Cơ hội mới cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên?

26-04-2019 06:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hội nghị Thượng đỉnh Nga Triều ngày 25/4 thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ bởi đây là lần đầu tiên Chủ tịch Kim Jong Un tới Nga và hội đàm với người đứng đầu nước Nga, mà còn đánh dấu sự xoay chiều chiến lược của Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nhằm đối phó với sức ép từ Mỹ.

Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều Tiên diễn ra tại  Trường Đại học Viễn Đông Liên bang Nga nằm trên đảo Russky, ngoài khơi Vladivostok ngày 25/4. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm riêng, sau đó là hội đàm mở rộng với quan chức hai bên. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo Nga - Triều kể từ năm 2011.

Không nhiều kỳ vọng về kết quả đàm phán Nga Triều

Chủ tịch Kim Jong Un tới Nga lần này để tìm kiếm các lựa chọn thay thế trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân  với Mỹ bị đình trệ.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp sáng 25/4

Giới phân tích chính trị cho rằng, Chủ tịch Kim Jong Un thực hiện chuyến đi tới Nga lần này  với  “hành trang “ là  những đề xuất xoay quanh vấn đề kinh tế và hỗ trợ nhân đạo.  Hiện nay nền kinh tế Triều Tiên đang bị “bóp nghẹt”  bởi các lệnh trừng phạt quốc tế mà đứng đầu là Mỹ. Đây cũng là vấn đề  được cho là mấu chốt trong thất bại ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều gần đây. Quan điểm của Mỹ cho rằng,  các biện pháp trừng phạt chỉ đến sau khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Khả  năng Tổng thống Nga Putin có thể “gỡ” các sợi dây trừng phạt đang siết Triều Tiên mà không vi phạm các nghị quyết của LHQ là rất khó khăn.  Tuy nhiên đối với cả Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Kim Jong Un, hội nghị thượng đỉnh này có tầng sâu ý nghĩa, hơn bất cứ thỏa thuận thực sự nào.

Đó là hội nghị  sẽ giúp Nga nắm bắt nội dung của hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều, đồng thời ghi tên mình vào bản  danh sách các nước đóng vai trò lớn trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó,  Nga muốn trở lại với  vai trò cường quốc ngoại giao toàn cầu ở  những điểm nóng trên thế giới. Về phần mình, Triều Tiên muốn gửi tới Mỹ một thông điệp rằng, Triều Tiên  có những “ kênh”  khác ngoài Mỹ để thương lượng. Ngoài  đồng minh Trung Quốc, Triều Tiên còn có những “người bạn” khác.

Hội nghị thượng đỉnh Nga Triều Tiên thu hút sự quan tâm của dư luận

Triều Tiên nhận được gì sau Thượng đỉnh Nga Triều?

Khi  hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều thất bại, khiến Triều Tiên  khó khăn hơn khi lựa chọn con đường để tiến bước nhằm vực dậy nền kinh tế của mình  đã kiệt quệ sau hàng chục năm đóng cửa. Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin, Hàn Quốc cho rằng, điều quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Triều Tiên khi đến Nga là kinh tế,  bởi Bình Nhưỡng muốn giảm bớt khó khăn từ các lệnh trừng phạt của quốc tế.

Thương mại giữa Nga và Triều Tiên đã giảm 56% kể từ năm ngoái, đây là vấn đề hai nước sẽ bàn thảo nhằm  mở rộng giao thương mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ. Liệu có dễ dàng đạt được vấn đề này, nhất là với nước Nga?  Có thể hai bên sẽ áp chính sách trao đổi hàng hóa, mà không sử dụng tiền mặt.

Bên cạnh đó, vấn đề trục xuất người lao động Triều Tiên tại Nga cũng sẽ là một nội dung trong cuộc hội đàm. Theo các báo cáo được trình lên Hội đồng bảo an LHQ, mỗi năm Triều Tiên thu được 500 triệu USD  (chiếm1,5%  kinh tế  Triều Tiên) từ 100.000 lao động ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là ở Nga và Trung Quốc. Hiện Nga đã trục xuất hơn 10.000 lao động Triều Tiên khỏi nước này theo nghị quyết trừng phạt của LHQ. Tuy nhiên,  Triều Tiên mong rằng, sau hội nghị thượng đỉnh này, Nga sẽ gia hạn cho những người lao động Triều Tiên được ở lại Nga làm việc hợp pháp. Hiện,  các lệnh trừng phạt mà LHQ yêu cầu Nga và Trung Quốc phải trục xuất tất cả những người lao động Triều Tiên khỏi đất nước mà không có bất cứ sự nhượng bộ nào.

Ngoài ra, Nga mong muốn nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường giao thông  ở khu vực biên giới chung kéo dài 17km giữa hai nước, nhằm  tăng cường giao lưu thương mại giữa hai nước,  giúp vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc và châu Âu. Hồi tháng 12/2018, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cho biết, sẽ nâng cấp tuyến đường sắt giữa Nga và Triều Tiên và đây là một trong những vấn đề được miễn trừ trừng phạt.

Tóm lại, mặc dù hy vọng về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Nga Triều không nhiều, nhưng  hội nghị này được coi là một “chất xúc tác” đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và là cách tiếp cận hiệu quả giúp Triều Tiên không phải hứng thêm các lệnh trừng phạt mới khi bắt tay với Nga – một trong những nước có quyền phủ quyết  các đề xuất tại LHQ.


Hải Yến
Ý kiến của bạn