Cơ hội nào cho ông Putin?

10-05-2017 14:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Với nước Nga, câu chuyện của ông Putin không chỉ có một bàn cờ Syria, mà còn ở Ucraina và châu Á. Với 59 quả tên lửa của mình, vô hình trung ông D. Trump đã “lôi” V. Putin vào cuộc...

Với nước Nga, câu chuyện của ông Putin không chỉ có một bàn cờ Syria, mà còn ở Ucraina và châu Á. Với 59 quả tên lửa của mình, vô hình trung ông D. Trump đã “lôi” V. Putin vào cuộc; và cũng là thú vị, sự kiện dù ở Trung Đông nhưng chắc chắn ông Putin cũng không thể bỏ qua những cơ hội và lợi ích của nước Nga ở phía Đông.

Quan hệ Nga - CHDCND Triều Tiên có nhiều yếu tố mang tính lịch sử. Mô hình chính trị sùng bái cá nhân ở Triều Tiên chính là rập khuôn thời kỳ Stalin ở Liên Xô. Cho đến khi Liên Xô tan rã, nước này là đồng minh chiến lược chính của Triều Tiên. Liên Xô giúp Triều Tiên rất nhiều, đặc biệt trong xây dựng một nền quốc phòng mạnh đáng nể trong khu vực thời đó, không loại trừ cả việc giúp đỡ phát triển công nghệ hạt nhân. Rất nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự thời Xô-viết vẫn đang được sử dụng ở Triều Tiên cho đến tận ngày nay.

Thời những năm 1990 của thế kỷ trước, sau khi Liên Xô tan rã đồng nghĩa với việc kim ngạch buôn bán giữa hai nước (Nga thay thế Liên Xô) giảm xuống chỉ còn 1% so với thời trước. Đó cũng là “thời kỳ thế chân” của Trung Quốc, chiếm chỗ của Liên Xô - Nga để trở thành đồng minh - đối tác quan trọng nhất của Triều Tiên.Tổng thống Nga V. Putin có nhiều toan tính trên “bàn cờ” ở Syria, Ucraina, châu Á...

Tổng thống Nga V. Putin có nhiều toan tính trên “bàn cờ” ở Syria, Ucraina, châu Á...

Tình hình có nhiều thay đổi từ năm 2014, năm nước Nga của Putin phải đối đầu với lệnh trừng phạt của Phương Tây áp đặt vì những cáo buộc liên quan đến sự can dự của Nga vào tình hình Ucraina. Kinh tế trở nên khó khăn, buộc Nga phải tìm cách xoay xở để thoát ra khỏi tình thế.

Triều Tiên cũng trong tình cảnh bị o ép, cấm vận... chính là một đối tác “dễ thông cảm” của Nga. Trong năm 2014, số nợ thời Xô-viết 11 tỷ đô-la của Triều Tiên đã được Nga xóa cho đến 90%, và số còn lại được phép trả trong 20 năm không tính lãi suất. Ngay trong năm 2015, lượng người lao động Triều Tiên được cấp phép làm việc tại Nga là gần 5.000 người, tăng 27% so với năm trước. Trong năm này, quy chế thị thực thương mại dài hạn đi lại nhiều lần lần đầu tiên sau nhiều năm, được Triều Tiên áp dụng đối với Nga. Một ủy ban kinh tế đặc biệt chung cũng được thiết lập giữa hai nước để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư.

Kinh tế của Triều Tiên phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu than, nay là đối tượng của lệnh cấm vận từ Liên hợp quốc, nhưng than nước ngoài quá cảnh qua Triều Tiên thì lại được phép. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng “lách luật” để xuất khẩu than của cả hai nước, nếu họ muốn. Trong năm 2013 và 2014, một công ty con của Tập đoàn khai thác mỏ Nga Evraz đã phân phối hơn 170.000 tấn than cho Triều Tiên để xuất khẩu và đến năm 2015, Severstal, một công ty khai thác mỏ lớn khác đã tham gia vào câu chuyện khi cảng Rajin của Triều Tiên được nâng cấp...

Nhưng, cũng cần phải nhìn lại vai trò của mỗi nước trong câu chuyện - cho đến nay Nga vẫn đang là một cường quốc, đóng vai trò một trong 6 bên (Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc) của chương trình hạn chế vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Lập trường của Nga vẫn là phản đối chương trình hạt nhân và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, do đó năm 2014 nước này tham gia lệnh cấm vận hạn chế của phương Tây (ngừng cung cấp cho Triều Tiên tàu, máy bay trực thăng và khoáng sản).

Sự dè dặt là có lý do: dù tăng cường quan hệ đến mấy, Nga cũng không thể “phớt lờ” được Trung Quốc. Vừa có những “nồng ấm” lên với Triều Tiên, thì Thông tấn xã Triều Tiên KCNA đã ngoảnh mặt Trung Quốc và thay vào đó là Nga, với tư cách là “nước hữu nghị nhất” của Triều Tiên. Đây là vai trò mà Nga không mong muốn, trong khi những lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên nước này chẳng có dấu hiệu nào sẽ được dỡ bỏ. Hơn nữa, những vụ thử tên lửa của Triều Tiên cũng chỉ cách cảng Vladivostok của Nga có hơn 200km, cũng luôn tiềm tàng một hiểm họa. Đây là cảng nước ấm không bị đóng băng duy nhất của Nga, do đó nếu có xung đột trong khu vực, hoạt động xuất nhập khẩu của nước này có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xem ra, cơ hội là có, nhưng nắm bắt nó thì cái giá phải trả dù chưa tính được, cũng chưa chắc đã rẻ. Với nước Nga của Putin, vai trò “tháo ngòi nổ Triều Tiên” có lẽ vẫn tốt hơn là vai trò “hữu nghị anh em” là như thế.


Phúc Lai
Ý kiến của bạn