Cỏ mần trầu còn có tên màn trầu, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, mọc khắp nơi ở nước ta, thu hái vào mùa khô. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, dùng ở dạng tươi hay khô. Theo Đông y, mần trầu vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm trừ thấp, cầm máu, tán ứ và mát gan. Liều dùng hằng ngày 16 - 20g khô hoặc 40 - 100g tươi, dạng thuốc sắc hay hoàn, thường dùng phối hợp với các vị khác để chữa một số chứng bệnh dưới đây rất hiệu quả.
Chữa tăng huyết áp: dùng cây tươi 500g, rửa sạch, giã nát, thêm 1 bát nước đun sôi để nguội. Lọc qua vải và vắt lấy nước cốt, thêm ít đường cho đủ ngọt. Uống 2 lần, sáng và chiều.
Đề phòng viêm màng não truyền nhiễm: cỏ mần trầu 30g sắc uống trong ngày. Uống liền 3 ngày, nghỉ 10 ngày, sau đó lại uống tiếp 3 ngày nữa.
Chữa viêm da, vàng da: cỏ mần trầu tươi 60g, rễ cây tổ kén đực (1 loài cây dó) 30g. Sắc uống.
Chữa thấp nhiệt, hoàng đản: cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc uống.
Chữa viêm tinh hoàn: cỏ mần trầu 60g, cùi vải 10 cái. Sắc uống.
Chữa cảm, sốt nóng, người mẩn đỏ, tiểu tiện vàng ít: cỏ mần trầu 16g, cỏ tranh 16g. Sắc uống.
Chữa sốt cao co giật, hôn mê: vỏ mần trầu 120g. Sắc với 600ml nước, còn 400ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.
BS. Tiểu Lan