Cơ hội hồi sinh quan hệ xuyên Đại Tây Dương 

18-02-2021 21:59 | Quốc tế
google news

SKĐS - Mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kéo dài vài năm trở lại đây, đang được khởi động trở lại, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương.

Trong 2 ngày 17-18/2, các Bộ trưởng Quốc phòng của 30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) có cuộc họp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến vì dịch COVID-19.

Hàn gắn quan hệ với NATO

Trong lần xuất hiện đầu tiên trên “sân khấu thế giới” gặp các đồng minh NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho là sẽ tận dụng cơ hội này để “cài đặt lại” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn bị rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng mong muốn xây dựng lại mối quan hệ Mỹ - NATO, ông nói: “Không thể phủ nhận rằng trong 4 năm qua, Mỹ và NATO đã phải đối mặt với một số thời điểm thử thách và có các cuộc thảo luận khó khăn với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tôi nghĩ rằng, việc bắt đầu lại để làm cho NATO mạnh mẽ hơn, nằm trong lợi ích an ninh của cả châu Âu và Mỹ”.

Nhìn lại 4 năm trước, quan hệ Mỹ NATO có lúc căng thẳng tới mức nguy hiểm. Ông Trump nhiều lần công khai chỉ trích các nước đồng minh không chịu chia sẻ gánh nặng chi phí chung, thậm chí từng bày tỏ khả năng Mỹ sẽ rút khỏi liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của NATO là bảo vệ người dân và lãnh thổ của liên minh “bằng cách thể hiện khả năng răn đe đáng tin cậy và một quân đội mạnh”. NATO cần phải hành động nhằm bảo vệ khối trước “các đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Theo các nhà phân tích, hàm ý ở đây Mỹ muốn nói đến việc NATO cần phải lo lắng nhiều hơn về Trung Quốc và Nga.

Cơ hội hồi sinh quan hệ xuyên Đại Tây Dương Quan hệ Mỹ - NATO nóng ấm trở lại.

Lầu Năm góc cho rằng, Hội nghị cấp Bộ trưởng NATO lần này diễn ra trong bối cảnh NATO phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như những hành động gây bất ổn của Nga, một Trung Quốc đang trỗi dậy, chủ nghĩa khủng bố, các thách thức toàn cầu như dịch COVID-19 hay biến đổi khí hậu... Tổng thư ký NATO đã đưa ra một số đề xuất nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức vào cuối năm nay tập trung vào các lĩnh vực như tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, hỗ trợ đồng minh phát huy năng lực và đảm bảo chia sẻ chi tiêu công bằng. Đây là những động thái không chỉ giúp khôi phục lòng tin, mà còn mở ra chương mới trong quan hệ giữa các quốc gia xuyên Đại Tây Dương.

Mỹ thay đổi để phù hợp

Một trong những bài toán khó giải nhất trong mối quan hệ Mỹ NATO và là trọng tâm của hội nghị lần này liên quan đến việc đi hay ở của phái bộ NATO ở Afghanistan bao gồm 9.600 binh sĩ. Dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với lực lượng Taliban về việc rút hàng nghìn binh sĩ khỏi Afghanistan trước ngày 1/5/2021. Điều này khiến các thành viên NATO khác lo ngại, Afghanistan sẽ trở thành căn cứ của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên nếu ở lại, chắc chắn Mỹ sẽ phải hứng chịu những phản ứng từ Taliban.

Tại hội nghị, các bộ trưởng NATO sẽ đánh giá tình hình, giám sát diễn biến trên thực địa tại Afghanistan và đưa ra quyết định cuối cùng về sứ mệnh của NATO tại Afghanistan. Mặc dù lực lượng Mỹ tại Afghanistan chiếm chưa đến một nửa lực lượng của NATO tại đây, nhưng việc Mỹ rút quân sẽ khiến các nước còn lại dao động, thậm chí tiếp bước Mỹ thu quân về nước. Điều này sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Hiện một số thành viên của NATO khẳng định họ sẵn sàng ở lại Afghanistan, nếu Washington cũng ở lại. Liên quan đến vấn đề này, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết, các đồng minh sẽ “đưa ra quyết định về thời điểm thích hợp để cùng nhau dời đi”.

Khác với người tiền nhiệm, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden được cho là sẽ lắng nghe và tham vấn nhiều hơn với các đồng minh cũng như đối tác của Mỹ trong vấn đề Afghanistan. Do đó nhiều tờ báo nhận định Mỹ sẽ không vội vàng rút khỏi Afghanistan. Liên minh xuyên Đại Tây Dương hồi sinh ra sao sẽ cần thêm nhiều thời gian kiểm chứng...

 


Nguyễn Trần
Ý kiến của bạn