Nhà hát sân khấu nhỏ tọa lạc trên tít tầng cao của ngôi nhà 5B Võ Văn Tần TP. HCM là một trong những thương hiệu sân khấu như vậy. Người hâm mộ sân khấu trong thành phố chỉ cần rủ nhau “đến 5B” là đủ thông tin chính xác về địa điểm, thời gian để tìm đến thỏa mãn “cơn nghiền”.
TP. HCM hôm nay có nhiều đơn vị sân khấu (SK) xã hội hóa như SK Kịch Phú Nhuận (70-72 Nguyễn Văn Trỗi), SK Kịch Sài gòn (130 Cao Thắng, P.4, Q.3), SK Nụ cười mới (634 Điện Biên Phủ, P.1, Q. 3), SK Nam Quang (174 Cách mạng Tháng Tám, P.5, Q. 3)... và mỗi SK đều có khán giả của riêng mình nhưng phải nói SK 5B là đơn vị SK xã hội hóa đầu tiên xuất hiện sớm nhất từ hơn 30 năm trước.
Những cố gắng vượt qua chính mình của 5B trong hoàn cảnh nghiệt ngã hôm nay đã được khán giả dần ghi nhận.
Sức hút của 5B bấy nay là SK “chả giống ai” mà người trong nghề gọi là SK thể nghiệm khi mà ghế trong khán phòng luôn thay đổi để coi chuyện kịch xảy ra có khi ngay trong lòng khán giả. Nghệ thuật phải luôn mới và khán giả đến với 5B dù có phải lội bộ lên tít tầng cao vẫn háo hức trước hết từ chính yếu tố mới lạ này. Không ngoa khi nói rằng 5B từng là cái nôi sinh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả tài năng, cung cấp cho sàn diễn TP. HCM một nguồn lực lớn diễn viên, trong đó có nhiều người trở thành ngôi sao hôm nay.
Cuộc sống vốn không bằng phẳng và không thiếu sự thăng trầm. Khi 5B có lúc rời bỏ chính mình, chạy theo thị hiếu đánh mất tính thể nghiệm để chạy theo kịch giải trí đã trở nên khủng hoảng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hạn chế cùng với “địa không lợi” thành nguy cơ có thể xóa sổ một đơn vị SK từng được mệnh danh là “Anh cả đỏ” trong thành phố... Mà nguy cơ là có thật khi gần 3 năm tối đèn để 5B chỉ còn trong hoài niệm với những tiếc nuối.
Không cam chịu sự chết yểu của một thương hiệu SK đáng tự hào trong thành phố, các nghệ sĩ, nhân viên của Nhà hát Kịch SK nhỏ TP.HCM đã cùng nắm tay nhau quyết giành lại khán giả đã mất. Một Ban Giám đốc mới ra đời với người đứng đầu là NSƯT Mỹ Uyên đã chụm đầu mổ xẻ những thất bại. Với sự ủng hộ của Hội SK TP.HCM, các nghệ sĩ đã gom góp, chạy vạy vay mượn mọi nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của nhà hát nhưng đó chỉ là biện pháp tối thiểu bước đầu. Điều quan trọng cốt lõi là đưa 5B tìm lại chính mình, tìm lại khán giả khi biết rằng sức hấp dẫn của 5B là cách diễn trong lòng khán giả khi nghệ sĩ và khán giả cùng đắm mình trong vở diễn, không còn khoảng cách. Khán phòng cũng là sàn diễn SK để khán giả được sống trong không khí câu chuyện kịch. Sự giao lưu gần gũi không còn khoảng giữa nhân vật kịch - khán giả khiến diễn viên vào vai say hơn, thật hơn.
Hóa ra sức hấp dẫn của SK không phải là chạy theo thị hiếu, không phải là sự so đo cạnh tranh với các đơn vị nghệ thuật SK khác mà chính là tạo ra được phong cách, kịch mục riêng của chính mình. Đó là diện mạo không giống ai để khán giả nhận ra và tìm đến. Tất nhiên, khi đời sống càng cao, trình độ dân trí càng phát triển thì nhu cầu thưởng thức trong công chúng càng đa dạng và mong muốn “đắt khách” được đặt lên hàng đầu mà quên tạo ra diện mạo riêng của chính mình chỉ làm SK thêm bế tắc.
Giám đốc, NSƯT Mỹ Uyên và các nghệ sĩ đã chọn cho mình một hướng đi đúng. Những Kỳ án xứ mặt trời, Gương mặt kẻ khác, Chuyện tình Nữ phạm nhân, Đêm vượn hú, Điều vô giá, Diều ơi, Tiền là số 1... đã trở thành sự vẫy gọi, thu hút khán giả.
Đến với 5B hôm nay, tôi cứ tự hỏi điều gì làm SK ở đây trở nên lung linh sau những năm hiu hắt. Ngoài những lý do trên phải chăng quan trọng nhất là yếu tố con người?, “5B” không có nguồn diễn viên có biên chế, đa số diễn viên tham gia là theo hợp đồng vở diễn. Đây là điểm yếu của 5B nhưng chính điểm yếu này sẽ trở thành điểm mạnh nếu BGĐ thực sự là thành viên nam châm hút các NS đến bằng cái tình chứ không hẳn từ thù lao đêm diễn. Những NS mới ra trường, chưa có tên tuổi thường ít được mời tham gia vì lý do “an toàn” cho vở diễn nếu nhìn ở góc độ thành công về doanh thu vé bán nếu thiếu các “sao” và cái điểm yếu này lại là nơi có điều kiện để các nghệ sĩ trẻ phát lộ tài năng. Nghệ thuật là tìm tòi cái mới cùng sức trẻ trong đó và 5B biến yếu thành mạnh cũng là sức hấp dẫn của 5B với các nghệ sĩ trẻ. Họ đến để được thử sức và thể hiện chứ không hẳn vì thu nhập đã tạo ra sức hút đối với công chúng. Từ 30 năm trước, 5B không thiếu những tác phẩm đỉnh cao với những tên tuổi nổi tiếng đã ra ở riêng đầu tư làm sân khấu cho mình và nay 5B lại tiếp tục đi tìm sức trẻ và cái mới trở thành điểm sáng lung linh trong làng sân khấu TP. HCM.
Những cố gắng vượt qua chính mình của 5B trong hoàn cảnh nghiệt ngã hôm nay đã được ghi nhận khi Gương mặt kẻ khác đã nhận được giải B với số điểm cao nhất trong nhóm này tại Liên hoan SK kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018. Và những bước chân khán giả leo bộ hằng đêm lên tận tầng trên cùng của ngôi nhà 5B Võ Văn Tần phải chăng cũng là những tấm huy chương vô hình mà khán giả dành cho SK yêu quý của mình...