Từ ngày 8 - 11/10, Hội nghị Khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2014 và Hội nghị Đông máu - Huyết khối Khu vực châu Á Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội. Đây không chỉ là sự kiện lớn của chuyên ngành huyết học - truyền máu mà còn là “cơ hội vàng” để các cán bộ, các nhà khoa học trong chuyên ngành gặp gỡ, cập nhật, tăng cường kiến thức khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần đưa chuyên ngành huyết học - truyền máu Việt Nam ngày càng phát triển toàn diện. Trước thềm hội nghị, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW - Trưởng Ban tổ chức hội nghị.
PV: Xin ông cho biết đôi nét về hai hội nghị lớn của chuyên ngành huyết học - truyền máu này?
GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Hội nghị Khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc được tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2004. Hội nghị là cơ hội lớn để các cán bộ ngành huyết học - truyền máu trao đổi, cập nhật và tích lũy kiến thức. Hội nghị Đông máu - Huyết khối Khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng được tổ chức 2 năm một lần vào các năm chẵn. Việt Nam là thành viên của Hội Huyết khối và Cầm máu châu Á Thái Bình Dương, gọi tắt là APSTH (Asian Pacific Society on Thrombosis and Hemostasis) - một tổ chức phi lợi nhuận, là “sân chơi” khoa học dành cho các cán bộ nghiên cứu thuộc lĩnh vực đông - cầm máu nói riêng và chuyên ngành huyết học - truyền máu nói chung thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hội nghị lần lượt được tổ chức tại các quốc gia thành viên. Cả hai hội nghị này được Viện Huyết học - Truyền máu TW phối hợp với Hội Huyết khối và Cầm máu châu Á Thái Bình Dương, Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam tổ chức.
Hai hội nghị này được tổ chức kế tiếp nhau là một sự bố trí hợp lý, đại biểu có thể tham gia được cả hai hội nghị, mang lại diễn đàn lớn cho các nhà khoa học trong và ngoài chuyên khoa huyết học - truyền máu, giúp họ tiết kiệm, tận dụng được thời gian, công sức và cập nhật được nhiều thông tin mới mẻ.
PV: Hai hội nghị này có gì mới so với các hội nghị trước đó, thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Chúng tôi cho rằng hội nghị năm nay có những nét mới vượt trội so với các hội nghị đã được tổ chức trước đó.
Thứ nhất, hội nghị thu hút hơn 800 đại biểu trong nước và gần 200 chuyên gia quốc tế hàng đầu trong khu vực tới tham dự và trình bày báo cáo khoa học. Với hơn 150 bài báo cáo khoa học, chuyên luận trong nước và hơn 100 bài chuyên luận, đề tài khoa học của chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực huyết học - truyền máu và đông máu - huyết khối sẽ được trình bày. Vì thế, hội nghị lần này cập nhật được nhiều tiến bộ trong kỹ thuật điều trị từ các báo cáo/nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực huyết học - truyền máu, đông máu - tắc mạch đến từ các nước có nền y học phát triển như: Australia, New Zealand, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... Đặc biệt, các báo cáo của chuyên gia quốc tế tập trung cập nhật nhiều thông tin, tiến bộ trong kỹ thuật chẩn đoán, điều trị các bệnh thuộc rối loạn đông máu - tắc mạch (một trong những rối loạn thường gặp và để lại hậu quả nặng nề và liên quan đến nhiều chuyên khoa khác). Do đó, chất lượng chuyên môn là điểm mới vượt trội của hội nghị.
Thứ hai, hội nghị đã được chuẩn bị hết sức công phu. Ban Tổ chức gồm các chuyên gia trong nước và quốc tế. Tập thể Viện Huyết học - Truyền máu TW và các đại biểu tham dự hội nghị đã nỗ lực chuẩn bị các công trình nghiên cứu, cơ sở vật chất cho hội nghị trong suốt 2 năm qua. Hầu hết báo cáo tại hội nghị bao trùm các chuyên khoa trong ngành như: miễn dịch, di truyền, sinh học phân tử, tế bào gốc, Thalassemia, truyền máu, huyết học, đông máu... Có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu như: Quy trình thu thập, xử lý, bảo quản tế bào gốc; Quy trình sàng lọc Thalassemia; Đột biến gen trong các bệnh về máu,...
Thứ ba, hội nghị được diễn ra đúng dịp Thủ đô Hà Nội đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10). Hội nghị có ý nghĩa thiết thực chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô, là cơ hội để đại biểu có dịp tìm hiểu Thủ đô ngàn năm văn hiến của một đất nước anh hùng và tươi đẹp. Thêm một điểm mới nữa là hội nghị lần này được tổ chức tại tòa tháp hiện được coi là cao nhất Việt Nam với các phòng họp sang trọng, hiện đại cùng các dịch vụ tiện nghi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đại biểu tham dự.
PV: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của hội nghị với chuyên ngành huyết học - truyền máu?
GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Đây là dịp để chuyên ngành huyết học - truyền máu tổng kết lại kết quả đã đạt được, đưa ra phương hướng hoạt động cho những năm tiếp theo. Mặt khác, hội nghị không chỉ cho lĩnh vực huyết học - truyền máu mà cả các lĩnh vực liên quan. Thông qua hội nghị, chúng ta có cơ hội cập nhật kiến thức mới, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chẩn đoán, ứng dụng các phương pháp điều trị bệnh về máu. Việc quyết tâm tổ chức thành công một hội nghị cũng sẽ góp phần khẳng định tầm vóc của chuyên ngành huyết học - truyền máu Việt Nam với thế giới.
PV: Được biết, Ban tổ chức hội nghị lần này chuẩn bị rất nhiều chương trình bên lề của hội nghị, xin ông cho biết thêm về nội dung này?
GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Năm nay, Ban tổ chức sẽ tôn vinh gần 100 cán bộ trong nước và chuyên gia quốc tế có nhiều đóng góp cho chuyên ngành. Bên cạnh đó, nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc cũng được dàn dựng và biểu diễn trong dịp này. Chúng tôi tin rằng, ngoài nội dung chuyên môn rất mới mẻ và cập nhật, thì công tác chuẩn bị và các nội dung khác sẽ rất hấp dẫn các đại biểu tham dự hội nghị.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quang Nhật (thực hiện)