Cơ hội mới cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

06-02-2014 06:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) đang là gánh nặng bệnh tật toàn cầu bởi tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong ngày càng gia tăng, kèm chi phí điều trị cao và hậu quả gây tàn phế của bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) đang là gánh nặng bệnh tật toàn cầu bởi tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong ngày càng gia tăng, kèm chi phí điều trị cao và hậu quả gây tàn phế của bệnh. Trong những năm gần đây, nhiều kỹ thuật tiên tiến điều trị lâu dài BPTNMT đã được áp dụng với mục đích cải thiện triệu chứng lâm sàng, chức năng phổi và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tháng 1/2014, lần đầu tiên kỹ thuật nội soi phế quản đặt van một chiều điều trị BPTNMT đã được ứng dụng thành công tại Bệnh viện (BV) 103, mở ra cơ hội mới cho những bệnh nhân mắc BPTNMT.

Kỹ thuật tiên tiến cải thiện chức năng vùng phổi lành ít xâm lấn

Kỹ thuật làm giảm thể tích phổi (Lung volume reduction) là một trong những kỹ thuật tiên tiến điều trị BPTNMT. Đây là kỹ thuật nhằm loại bỏ phần phổi khí thũng dẫn đến cải thiện chức năng vùng phổi lành, kết quả là giảm triệu chứng khó thở, tăng khả năng vận động của bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Có 2 nhóm kỹ thuật chính làm giảm thể tích phổi ở bệnh nhân BPTNMT: Phẫu thuật cắt bỏ vùng phổi khí thũng và nội soi phế quản làm giảm thể tích phổi. Nội soi phế quản làm giảm thể tích phổi bằng van một chiều có ưu điểm là thực hiện được cả trên bệnh nhân giai đoạn nặng, can thiệp nhẹ nhàng, ít tai biến. Nguyên lý hoạt động của van một chiều là chỉ cho luồng khí, dịch tiết ra ngoài trong thì thở ra làm xẹp vùng phổi khí thũng nhưng không cho luồng khí đi vào vùng phổi khí thũng ở thì hít vào. Kỹ thuật này đã được thực hiện ở các nước tiên tiến từ năm 2003. Ở nước ta, đến nay chưa có cơ sở y tế nào thực hiện kỹ thuật này.

Kíp thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản đặt van một chiều cho bệnh nhân.

Kíp thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản đặt van một chiều cho bệnh nhân.

Từ năm 2012, BV 103 đã bắt đầu chuẩn bị cả về nhân lực, trang bị và quy trình kỹ thuật để thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản đặt van một chiều điều trị khí thũng phổi ở bệnh nhân BPTNMT. Ngày 10/1/2014, bệnh nhân đầu tiên ở nước ta đã được ứng dụng thành công kỹ thuật này tại Bộ môn Khoa Lao và Bệnh phổi, BV 103.

Ca đặt van đầu tiên thành công

Người bệnh đầu tiên được ứng dụng kỹ thuật là ông Nguyễn Xuân Đ. 76 tuổi, chẩn đoán: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, týp hỗn hợp, biến chứng tâm phế mạn, suy tim độ III, suy hô hấp mạn tính. Bệnh nhân biểu hiện bệnh 6 năm, tiền sử hút thuốc lá 20 năm và đã bỏ 5 năm. Hàng năm, bệnh nhân phải nhập bệnh viện trung bình khoảng 3 - 4 lần vì đợt cấp của bệnh. Bệnh nhân vào viện ngày 7/1/2014 với biểu hiện lâm sàng ngoài đợt cấp của bệnh, nhưng khó thở thường xuyên mức độ trung bình, khó thở tăng khi đi lại trong phòng. Khám hai phổi rì rào phế nang giảm nhiều. Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có biểu hiện khí thũng ưu thế ở thùy dưới 2 phổi (bên phải nặng hơn bên trái). Đo chức năng hô hấp có rối loạn thông khí hỗn hợp mức độ nặng, thể tích cặn tăng, dung tích toàn phổi tăng, PaO2 giảm, PaCO2 tăng. Điện tim có block nhánh phải hoàn toàn, tăng gánh nhĩ phải. Bệnh nhân đã được chuẩn bị đầy đủ các xét nghiệm theo yêu cầu của kỹ thuật. 8 giờ 30 phút ngày 10/1/2014, dưới sự chỉ đạo của GS.TS. Đồng Khắc Hưng (Phó Giám đốc Học viện Quân y), PGS.TS. Hoàng Mạnh An (Giám đốc BV 103), kíp thực hiện kỹ thuật gồm PGS.TS. Nguyễn Huy Lực, PGS.TS. Tạ Bá Thắng, PGS.TS. Mai Xuân Khẩn, ThS. Đào Ngọc Bằng và các bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa Lao và Bệnh phổi - BV 103 đã tiến hành nội soi phế quản và đặt van phế quản một chiều vào phế quản phân thùy 8 của thùy dưới phổi phải. Kỹ thuật thực hiện an toàn, van phế quản hoạt động tốt. Sau 3 ngày thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân thấy giảm khó thở, đi lại thấy thoải mái hơn và không có diễn biến bất thường khác. Bệnh nhân được nội soi phế quản, chụp Xquang phổi và đo thông khí phổi kiểm tra lại 3 ngày sau thủ thuật. Kết quả kiểm tra cho thấy: Van phế quản ở đúng vị trí, hoạt động tốt, không có chảy máu, nhiễm khuẩn tại chỗ, vùng phổi khí thũng được đặt van bị xẹp lại, chức năng thông khí phổi cải thiện hơn so với trước khi làm thủ thuật (FEV1, FVC tăng). Sau một tuần, bệnh nhân ổn định và ra viện ngày 17/1/2014 và được hẹn tái khám, kiểm tra bệnh sau 1 tháng.

Hiện BV 103 tiếp tục chuẩn bị để thực hiện kỹ thuật này cho những bệnh nhân tiếp theo và sẽ triển khai kỹ thuật tại một số bệnh viện lớn trên cả nước (BV TWQĐ 108, BV Phạm Ngọc Thạch - TP. Hồ Chí Minh). Bước đầu thực hiện thành công kỹ thuật nội soi phế quản đặt van một chiều điều trị BPTNMT đã mở ra triển vọng áp dụng kỹ thuật này và các kỹ thuật tiên tiến khác trên phạm vi rộng hơn nhằm nâng cao kết quả điều trị cho bệnh nhân BPTNMT tại nước ta.

Dự đoán đến năm 2020, tỷ lệ tử vong do BPTNMT sẽ đứng hàng thứ 3 (trong các nguyên nhân). Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 3 - 11% dân số, khác nhau tùy theo mỗi nước. Tại Mỹ (2004) có khoảng gần 11,4 triệu người mắc BPTNMT, chiếm tỷ lệ 12% dân số và tỷ lệ tử vong do BPTNMT đứng hàng thứ tư về các nguyên nhân tử vong. Tại Anh (2008), tỷ lệ mắc BPTNMT 2 - 4%, tương đương với 3 triệu người mắc bệnh, trong đó ước tính còn khoảng 2 triệu bệnh nhân chưa được chẩn đoán. Nghiên cứu tại 12 nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy tỷ lệ mắc bệnh khoảng 3,5 - 6,7%. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu điều tra dịch tễ học toàn quốc năm 2010, tỷ lệ BPTNMT ở lứa tuổi trên 40 là 4,2% và tỷ lệ mắc bệnh chung cho lứa tuổi trên 15 là 2,2%.

PGS.TS. Tạ Bá Thắng (Bệnh viện 103, Học viện Quân y)

 


Ý kiến của bạn