Hà Nội

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Thủ đô vững bước khi dịch COVID-19 được khống chế?

19-09-2021 17:22 | Thị trường
google news

SKĐS - “Sau khi dỡ bỏ giãn cách, thành phố cần quan tâm đến vấn đề tạo nền tảng cho tăng trưởng”, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nói.

Sản xuất an toàn với "3 tại chỗ"

Theo yêu cầu Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Đồng thời, sẵn sàng phương án, kịch bản duy trì sản xuất an toàn trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Thủ đô vững bước khi dịch COVID-19 được khống chế? - Ảnh 1.

Sự chuẩn bị sẵn sàng của doanh nghiệp tạo thêm cơ hội để nền kinh tế tăng tốc khi thời cơ đến. Ảnh: DA.

Ngay sau khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhiều nhà máy, đơn vị thực hiện việc khử khuẩn, lắp máy kiểm soát thân nhiệt, yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm các biện pháp "5K" theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt, một trong những biện pháp được các doanh nghiệp (trong đó có nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, trang thiết bị y tế...) thực hiện đó là chia ca để làm việc và giãn cách số lao động làm việc trong nhà máy cùng một thời điểm.

Công nhân khi đến nhà máy đều phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, bảo đảm giữ khoảng cách theo quy định. Bếp ăn phục vụ người lao động được bố trí tấm chắn ngăn giọt bắn, định kỳ phun khử khuẩn toàn bộ nhà máy. Mọi chế độ của người lao động kể cả khi làm việc trực tuyến đều được duy trì đầy đủ…

Theo Phó trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn, ngay sau khi có Chỉ thị số 17/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị đã yêu cầu các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" gửi UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt; sẵn sàng kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa; lấy nhà máy là nơi cách ly... Ban Quản lý cũng yêu cầu các đơn vị chủ động nguồn hàng, bảo đảm lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời nguyên, nhiên liệu duy trì hoạt động sản xuất…

Thúc đẩy doanh nghiệp ổn định, phát triển sau dịch bệnh

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp Thủ đô đã rất nỗ lực, sát cánh cùng chính quyền thành phố thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời, doanh nghiệp kỳ vọng việc cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục... Các khoản hỗ trợ cần phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, có sự giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách.

"Cả thành phố như một cơ thể sống, có quan hệ tuần hoàn, chặt chẽ nên không thể chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà sao nhãng vấn đề phát triển giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội. Sau khi dỡ bỏ giãn cách, thành phố cần quan tâm đến vấn đề tạo nền tảng cho tăng trưởng", ông Mạc Quốc Anh nói.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Thủ đô vững bước khi dịch COVID-19 được khống chế? - Ảnh 2.

Công nhân lao động được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Thống kê cho thấy, trong 8 tháng qua, TP. Hà Nội còn nhiều khó khăn do đại dịch song trên địa bàn vẫn có hơn 13.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. Nhận thức rõ thời cơ đang đến, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành liên quan, quận, huyện thị xã nghiên cứu, chủ động có phương án tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của doanh nghiệp quốc tế ở các quốc gia khác chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 để thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, ngay thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có Kế hoạch số 183/KH-UBND về việc đặt mục tiêu xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch đến năm 2025 cho thấy, có sự chuẩn bị chu đáo khi Thủ đô ở trạng thái "bình thường mới".

Cụ thể, Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Quang Minh II (huyện Mê Linh), Khu Công nghệ cao sinh học (quận Bắc Từ Liêm), Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn. Thành phố hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư Khu công viên công nghệ phần mềm tại quận Long Biên và huyện Đông Anh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội Đỗ Anh Tuấn nhìn nhận, những khu, cụm công nghiệp trên được hình thành không chỉ là chỗ cho "đại bàng" làm tổ, góp phần cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà còn bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững. Song song với nhiệm vụ lâu dài, ngay lúc này, thành phố quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp ổn định, phát triển sau dịch bệnh.

Theo Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, toàn thành phố đã có 4.339 doanh nghiệp thành lập "Tổ An toàn COVID-19" trong doanh nghiệp, với 11.512 Tổ và 50.643 người tham gia. Điều này đã góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn. Đến nay, đã có 615 điểm"Vùng xanh doanh nghiệp" được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động tại các quận: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình; các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thanh Oai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh…

Tính đến ngày 17/9, đã có 116.277 công nhân lao động trong các Khu công nghiệp, chế xuất được tiêm vaccine phòng COVID-19 ở 8 khu công nghiệp.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Mộc Trà
Ý kiến của bạn