Cơ hội và thách thức

03-01-2015 4:04 PM | Tin nóng y tế

SKĐS - Năm 2014, tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế vĩ mô phục hồi...

Năm 2014, tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế vĩ mô phục hồi, trong đó, lạm phát của cả năm nay dưới 3%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và thấp xa so với mục tiêu lạm phát 5% của Chính phủ. Năm 2014 cũng chứng kiến xu hướng giảm bất thường của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/12 thì CPI tháng 12 của cả nước tiếp tục giảm 0,24% so với tháng trước. Trong tháng 12, chỉ có hai nhóm hàng giảm so với tháng 11. Cụ thể, do tác động từ giảm giá xăng nên lĩnh vực giao thông có mức giảm mạnh nhất với 3,09% so với tháng 11/2014, giảm 5,57% so với cuối năm 2013. Kế đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99% so với tháng 10/2014 và giảm 1,95% so với cuối năm 2013. Ngược lại thì nhóm bưu chính viễn thông tăng mạnh nhất với 0,80% so với tháng 11/2014, kế đến là hàng hóa, dịch vụ khác và thiết bị đồ dùng gia đình tăng lần lượt 0,34% và 0,18%. Nhóm thiết yếu là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước và tăng 2,61% so với cuối năm 2013. Chỉ số vàng trong năm 2014 giảm 11,49%, trong khi đó, chỉ số giá USD tăng nhẹ 0,56%. Với kết quả này, cơ quan thống kê tính toán mặt bằng giá của năm 2014 đã cao hơn so với 2013 khoảng 4,09%. Mức lạm phát này thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7% mà Quốc hội giao. Những con số vừa đề cập nói lên điều gì? Tại sao CPI những tháng cuối năm lại giảm trái với thông lệ? Theo các chuyên gia kinh tế, CPI tháng 12 giảm chủ yếu vẫn bắt nguồn từ việc giảm giá xăng, dầu trong nước giảm giá, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,09%, đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI. Ngoài ra, giá gas thế giới giảm mạnh đã điều chỉnh giá gas trong nước giảm 13.000 đ/bình (từ ngày 1/12) càng góp phần cho CPI tháng 12 giảm hơn so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam khép lại năm 2014 bằng tháng giảm thứ ba khiến lạm phát giá tiêu dùng cả năm ở mức thấp nhất kể từ năm 2004. Việc lạm phát kéo xuống thấp được nhiều chuyên gia nhìn nhận là thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô, song cũng đặt ra những thách thức mới cho công tác điều hành kinh tế. Có ý kiến lo ngại trước việc lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây phần nào thể hiện tổng cầu xã hội còn yếu. Đối với khu vực doanh nghiệp, mức tiêu thụ giảm, tỷ lệ tồn kho lớn, giá cả hàng hóa thấp làm giảm doanh thu và tăng gánh nặng nợ thực. Doanh nghiệp khó khăn tìm nguồn thu để trả nợ nên sẽ hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những yếu tố này cũng gây cản trở tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

Chính vì thế, trong năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, mức lạm phát trong tầm kiểm soát để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển.Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu này, trước hết, cần thúc đẩy tổng cầu trong xã hội, mà muốn vậy, phải tạo được công ăn việc làm, tăng năng suất lao động để có thêm thu nhập cho người lao động.            

Minh Huyền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH