Thường khi Tết đến, xuân về, trong cái không khí tưng bừng, rộn rã của ngày xuân, mọi người vui vẻ thưởng ngoạn những đặc sản, những món ăn vô cùng hấp dẫn của mỗi vùng, miền trong Tết cổ truyền. Tuy nhiên, những người có bệnh mạn tính nên ăn uống thế nào cho phù hợp?
Người bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch: Đối với rượu bia, chỉ nên dùng với mức độ rất hạn chế, tốt nhất là không uống. Vì uống nhiều rượu bia làm huyết áp tăng, dễ gây đứt mạch máu, xuất huyết não... Vui xuân, những người mắc loại bệnh này nên ăn ít thịt mà thiên về những món cá, các món rau: cần ta, cần tây, hành tây, mộc nhĩ, tỏi...
Người bị chứng tăng mỡ máu nên kiêng các thức ăn nhiều mỡ như thịt bò, thịt lợn..., không ăn các loại phủ tạng động vật: gan, tim, thận, lòng... Nên ăn các loại cá, đậu phụ, mộc nhĩ, giá đỗ, tỏi, hồ tiêu..., các loại rau chứa nhiều chất xơ như rau cần, rau cải, cà rốt, khoai tây, các loại bí, dưa.
Người bị bệnh gan, mật nên kiêng tuyệt đối rượu bia, hạn chế các loại thịt mỡ... Nên ăn các loại thịt, cá, lươn... nấu, hấp có ướp nghệ vàng hoặc gói với lá nghệ, với mục đích để tăng sự bài tiết của dịch mật và men ở gan. Đồng thời không quên uống các loại trà thảo mộc có tác dụng lợi gan mật như trà atiso, nhân trần, bồ bồ, thảo quyết minh...
Người bị ho, hen suyễn, các bệnh phế quản nói chung, nên ăn các thức ăn dễ tiêu, kèm với những loại rau, củ có lợi cho khí phế như xương sông, lá chanh, húng dổi, húng chanh, rau hẹ, cải xoong... những gia vị mang tính thông phế khí, trừ đờm như chanh, quất, mù tạt...
Người bị bệnh đái tháo đường cần rất hạn chế các sản phẩm chứa nhiều tinh bột, các sản phẩm có đường lại chính là những sản phẩm mang tính “nghinh xuân - tiếp khách” như mứt, kẹo, nước ngọt. Trái lại, nên ăn những món có nhiều xơ như: bí xanh, bí đỏ, mướp đắng, dưa chuột, cà rốt, các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu phụ, ớt... Ăn thêm các loại quả: ổi, táo ta... Uống thêm các loại trà: thìa canh, cam thảo đất...
Người bị bệnh thống phong (bệnh gút): nên ăn rất ít thịt, nhất là những loại thịt giàu đạm, như thịt bò, thịt dê... Vì đạm sẽ là nguyên nhân sản sinh các chất urê và cuối cùng là các sản phẩm urat, tích lũy ở các khớp gây đau nhức. Đồng thời, nên ăn thêm các loại rau mang tính hoạt huyết giảm đau như rau răm, hành, canh lá lốt, lá khủ khởi...
Người bị bệnh dạ dày và thực quản: Cần tránh bia, rượu, các loại nước uống có gas, các gia vị cay nóng: ớt, riềng, hồ tiêu, mù tạt..., các thức ăn có thể chất cứng, dai như măng, cà muối, bì lợn, vó bò..., các loại nộm chua có chanh, khế... các loại rau sống, vì chúng dễ kích thích gây đau. Nên ăn các thức ăn mềm, nấu nhừ: canh thịt hầm đu đủ, giò lụa, mọc hầm... Ăn thêm các loại quả: cam, nho, hồng xiêm, thanh long...…
Người bị bệnh đại tràng thể nhiệt, gây táo trĩ, thậm chí chảy máu, không nên uống rượu bia, vì rượu bia sẽ làm tăng khả năng táo, trĩ và xuất huyết. Kiêng gia vị nóng: ớt, tỏi, mù tạt, hồ tiêu, húng lìu...Nên ăn các thức ăn mềm, ăn nhiều canh, ăn các loại rau có tính mát như rau dấp cá, rau má, rau sam..., ăn thêm các loại quả: đu đủ chín, chuối, dưa hấu... Đồng thời uống các loại trà lợi mật: atiso, nhân trần, thảo quyết minh...
Người bị bệnh đại tràng thể hàn: Thường xuyên đầy bụng, sôi bụng, đau quặn bụng, đi ngoài phân nát, lỏng cần thận trọng khi ăn cá và các thức ăn tanh, không ăn các loại rau sống, các loại quả chua như khế, chanh, sấu..., các loại nước lạnh, các gia vị mang tính kích thích như mù tạt, ớt... Nên ăn các thức ăn mềm dễ tiêu, ăn các loại rau như lá mơ, tía tô, tỏi, hành, củ sả, gừng..., các loại hoa quả: hồng xiêm, ổi, chuối tây...
Người bị chứng ngứa, dị ứng: Tết lại rơi vào đầu xuân, mùa của muôn hoa đua nở, mùa có nhiều yếu tố gây dị ứng: phấn hoa, lông, bụi của đài hoa... dễ gây kích thích lên cơ thể: da, mắt, mũi... Những người ở trạng thái dị ứng cơ địa khó có thể tránh khỏi. Do vậy, hãy tự phòng tránh tối đa sự tiếp xúc với các yếu tố ngoại lai. Mặt khác, về mặt ăn uống cũng nên chú ý hạn chế các thức ăn dễ gây dị ứng như cua, tôm, cá... biển. Nên ăn thêm các loại thực phẩm mang tính giải độc: đậu phụ, đỗ xanh..., các loại rau: kinh giới, dấp cá, rau lang, rau muống... Đồng thời uống thêm các loại trà giải độc: trà kim ngân, trà hoa cúc, trà cỏ ngọt, thổ phục linh, cam thảo...
Tóm lại, bệnh mạn tính thì có nhiều loại, song chỉ xin dẫn chứng một số bệnh thường gặp. Từ đó cảnh báo việc sử dụng thức ăn, thức uống trong dịp Tết Giáp Ngọ. Đành rằng, ngày Tết, việc kiêng khem là vô cùng khó với mọi người, nhất là những người mang trong mình những chứng bệnh mạn tính. Song dù sao, lời khuyên dạy của tiền nhân: “Có kiêng có lành” vẫn là một điều nên nhớ!
GS.TS.Phạm Xuân Sinh