(SKDS) - Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực từ tháng 7/2011, nếu xét một cách tổng quát về phạm vi ảnh hưởng thì có thể coi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là bộ luật có độ bao phủ rộng nhất vì nó liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày của gần 90 triệu người dân Việt Nam. Tuy nhiên, sau một năm luật có hiệu lực, hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải nhìn lại.
Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, trong vòng 1 năm thực hiện Luật Bảo về người tiêu dùng đã có gần 2.000 vụ khiếu nại tố cáo gửi đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng các địa phương, trong đó có 10 trường hợp doanh nghiệp chủ động thu hồi sản phẩm với số lượng lên đến 15.000 sản phẩm sau khi phát hiện ra lỗi.
Lực lượng Quản lý thị trường Yên Bái thu giữ hàng bột giặt giả. |
Ngày 27/7, Công an TP. Huế cho biết: cơ quan chức năng TP. Huế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng liên quan đến hành vi đánh tráo và nhập lậu sữa Ensure. Theo đó, xử phạt đối với Nguyễn Khởi Tín (sinh năm 1980, trú tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, TT. Huế) với mức phạt 45 triệu đồng về hành vi vi phạm. Xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Tôn Nữ Cẩm Nhung (sinh năm 1959) với mức phạt 20 triệu đồng. Nguyễn Xuân Minh (sinh năm 1983, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Ðạt Phú – Ðà Nẵng) với mức phạt 29 triệu đồng. Xử phạt bà Bà Nguyễn Thị Kim Chi, ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Quang Sanh, Phan Văn Bé (cùng trú tại TP. Huế) với tổng mức phạt 10 triệu 4 trăm ngàn đồng, đồng thời buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, khắc phục hậu quả. |
Những con số đó phần nào cho thấy Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã được thực thi, tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa biết đến, hoặc chưa vận dụng luật này trong cuộc sống. Trên thực tế, đa số người tiêu dùng đều chưa được bảo vệ và chưa nắm rõ luật, ngay cả những điều thiết thực nhất. Do nhiều người chưa nắm vững pháp luật về lĩnh vực này nên khi quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng thường phản ứng một cách tự nhiên, tùy theo cách của mỗi người, thường thì phản ứng bị thua thiệt do ở vào vị thế yếu.
Chị Phạm Thị Hương ở tập thể Bộ Y tế mua nồi cơm điện và lò vi sóng trên một cửa hàng bán đồ điện lạnh trên phố Giảng Võ - Hà Nội. Sau chưa đầy 7 tháng sử dụng, cả hai món đồ mua đều trục trặc, đụng cái gì là có vấn đề cái đấy. Mặc dù các mặt hàng đều trong thời gian bảo hành, nhưng chỉ một thời gian là đâu lại hoàn đấy, chán quá, chị bỏ luôn, mua đồ mới.
Theo chị Hương, mua phải hàng kém chất lượng mà chưa tìm hiểu kỹ thì phải chịu thôi, chẳng muốn to chuyện làm gì. Khi được hỏi có biết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chị Hương cho biết, có nghe nói nhưng không hiểu lắm về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và theo chị, khi mua hàng kém chất lượng, hàng lỗi thì cũng chưa biết mình phải đòi hỏi quyền lợi như thế nào, bắt đầu từ đâu và được cái gì, lại sợ phiền phức, mất thời gian nên mình mua hàng kém chất lượng đành tự chịu.
Còn anh Nguyễn Công Hoạt ở Hàng Than, Hà Nội cho biết: “Tôi mua phải 1 cái quạt cây của thương hiệu Vinawind nhưng sau 3 tháng sử dụng, nó đã bị cháy. Về sau tôi mới biết đó là hàng giả. Nhưng tôi cũng chẳng đi kiện tụng làm gì vì chẳng biết kiện ở đâu, mà có kiện thì thủ tục giấy tờ cũng làm tôi mệt mỏi. Tôi chấp nhận thua thiệt vậy”.
Mặc dù tại Khoản 2, Điều 42, Luật Bảo vệ người tiêu dùng có nếu rõ, khi mua và sử dụng phải sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chất lượng thì lỗi thuộc về nhà sản xuất và nhà sản xuất cũng như đơn vị bán hàng phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề của khách hàng. Tuy nhiên, do việc hướng dẫn thực hiện còn nhiều hạn chế nên đến thời điểm này, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, vai trò của các tổ chức xã hội tham gia và hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nói riêng còn khá lúng túng.
Theo ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất thì vấn đề cốt lõi phải là hoàn thiện cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Trong khi đó, tại các tỉnh, thành phố, Sở Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít Sở Công Thương ý thức được trách nhiệm cũng như những hoạt động quản lý Nhà nước của mình theo quy định của luật. Vì vậy, người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi vẫn diễn ra khắp nơi, khắp các lĩnh vực.
Bài và ảnh:Trần Đông Hà