Theo Vietnam Report, thị trường ngành chăm sóc sức khỏe nói chung và ngành dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng nhanh chóng. Nỗ lực của Chính phủ nhằm làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ tiếp cận hơn với giá cả phải chăng là một trong những động lực phát triển ngành.
Thêm vào đó, Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới; nhận thức của người tiêu dùng đối với chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và thu nhập của người dân cao hơn, khiến chi tiêu cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung và tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người nói riêng sẽ nhiều hơn.
Thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt giá trị 16,2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 6,0% GDP. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021, dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR (2020-2030) là 7,6%. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.
Trong tháng 10-11/2022, gần 90% số doanh nghiệp sản xuất, phân phối và kinh doanh dược phẩm cho biết doanh thu tăng lên, gần 80% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Theo nhận định của phần lớn các chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã tạo ra chuyển dịch nhanh hơn trong cơ cấu doanh thu ngành dược phẩm theo nhiều cách khác nhau.
Mặc dù nguồn dược liệu rất đa dạng nhưng nước ta vẫn phải nhập khẩu dược liệu với tỷ trọng cao. Tuy nhiên có một tín hiệu đáng mừng là có 64,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ nỗ lực nghiên cứu thị trường, sản xuất ra các loại thuốc phù hợp với nhu cầu của người dân, tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào.
85,7% số doanh nghiệp gia tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm trong năm vừa qua. 57,1% số doanh nghiệp nâng cấp, đầu tư nhà máy đạt chuẩn quốc tế. 42,9% số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu thuốc và tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất nguyên liệu (mua bằng phát minh, sáng chế, hợp tác…).
IQVIA dự báo đến năm 2025, thị trường dược phẩm toàn cầu được thiết lập trị giá 1,7 nghìn tỷ USD (theo giá nhà sản xuất) còn Fitch Solutions ước tính doanh thu từ dược phẩm trong nước sẽ đạt trên 7,5 tỷ USD, chiếm gần 1,8% GDP.
Động lực của ngành dược trong dài hạn là sự đầu tư của các đơn vị dược phẩm đa quốc gia, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mở rộng bảo hiểm y tế và nhân khẩu học cả nước. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 69,2% số doanh nghiệp trong ngành có niềm tin rõ rệt vào triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 và 42,9% số doanh nghiệp tỏ ra lạc quan vào triển vọng ngành dược trong năm tới.
Về cơ cấu, thuốc kê đơn được kỳ vọng sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh số dược phẩm trong những năm tới, nhờ nhu cầu chữa bệnh tăng cao, việc triển khai bảo hiểm y tế quốc gia, thu nhập tăng, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tốt hơn và sự phát triển của thuốc gốc. Thuốc kê đơn được dự báo đạt 5.754 tỷ USD vào năm 2025, chiếm tỷ trọng đáng kể là 76,6% tổng doanh thu bán thuốc với tốc độ tăng trưởng kép CAGR (2020-2025) đạt 8,4% (theo Fitch Solution).
Về lĩnh vực điều trị, nhu cầu đối với hai nhóm sản phẩm tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng và điều trị, hỗ trợ điều trị ung thư có xu hướng gia tăng lớn nhất trong tối thiểu một năm tới, đạt 85,7%. Trong khi đó, nhóm sản phẩm vaccine và chống đông máu có xu hướng gia tăng thấp hơn, đạt 35,7%. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sốt xuất huyết - Những sai lầm khiến bệnh chuyển nặng.