Hà Nội

Cô Lin - Trường Sa, những đêm dài chong mắt

19-07-2014 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sang ngày thứ 7, tàu của chúng tôi chính thức đặt chân lên Cô Lin, điểm đảo chỉ nhỏ như một vết chấm trên bản đồ, song đã đi vào lịch sử nước nhà

Với hải trình dài 10 ngày trên con tàu HQ996, chúng tôi đã đến Trường Sa và DK1. Biển vẫn ồn ào và phóng khoáng tỏa nắng lênh loang trên khắp bề mặt các đảo và nhà giàn, gió mê mải thổi khiến hệ thống điện chạy bằng sức gió quay đến chóng mặt. Sang ngày thứ 7, tàu của chúng tôi chính thức đặt chân lên Cô Lin, điểm đảo chỉ nhỏ như một vết chấm trên bản đồ, song đã đi vào lịch sử nước nhà bằng những chiến công bi tráng trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền năm 1988 của hải quân Việt Nam. Qua 26 năm, nỗi đau không hề nguôi và vùng biển mang tên “tam giác máu” năm nào vẫn luôn là “tam giác lửa”, vẫn còn nguyên sự căng thẳng, trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển - đảo của hải quân Việt Nam trước những hành động hung hăng, khiêu khích của lính Trung Quốc ở điểm Gạc Ma ngay bên cạnh.

Chiến sĩ Cô Lin đón khách thăm đảo.

Ngang qua vùng biển Gạc Ma, nơi còn có một tên gọi buốt xói khác là “nghĩa trang máu”, nhất loạt những con tàu hộ vệ tên lửa mang tên Giang Vệ thuộc hạm đội Nam Hải, Đông Hải của Trung Quốc nhất loạt quay mũi về phía chúng tôi nửa như hăm dọa, nửa như dè chừng. Được biết, năm nào, phía Gạc Ma cũng tiến hành từ hai đến ba đợt diễn tập đổ bộ có sự phối hợp của máy bay và tàu chiến hiện đại. Các tàu vận tải đổ bộ, tàu hộ vệ tên lửa, hải giám, hải tuần, ngư chính cũng thường xuyên đến Gạc Ma không theo một quy luật nào. Hẳn đó là một trong những lý do mà 26 năm qua, cùng với Len Đao, láng giềng Cô Lin đêm nào cũng thức, những người lính Cô Lin đêm nào cũng chong mắt dõi biển xa, ngón tay luôn áp trên cò súng.

Gọi là đảo vậy thôi, chứ thực tế Cô Lin chỉ là dải cát san hô dài dăm bảy trăm mét mỗi khi nước cạn, có dạng một hình tam giác nhưng cạnh hơi cong. Còn khi triều dâng thì hoàn toàn mất dấu dưới làn nước xanh. Sau năm 1988, chiến sĩ ta phải dựng những chiếc lều để ở tạm. Còn hiện nay, sau nhiều lần xây dựng, tu sửa, trông Cô Lin như một chiếc lô cốt lớn có 3 tầng giữa bốn bề sóng cả. Đại úy Trương Hồng Phượng, chỉ huy đảo Cô Lin cho chúng tôi biết, Cô Lin là đảo cấp 3 với bãi đá ngầm dựng đứng nên việc di chuyển để vào đảo rất khó khăn, lương thực, thực phẩm, nước ngọt cũng hoàn toàn trông chờ vào những chuyến tàu chuyển hàng ra đảo. Thức ăn chủ yếu là đồ hộp, đồ khô và đồ đông lạnh, bữa cơm mỗi ngày anh nuôi chỉ dám hái chút ít để nấu bát canh “toàn quốc” (nghĩa là canh toàn nước). Những năm gần đây, bằng sự mưu trí, dũng cảm, vượt khó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin đã tự túc được nước bằng nguồn nước mưa, trở thành một trong những đảo chìm có lượng nước dự trữ nhiều nhất trên quần đảo Trường Sa. Còn rau thì nhờ mồ hôi lính đảo để lớn nên hàng năm, sản lượng rau tăng gia của đảo vượt định mức.

Không theo đoàn khách lên tầng trên của đảo, tôi lặng lẽ đi xuống gian bếp khuất sau chiếc công sự có dòng chữ bằng sơn vàng trên nền sơn đỏ “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Căn bếp của lính tuềnh toàng với những mâm, nồi, bát quân dụng đã ít nhiều móp méo. Lại thấy cả một lô vỏ đồ hộp các loại đã được rửa sạch, mài nhẵn giấu sau đám rổ rá. Nguyễn Cao Sứ - cậu chiến sĩ trẻ măng người Bình Thuận vội chạy lại mời tôi lên tầng, ngượng nghịu nhìn chiếc vỏ hộp dưa chuột muối tôi cầm trên tay rồi giải thích: “Vỏ lon này dùng để hứng nước mưa chị ạ. Bọn em giấu đi để khách không nhìn thấy, rồi lại thương lính khổ”.

Vườn rau trên đảo Cô Lin.

Điều em nói khiến tôi cay mắt! Ôi, đã thiếu thốn, gian khó đến bao nhiêu mà còn phải giấu vì sợ khách buồn. Ở tuổi em, em trai tôi còn đang vùi đầu vào những trận gameonline thâu đêm suốt sáng, còn Sứ thì đã quá dạn dày mưa nắng, dạn dày với hiểm nguy rình rập ở Trường Sa. Rồi tôi lại bắt gặp một chiếc vỏ đồ hộp khác ngay tại giường cá nhân của Sứ. Em dùng nó để chế một cây đèn bàn có thành phần kết cấu bao gồm: thân đèn là một chiếc chân quạt hỏng, chụp đèn là vỏ đồ hộp, được bao thêm một mảnh báo, công tắc đèn là một chiếc công tắc nhựa bình thường, được nhét vào phần lõm trước đây từng là núm vặn của chiếc quạt kia. Nhờ chiếc đèn này, các buổi tối, Sứ có thể đọc báo, ghi sổ sách nội vụ và cả... làm thơ mà không phiền đến các đồng đội khác. Về đất liền, tôi đã định gửi ra tặng Sứ một chiếc đèn bàn, rồi lại thôi. Vì nghĩ, chỉ còn 6 tháng nữa là em xuất ngũ, hãy để cho chiếc đèn độc đáo đó ở bên em, là người bạn đồng hành cùng những trang thơ của em trong những năm tháng “tráng niên đại mộng” thật đẹp ở Trường Sa.

