đâu phải lòng biết ơn.

Chị Chi cũng gặp đủ loại người nhà bệnh nhân như thế và sức chịu đựng của chị thật tài. Gặp mấy người hợm của, chị từ chối phong bì mà không làm người ta ngượng. Mấy bà ở nông thôn đem con ra Hà Nội chữa bệnh cũng phong bì nhưng khi chị từ chối cũng không làm họ hiểu lầm và tủi thân vì nghĩ chị chê ít.

Qua chuyện chị Chi tôi mới hiểu ra rằng, văn hóa bệnh viện chỉ có được từ trái tim người thầy thuốc và thái độ chân thành của cha mẹ bệnh nhân.  

Vũ Thị Hòa


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH