Có một bệnh viện anh hùng như thế!

20-02-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ra đời ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 40 năm qua, bằng ý chí, nghị lực và sức sáng tạo của những chiến sĩ quân y...

Ra đời ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 40 năm qua, bằng ý chí, nghị lực và sức sáng tạo của những chiến sĩ quân y, Bệnh viện 175 đã làm nên những chiến công xuất sắc trên mặt trận cứu người. Và phần thưởng vô cùng cao quý dành cho những cống hiến quên mình là Bệnh viện đã vinh dự được phong tặng những danh hiệu: bác sĩ Anh hùng ở khoa Anh hùng tại bệnh viện Anh hùng - Thành tích xưa nay hiếm!

Những thời khắc bi tráng

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Một nhu cầu khách quan đối với quân đội là triển khai ngay một bệnh viện đủ sức làm nhiệm vụ tuyến cuối ở phía Nam và tiếp quản ngay Tổng y viện Cộng hòa của quân đội ngụy để góp phần vào xây dựng mạng lưới y tế khu vực, cùng các tổ chức điều trị dự phòng của quân đội và của ngành y tế nhân dân. Và Bệnh viện Quân y 175 (BV) đã ra đời từ 3 bệnh viện: K116, K72, K59 và một số đội điều trị với tên gọi ban đầu là Viện Quân y 175 (là số hiệu hợp thành của 3 số đầu của các đơn vị).

Chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật gãy xương phức tạp - GS.BS. Lewis Zirkle (USA).

Bây giờ ngẫm lại, các thế hệ đội ngũ y bác sĩ về tiếp quản BV ngày ấy vẫn không thể lí giải được: tại sao lúc đó lại có thể làm nên những điều phi thường như thế!

Những ngày đầu mới tiếp quản, BV vừa tập trung giải quyết về cơ bản di chứng vết thương của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thì nay lại đảm nhận nhiệm vụ mới cứu chữa thương binh, bệnh binh của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ban Giám đốc BV vừa phải cử y bác sĩ ra chiến trường, vừa phải đảm bảo điều trị cho hàng ngàn thương binh của ta từ chiến trường chuyển về.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, TTND.BSCK.II Lê Kim Hà - nguyên Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu, BV 175 nhớ lại, ngày 30 tháng 4 năm 1977, quân Pol Pot đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cường độ làm việc của y bác sĩ vô cùng vất cả, một ngày làm việc từ 14 - 16 giờ, trực không có ngày nghỉ bù, bình quân một bác sĩ phụ trách từ 20 - 30 thương binh nặng. Đặc biệt, những lúc cao điểm thì số lượng thương binh được chuyển về rất lớn, mỗi một chuyến xe ôtô chở thương binh về cấp cứu từ 70 - 80 người, có khi lên tới 150 - 200 người.

Gần 100 đêm cuối năm 1977, hầu như không có đêm nào là không có cấp cứu mổ xẻ. Mỗi ngày đêm, 1 kíp mổ phải hoạt động bình quân 6 - 8 giờ, thậm chí 12 giờ. BV thường triển khai ít nhất là 4 bàn mổ, nhiều nhất là 7 - 8 bàn mổ, có bàn mổ phải sử dụng 3 kíp mổ phục vụ cho 1 thương binh theo từng chuyên khoa chấn thương bụng, ngực, sọ não… Cố Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thiếu tướng, TTND.BS. Đỗ Hoài Nam - nguyên Viện trưởng Viện Quân y 175 với tay nghề vững chắc, thành thạo phẫu thuật trong nhiều chuyên khoa cùng tấm lòng tận tụy phục vụ là người trực tiếp mổ nhiều nhất trong đội ngũ các phẫu thuật viên của Viện.

Không chỉ ngày đêm phẫu thuật cứu sống thương binh mà những người lính quân y còn phải làm việc trong điều kiện khó khăn chồng chất về kinh tế. Gạo không đủ ăn, các y bác sĩ phải ăn thêm hạt bo bo cho đủ bữa, thương nhất là đội ngũ y tá.

Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc BV Quân y 175, khi ấy là bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu đã viết:

Thương lắm em ơi, cô y tá

Cứ ba đêm lại thức một đêm

Vậy là một tuần lại thức ba đêm

Thật dễ tính thôi, cứ ba năm là tròn một năm thức trắng! 

Khó khăn gian khổ đến mấy nhưng những thầy thuốc mang áo lính vẫn chịu được. Tuy nhiên, khi bất lực nhìn đồng chí đồng đội của mình hi sinh chỉ vì thiếu thuốc và thiếu phương tiện y tế để chữa trị thì trái tim bác sĩ như bị bóp nghẹt. Và nỗi đau lên đến tột cùng khi đích thân họ phải mang cuốc xẻng lên Thủ Đức đào huyệt để chôn các liệt sĩ mà mình không thể cứu được…

Tập huấn kỹ thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng cán vặn SPIRON cho bệnh nhân trẻ với chuyên gia Ðức, tháng 6/2013.

Dẫu vậy, cuối cùng, những chiến sĩ quân y kiên cường đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, để rồi hôm nay nhìn lại, ai cũng thấy tự hào vì được sống, chiến đấu trong thời khắc bi tráng đầy máu lửa ấy. Bằng ý chí, nghị lực và sức sáng tạo của đội ngũ y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu và BV 175, hàng ngàn bệnh nhân đã được cứu sống. Với chiến công trên mặt trận cứu người, Khoa Hồi sức cấp cứu và BV Quân y 175 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng Đại tá, TTND.BS. Lê Kim Hà - nguyên Chủ nhiệm Khoa HSCC cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai

“Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, Đại tá Trần Đức Thắng - Chủ nhiệm Chính trị BV 175 cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây (2004 - 2014), BV được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đầu tư mạnh mẽ trên các phương diện để tạo điều kiện thuận lợi cho BV khởi sắc. Đến nay, BV đã kiện toàn thành một BV đa khoa hoàn chỉnh được xếp hạng A trong ngành y tế với cơ cấu 56 khoa phòng, ban với hơn 1.000 giường bệnh và 1.400 nhân viên đảm bảo khám chữa bệnh cho bộ đội các tỉnh thành phía Nam từ Đà Nẵng đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ, đồng thời kiêm cả chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Mới đây, BV đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nội trú Ung bướu với 100 giường bệnh, hiện BV chuẩn bị khởi công xây dựng BV Chấn thương chỉnh hình (nằm trong khuôn viên BV) với quy mô 500 giường bệnh, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng và chuẩn bị xây mới BV đa khoa hiện đại 1.000 giường bệnh với nguồn kinh phí đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng do ngân sách nhà nước và Bộ Quốc phòng cấp.

Bốn mươi năm gắn bó với BV, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn luôn có khát vọng muốn xây dựng BV Quân y 175 xứng tầm trong khu vực của quân đội ta ở phía Nam và cả khu vực Đông Nam Á… Hiện BV đã có sự chuyển biến vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực từ công tác thu dung cấp cứu, điều trị phục vụ thương bệnh binh và nhân dân đến công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng đơn vị… BV đã điều trị cứu sống rất nhiều ca bệnh cấp tính, bệnh nhân bị các vết thương nguy hiểm đến tính mạng do tai nạn, thương tích...

Bệnh nhân Any (Kon Tum) nhập viện do viên đạn lạc xuyên từ sau ngực phải, liên sườn VII cạnh gai sống, đầu đạn nằm trong tâm thất phải. Any được phẫu thuật lấy đầu đạn ra khỏi tim, bệnh nhân hồi phục và trở về cuộc sống thường nhật. Hay như bệnh nhân Bùi Duy Hiền (Gò Vấp) nhập viện trong tình trạng sốc trụy tim mạch, thủng quai động mạch chủ do bị dao đâm. Bác sĩ BV 175 đã phẫu thuật cấp cứu và hồi sức tích cực. Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định và xuất viện.

Không chỉ điều trị cho bệnh nhân trong nước mà các thầy thuốc BV 175 còn dốc lòng dốc sức cứu sống rất nhiều bệnh nhân người nước ngoài khi họ nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh. Đó là một bác sĩ người Nga bị nhiễm trùng huyết, hôn mê do bệnh sốt mò. Hay một kỹ sư hàng hải bị vỡ dị dạng mạch máu não, hôn mê trên nền xơ gan, viêm phổi. Hoặc như bệnh nhân Vadim (Nga) bị suy đa tạng (suy thận, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy gan, hôn mê).

Ứng dụng công nghệ chẩn đoán hình ảnh bằng C-Arm 3D trong mổ và định vị dẫn hướng phẫu thuật cột sống.

