Một bệnh nhi sơ sinh được phẫu thuật thành công nội soi thoát vị cơ hoành bẩm sinh ngay tại phòng hồi sức trong khi đang phải sử dụng máy thở cao tần. Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, đây là bệnh lý phức tạp lần đầu tiên được tiến hành phẫu thuật với điều kiện đặc biệt nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Thành công của ca phẫu thuật góp thêm kinh nghiệm quan trọng của nội soi thế giới và mở ra nhiều cơ hội sống cho những bệnh nhi có tình trạng bệnh tương tự.
Quyết định táo bạo trước tình huống khó
Chỉ sau khi sinh ra được 2 phút, cháu bé Hà Thanh Tú (Hoàng Mai- Hà Nội) đã xuất hiện tình trạng tím tái, suy hô hấp. Ngay lập tức bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Xanh Pôn, được chẩn đoán là thoát vị cơ hoành bẩm sinh với tình hình hết sức nguy kịch nên các bác sĩ ở đây đã phải mở nội khí quản, cho thở ôxy và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi cháu bé đến bệnh viện, tình trạng rối loạn trao đổi khí rất trầm trọng, khí CO2 bị ứ nhiều, do vậy không thể thở máy bình thường mà phải cho thở máy cao tần với mục đích rút khí CO2 và tăng cường trao đổi ôxy. Sau 5 ngày thở máy cao tần, bệnh nhi có tỉnh táo hơn nhưng hoạt động tuần hoàn vẫn rất kém, các bác sĩ cố gắng chuyển sang mode thở thông thường nhưng bệnh nhi không đáp ứng được, cho nên vẫn phải sử dụng máy thở cao tần và các thuốc hỗ trợ tim mạch.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm cho biết, bệnh nhi không chỉ bị thoát vị cơ hoành mà còn bị dị tật tim bẩm sinh còn ống động mạch dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi. Câu hỏi đặt ra là tiếp tục cho bệnh nhi thở máy hay phải phẫu thuật ngay? Nếu tiếp tục thở máy cao tần thì bệnh nhi sẽ bị nhiễm khuẩn gây viêm phổi và không giải quyết được tình hình tạng chui lên lồng ngực gây chèn ép tim, bệnh nhi sẽ tử vong nhanh chóng. Vậy thì phải phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nếu vậy bệnh nhân sẽ phải chuyển từ phòng hồi sức sang phòng mổ, trong thời gian đó phải tháo máy thở cao tần và hỗ trợ hô hấp bằng cách bóp bóng nhưng tình trạng sức khỏe bệnh nhi chỉ cần rút máy thở cao tần là tử vong ngay. Không những thế, máy thở cao tần không đáp ứng được trong phòng mổ vì hệ thống máy kết nối khí nén và ôxy trong phòng mổ không tương thích với máy thở cao tần, trong khi chỉ có loại máy thở này mới duy trì hô hấp được cho bé Tú. Không còn cách nào khác, PGS.TS. Liêm quyết định phẫu thuật nội soi cho bé Tú ngay tại phòng hồi sức trong khi bệnh nhân vẫn phải sử dụng máy thở cao tần.
Đối mặt với thử thách
PGS.TS. Liêm cho biết, trên thế giới người ta đã tiến hành những phẫu thuật đơn giản cho trẻ sơ sinh tại phòng hồi sức nhưng mổ nội soi thoát vị cơ hoành bẩm sinh trong tình trạng thở máy cao tần thì chưa được ghi nhận. Thách thức đặt ra là bố trí các thiết bị mổ trong phòng hồi sức rất khó khăn. Chiếc giường cũi của bệnh nhi phải nâng lên ngang bằng thành cũi để biến thành bàn mổ, rất khó cho phẫu thuật viên thực hiện vì họ phải kê bục đứng trong suốt thời gian mổ (hơn một tiếng đồng hồ). Tần số thở máy cao tần khoảng 1.000lần/phút trong khi máy thở thông thường cho trẻ em là 60-100lần/phút, điều đó làm cho lồng ngực dao động liên tục, rất khó nội soi chính xác. Mặt khác, khi phẫu thuật nội soi thoát vị cơ hoành phải làm xẹp phổi bên thoát vị mới có không gian đưa dụng cụ vào lồng ngực thao tác nhưng thở máy cao tần rất khó làm xẹp phổi, làm cho khi phẫu thuật hết sức khó khăn. Trong khi đó bệnh nhân cũng không đáp ứng được thuốc gây mê bốc hơi mà phải gây mê bằng đường truyền tĩnh mạch.
Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ cho áp lực của máy thở xuống thấp đến mức làm cho phổi không quá căng để có thể đưa dụng cụ vào lồng ngực thao tác. Dùng áp lực CO2 cao hơn bình thường (bình thường áp lực CO2 từ 2-4mmHg, nhưng trong trường hợp này phải dùng đến 6mmHg thậm chí có lúc là 8mmHg) làm phổi bớt căng để có không gian thao tác đẩy các tạng xuống bụng và khâu kín lại chỗ cơ hoành bị thoát vị. Trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng sau hơn 1 giờ phẫu thuật, ca mổ đã hoàn thành.
Cơ hội cho người bệnh
PGS.TS. Liêm cho rằng, thành công của ca bệnh này cho thấy vẫn có thể tiến hành thành công phẫu thuật nội soi thoát vị cơ hoành cho trẻ sơ sinh trong điều kiện phòng hồi sức, phải gây mê tĩnh mạch và thở máy cao tần. Vẫn có thể bơm áp lực CO2 vào lồng ngực lớn hơn bình thường mà chỉ số sinh hóa của cơ thể không bị ảnh hưởng tạo điều kiện tốt cho các thao tác nội soi. Trước đây, nếu không chuyển được mode thở thì các bệnh nhi tình trạng như của bé Tú không thể mổ được, như vậy bệnh nhân sẽ tử vong vì biến chứng viêm phổi và suy tuần hoàn. Đây sẽ là kinh nghiệm quan trọng để bệnh viện tiếp tục các ca bệnh khó tương tự và cũng sẽ đóng góp một kinh nghiệm quan trọng vào phẫu thuật nội soi quốc tế.
Chỉ sau 3 ngày phẫu thuật, bé Tú chuyển sang thở máy thở thông thường và 4 ngày tiếp theo đã tự thở được. Hiện tại cháu đã bú mẹ bình thường và chuẩn bị xuất viện.
Hảo Lê