Hà Nội

Cơ hội hạ nhiệt căng thẳng ở Syria

06-03-2020 07:38 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 5/3, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gặp nhau tại Moskva để thảo luận về cuộc xung đột ở Syria, đây là “cơ hội vàng” nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở quốc gia Trung Ðông này.

Căng thẳng leo thang ở Syria

Chỉ trong 1 tuần, hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội thuộc Chính phủ Syria và quân nổi dậy ở Idlib - thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria. Ít nhất 59 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng kể từ khi Ankara bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria.

Với mục tiêu tấn công, giành lại quyền kiểm soát Syria, quân Chính phủ Syria dưới sự yểm trợ của lực lượng Nga liên tiếp giành được nhiều vùng đất. Khi đến Idlib họ lại vấp phải sự phản kháng quyết liệt, địa điểm do Thổ Nhĩ Kỳ trấn giữ.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối và yêu cầu quân đội Syria rút khỏi các vị trí như thỏa thuận Sochi ký năm 2018 với Nga, Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện nghĩa vụ của mình như thỏa thuận. Ankara đã không tách những tay súng khủng bố khỏi lực lượng phiến quân đối lập ở Idlib và tiếp tục cung cấp tên lửa cho lực lượng nổi dậy tại Idlib để tấn công các máy bay của quân đội Nga và Syria. Chính vì thế Nga đã đáp trả bằng các cuộc ném bom vào các vị trí của lực lượng phiến quân và gây thương vong cho binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ.

Những cuộc đối đầu trực tiếp với quân đội Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào vũng lầy ở Trung Đông. Trước tình thế này, Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại với các đồng minh cũ của mình là Mỹ, NATO hay Liên minh châu Âu (EU). Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Washington cung cấp các hệ thống phòng không Patriot, đồng thời tuyên bố mở cửa biên giới với Bulgaria và Hy Lạp cho người tị nạn tràn vào châu Âu. Kết quả cuộc gặp ngày 5/3 giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có thể sẽ “hé mở” cơ hội giảm căng thẳng ở khu vực này.

Cơ hội hạ nhiệt căng thẳng ở SyriaĐoàn người di cư tới biên giới Hy Lạp.

Thảm kịch người di cư liệu có tái diễn?

Nhằm gây sức ép với EU, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng “lá bài” người di cư khiến Hy Lạp “hứng đủ”. Chỉ trong vài ngày, dòng người di cư đổ dồn về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp lên đến hơn 10.000 người. Hy Lạp phải huy động cả quân đội và cảnh sát để giữ gìn trật tự, hàng  nghìn người đã bị bắt giữ khi cố tình vượt qua biên giới.

Sức ép với Hy Lạp - cửa ngõ vào châu Âu ngày càng tăng, đẩy quốc gia Nam Âu này trước nguy cơ ngoài tầm kiểm soát do không thể “gánh” được một lượng lớn người di cư như vậy. Các quốc gia có đường biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ cũng “đứng ngồi không yên” như Bulgaria đã phải tăng cường lực lượng biên giới nhằm ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp. Thủ tướng Bulgaria Boiko Borissov  đã ra lệnh cho quân đội và lực lượng hiến binh tăng cường an ninh tại các khu vực biên giới, đồng thời yêu cầu lực lượng hải quân tăng cường tuần tra để đối phó với làn sóng di cư mới.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng châu Âu đã không hề có một động thái nào ở điểm nóng Syria. Thổ Nhĩ Kỳ còn biện minh cho hành động mở cửa biên giới cho người tị nạn Syria, Iraq, Iran, Paskistan và Bangladesh  thẳng tiến về Edirne, Tây Bắc Thổ  Nhĩ Kỳ - giáp biên giới Hy Lạp - là do cuộc xung đột ở Idlib leo thang. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, Ankara sẽ không duy trì thỏa thuận đạt được hồi tháng 3/2016 với châu Âu nhằm chặn dòng người di cư từ Syria để đổi lấy hàng tỷ euro viện trợ.

Động thái “mặc cả” của Thổ Nhĩ Kỳ khiến các nước châu Âu không hài lòng, thậm chí còn gây căng thẳng với các nước EU. Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) được đặt trong tình trạng “cảnh giác cao” ở  các khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. LHQ ra lời kêu gọi các bên hạn chế sử dụng vũ lực với người di cư. Bộ trưởng nội vụ các nước EU họp khẩn để đối phó làn sóng di cư đổ vào châu Âu hiện nay. EU lo ngại, hàng chục nghìn người di cư ở Trung Đông  tái diễn thảm kịch cách đây mấy năm ở châu Âu...


Hải Yến
Ý kiến của bạn