Vững nơi tiền tuyến, ấm lòng hậu phương

Là một BV tuyến cuối, chiến lược, đồng thời là một trung tâm y học quân sự ở phía Nam, BV 175 còn làm nhiệm vụ đặc biệt là chi viện cho quần đảo Trường Sa thân yêu. Sau hơn 20 năm phục vụ tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, từ một tổ y bác sĩ với phương tiện thô sơ, đến nay, BV đã xây dựng được hẳn một Bệnh xá tại Trường Sa khá khang trang, phương tiện khám chữa bệnh khá đầy đủ với đội ngũ hơn 10 y bác sĩ có tay nghề cao, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và người dân trên đảo, đồng thời khám chữa bệnh kịp thời cho ngư dân.

Với tâm thế luôn muốn phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo được tốt nhất, BV đã đầu tư trang thiết bị, hệ thống truyền hình trực tuyến (Telemedicine) cho bệnh xá để có được sự hỗ trợ kịp thời về chuyên môn của các chuyên gia từ đất liền giúp cứu sống hàng chục bệnh nhân trên đảo mỗi năm. Có phương tiện hỗ trợ đắc lực này, những bệnh nhân nặng không phải chuyển vào đất liền, giảm rủi ro khi chuyển viện. Nhờ truyền hình trực tuyến mà ông Trương Văn Liêm (51 tuổi, ngụ tại Hoài Nhơn, Bình Định) đã được cứu sống kịp thời. Ông Liêm là ngư dân đánh bắt trên tàu BĐ 96587TS, bị viêm ruột thừa có mủ và dịch tràn hoại tử phần thân khi đang đánh bắt tại ngư trường huyện đảo Trường Sa.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia phẫu thuật từ đất liền được truyền trực tuyến qua hệ thống Telemedicine, em bé đầu tiên trên đảo Trường Sa đã cất tiếng khóc chào đời trong sự chờ đợi đến nghẹt thở của gia đình, các bác sĩ ở Bệnh xá đảo Trường Sa và đặc biệt là của các bác sĩ BV 175. Thành công này đánh dấu thêm một vết son mới khẳng định vai trò của BV đối với việc bảo vệ sức khỏe cho quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió.

​Kíp phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị đâm và hở tim, tháng 3/2013.

“Khi vấn đề chăm sóc sức khỏe được đảm bảo, cán bộ chiến sĩ sẽ vững tâm hơn trong công tác canh giữ biển, trời. Người dân thêm tin yêu, gắn bó với đảo và ngư dân có niềm tin vững chãi để ra khơi. Đảo sẽ vững hơn, bờ vì thế cũng yên hơn” - với tầm nhìn chiến lược đó, BV đã phối hợp với Quân chủng Phòng không tổ chức vận chuyển cấp cứu bằng trực thăng cho những ca bệnh cấp cứu tối khẩn cấp ở các hòn đảo Trường Sa, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo… về đất liền điều trị. Trong năm 2014, đã có 14 chuyến trực thăng vận chuyển bệnh nhân vào BV 175 cấp cứu. Riêng quý IV đã có 3 ca cấp cứu rất nguy kịch.

Là đơn vị chuyên trách đảm bảo y tế cho Trường Sa, với tinh thần sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đội ngũ y bác sĩ của BV đã vượt qua những thiếu thốn về đời sống vật chất, tình cảm và những khó khăn của hậu phương, gia đình, luân phiên thay nhau thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh xá đảo Trường Sa. Dù khó khăn cách trở, các chiến sĩ quân y vẫn vững vàng nơi hải đảo xa xôi. Như hiểu thấu nỗi lòng người chiến sĩ, mỗi khi Tết đến xuân về, lãnh đạo BV lại tổ chức buổi gặp mặt giao lưu trực tuyến giữa các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên BV đang công tác tại đảo Trường Sa với gia đình thân thương của họ. Niềm vui khó diễn tả bằng lời, nỗi xúc động làm cho cuộc trò chuyện cứ nghèn nghẹn lại. Con nhìn thấy ba, vợ gặp được chồng, niềm hạnh phúc càng lan tỏa. Ai cũng nhủ lòng, xuân đang về, Tết của đoàn viên sum họp.

Rồi ngày mai cũng sẽ lại vững nơi tiền tuyến, ấm lòng hậu phương!

  Nguyễn Huyền

 

 


Ý kiến của bạn