Trên tàu, chúng tôi đã được dặn rằng, các đảo chìm rất hiếm nước nên khách ra đảo cần tiết kiệm. Đến Cô Lin, chúng tôi cũng không dám uống những bình trà đã pha sẵn. Vậy mà cũng thành kỷ niệm. Các chiến sĩ cứ lấn bấn mãi khi tiễn đoàn, rồi thiếu úy Nguyễn Hữu Thủy mạnh dạn hỏi: “Sao các đại biểu không uống nước ở đảo chúng em. Mọi người kiêng à?”. Mọi người đành phải nói thật là do muốn tiết kiệm nước cho anh em. Cánh lính cười nhỏn nhẻn: “Mấy bữa trước trời mưa, bọn em bịt cả giao thông hào, lô cốt và đặt ống bơ để hứng nước nên hiện đảo nhiều nước lắm. Các chị đừng ngại”. Vậy là khách lại trèo lên tầng 2 để thưởng thức mỗi người một tách trà. Lính đảo là thế đấy, dẫu còn thiếu thốn thật nhiều nhưng tấm lòng lại rộng rãi như biển cả.

Trực radar trên đảo Cô Lin

Những ngày ở Trường Sa, thoáng bắt gặp những khoảnh khắc ưu tư trên gương mặt những người lính hải quân. Đoàn công tác chúng tôi phải di chuyển nhiều hơn, khẩn trương hơn và hầu như không được ngủ đêm tại một số đảo như thường lệ. Sau mới biết nguyên do là bởi anh em trên các đảo phải chuẩn bị đón hàng trăm đồng đội từ đất liền có nhiệm vụ ra hiệp đồng diễn tập phòng thủ đảo đang chờ trên những chiến hạm đậu cách đó không xa. Ở Cô Lin cũng vậy, thời điểm chúng tôi lên đảo, ở bãi Gạc Ma, Trung Quốc đã điều gần 200 tàu vận tải đường biển cỡ lớn để phục vụ cho việc thay đổi hiện trạng trên bãi đá san hô này. Ngoài ra còn có 10 tàu hộ vệ tên lửa Giang Vệ thường xuyên tuần hành xung quanh vùng biển Gạc Ma. Có thể thấy dã tâm của Trung Quốc là rất lớn, họ không chỉ chiếm giữ trái phép một phần lãnh thổ của Việt Nam mà còn muốn xây dựng Gạc Ma cùng Chữ Thập trở thành những đảo nhân tạo và căn cứ vững chắc làm bàn đạp cho những bước chân xâm lăng của họ sâu dần xuống Nam biển Đông.

Những người lính ở Cô Lin chia sẻ, các loại tàu của Trung Quốc nửa như tàu cá, nửa như do thám, rình rập thường hay xuất hiện ở nơi này. Một chiến sĩ gay gắt: Ghét nhất là mấy cái tàu loại này, vừa bẩn vừa tham. Họ có một chiếc tàu mẹ rất to, trên đó chứa hàng chục tàu con. Mẹ con chúng cõng nhau đến đây rồi thả cho bọn tàu con xuống chạy lòng vòng, cuối ngày lại về tàu mẹ và đi chuyển đi chỗ khác. Những tầu này rất hung hăng, hiếu chiến, sẵn sàng va chạm, gây hấn với tàu cá của ngư dân ta. Khi yếu thế thì lại chạy tót về tàu mẹ để cậy to bắt nạt tàu nhỏ hơn. Thượng úy Nguyễn Văn Ba - Chính trị viên đảo Cô Lin nói: “Làm nhiệm vụ ở Cô Lin, chúng tôi xác định không được phép lơ là mất cảnh giác, không được phép ngủ say, dù ban ngày hay ban đêm!”.

Xuống xuồng CQ để rời đảo, cứ ân hận mãi vì đã không tranh thủ trèo lên chốt gác. Nhớ đến đống vỏ đồ hộp nơi góc bếp, lại xót xa thầm nghĩ, chẳng ngờ những vật dụng trong đất liền tưởng như đồ phế phẩm lại có vai trò quan trọng trong đời sống chiến đấu của anh em đến vậy. Vỏ dùng để hứng nước mưa, dùng để làm chụp đèn, dùng để trồng rau. Ôi những chiếc vỏ hộp và những người lính biển của tôi!

Những ngày này, đêm đêm, đảo Cô Lin như một ngọn hải đăng tràn đầy sức sống. Đêm đêm, biển Cô Lin không ngủ. Còn những người lính Cô Lin vẫn đang chong mắt dõi bốn phương tám hướng biển trời, quyết giữ từng hòn đá mồ côi, từng cánh chim biển, từng rạn san hô trước mưu đồ xâm chiếm của những kẻ tham lam ở ngay đối diện. Những người lính Cô Lin, những người lính Trường Sa đã nguyện “còn người, còn đảo, còn Tổ quốc”. 

Bài, ảnh: Tuệ Lâm

 

Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Xung quanh việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam
(cập nhật liên tục)
Diễn biến

 


Ý kiến của bạn