Cơ hội ngàn năm có một cho đồ họa kỹ thuật số

06-12-2009 10:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đội ngũ những họa sĩ đồ họa kỹ thuật số của Việt Nam ngày càng đông và tham gia ngày càng nhiều vào các chương trình dự án có tầm quốc tế. Nhưng họ chưa được quan tâm hỗ trợ và kết nối vào những chương trình, dự án và tổ chức có tầm vóc quốc gia.

Đội ngũ những họa sĩ đồ họa kỹ thuật số của Việt Nam ngày càng đông và tham gia ngày càng nhiều vào các chương trình dự án có tầm quốc tế. Nhưng họ chưa được quan tâm hỗ trợ và kết nối vào những chương trình, dự án và tổ chức có tầm vóc quốc gia. Việc đưa kỹ thuật số vào các chương trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -Hà Nội là việc phải làm ngay để tạo đòn bẩy cho sự phát triển nhảy vọt của lĩnh vực này.

Một mỏ vàng chưa được khai thác

Đồ họa kỹ thuật số ở VN đang phát triển toàn diện cả về chất lượng và số lượng. Hàng trăm họa sĩ đồ họa kỹ thuật số đang làm thuê cho các công ty quảng cáo, truyền thông, điện ảnh ngoại quốc trong đó có Google. Đa phần những hình ảnh, bản đồ của Google liên quan đến Việt Nam là do các họa sĩ Việt Nam thể hiện. Có thể nói trình độ của các họa sĩ đồ họa kỹ thuật số Việt Nam không thua kém gì thế giới, nhưng việc sử dụng đồ họa kỹ thuật số trong cuộc sống và trong nghệ thuật hiện nay còn rời rạc và manh mún. Gần đây, trong Lễ khai mạc các Đại hội thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam, chúng ta cũng đã bắt đầu sử dụng đồ họa kỹ thuật số để tạo hiệu ứng thị giác khá hoành tráng, công phu, nhưng vẫn chỉ dừng ở những phối hợp nhỏ lẻ và rời rạc theo một tư duy nặng về sân khấu và minh họa. Trong các chương trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có nhiều việc có thể sử dụng kỹ thuật số như kỹ xảo phim, bảo tồn bảo tàng, các hoạt động Đại lễ... nhưng hầu như các đơn vị liên quan đến những chương trình này, do nhiều nguyên nhân, chưa có ý thức sử dụng kỹ thuật số ở tầm chiến lược, tương xứng với tầm vóc Đại lễ và với tiềm năng của đội ngũ đồ họa kỹ thuật số nước ta.

 Cảnh phim Người con của Rồng.
Lễ khai mạc hoành tráng, lộng lẫy của Olympic Bắc Kinh vừa qua với rất nhiều hiệu ứng kỹ thuật số ấn tượng đã gợi cảm hứng cho cho các nhà quản lý và các nghệ sĩ nghĩ đến một hiệu ứng tương tự trong các hoạt động của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói, Đại lễ là một cơ hội vàng cho kỹ thuật số nói chung và đồ họa kỹ thuật số ở Việt Nam nói riêng tích hợp và phát triển, việc đưa kỹ thuật số vào các chương trình Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là việc phải làm ngay.

 Những mảnh đất nào cho kỹ thuật số tham gia Đại lễ?

Các phim hoạt hình và phim truyện lịch sử: Đây là mảnh đất dễ thấy vai trò của đồ họa kỹ thuật số nhất. TP. Hà Nội cũng đã đặt hàng một bộ phim hoạt hình Người con của Rồng nói về tuổi thơ của Lý Công Uẩn. Tuy nhiên, việc triển khai bộ phim này còn khép kín trong phạm vi một nhóm cộng tác viên của Hãng phim Hội điện ảnh, chưa kết nối được sức mạnh kỹ thuật số của quốc gia. Việc triển khai các dự án làm phim Thái tổ Lý Công Uẩn và Trần Thủ Độ còn lúng túng, bế tắc và nửa đường đứt gánh vì nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là xã hội chưa thấy hết vai trò kỹ thuật số nên chưa tin tưởng vào tiến độ và sắc thái dân tộc của các bộ phim này. Cụ thể, những người tỏ ý lo ngại việc sử dụng phim trường Trung Quốc để quay các phim này sẽ làm phương hại đến bản sắc dân tộc đã không hình dung được việc các nghệ sĩ điện ảnh biết khai thác kỹ thuật số có thể sử dụng kỹ xảo phông xanh để biến các kiến trúc Trung Quốc thành kiến trúc Việt Nam.

Các chương trình bảo tàng ảo và du lịch ảo: Hiện nay việc bảo tàng, phục dựng mới chỉ được triển khai ở bình diện cổ điển (xây Bảo tàng Hà Nội, sưu tầm hiện vật, trùng tu), chưa sử dụng kỹ thuật số để mở các bảo tàng ảo, các bảo tàng mở, các kho dữ liệu về kiến trúc và trang phục... lôi kéo sự tham gia của xã hội theo kiểu con đường gốm sứ hay hội họa kết nối...

Các chương trình giải trí Game online: Hiện nay rất nhiều người, nhất là các em vào mạng chơi các trò chơi gắn liền với lịch sử văn hóa Trung Hoa như Võ lâm truyền kỳ, Con đường tơ lụa, Thiên long Bát bộ... nhưng chúng ta chưa có một chiến lược phát triển game online gắn liền với lịch sử và văn hóa VN, chỉ có các chương trình đơn lẻ tự phát của một số cá nhân và tổ chức. Nhân dịp Đại lễ, các công ty kinh doanh giải trí, các cơ quan văn hóa giáo dục có thể đưa ra những dự án làm các game online về Thăng Long - Hà Nội như các game sử dụng chất liệu liên quan tới Sự tích Hồ Tây, Hồ Gươm, Ba lần thắng quân Nguyên, Quang Trung đại phá quân Thanh, Hà Nội mùa đông 1946...

Những giải pháp khởi động cụ thể

Từ năm bảy năm nay, một số nhóm các họa sĩ đồ họa kỹ thuật số đã có ý thức hướng tới Đại lễ bằng việc bỏ tiền túi ra sáng tác và triển lãm những tác phẩm đồ họa 3D tái hiện Hà Nội xưa một cách công phu, sinh động và đầy cảm xúc. Các nhóm này cũng chủ động tìm kiếm cơ hội tham gia vào các hội chợ, các lễ hội và xúc tiến việc thành lập một hội nghề nghiệp của mình với tên gọi là Hội mỹ thuật công nghệ. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa tìm được sự quan tâm hỗ trợ đúng mức của các tổ chức và những người có trách nhiệm. Đến hôm nay, còn quá ít thời gian để triển khai những động thái tổ chức có tầm chiến lược nhằm tạo cơ hội cho đội ngũ đồ họa kỹ thuật số tham gia vào các hoạt động Đại lễ. Song có thể làm một số việc cụ thể nhỏ lẻ sau đây:

- TP. Hà Nội và Bộ Văn hóa phát động các cuộc thi ứng dụng kỹ thuật số vào các hoạt động Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Các tổ chức, các công ty xây dựng các dự án bảo tàng, du lịch kỹ thuật số theo hướng xã hội hóa.

- VP Ban  chỉ đạo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tổ chức các sinh hoạt, giao lưu hội thảo, hội chợ kết nối các nguồn lực kỹ thuật số xung quanh các chương trình hướng tới Đại lễ.

Nếu làm được những việc này thì dù thời gian không cho phép triển khai nhiều ý tưởng, chương trình và dự án cũng vẫn có thể coi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là cơ hội ngàn năm có một cho sự hiện diện bề thế và phát triển nhảy vọt của đồ họa kỹ thuật số Việt Nam.

Đỗ Minh Tuấn


Ý kiến của bạn