Cơ hội cho người trẻ tuổi bị bệnh lý khớp háng

31-12-2011 11:34 | Y học 360
google news

Ngày 30/12/2011, dưới sự chuyển giao kỹ thuật (KT) của GS. BS. Ewald Haering đến từ Bệnh viện (BV) Minden CHLB Đức, các bác sĩ Viện Chấn thương Chỉnh hình,

Ngày 30/12/2011, dưới sự chuyển giao kỹ thuật (KT) của GS. BS. Ewald Haering đến từ Bệnh viện (BV) Minden CHLB Đức, các bác sĩ Viện Chấn thương Chỉnh hình, BV Việt Đức đã tiến hành thay khớp háng toàn phần Spiron cán ngắn cho một bệnh nhân 50 tuổi ở Ninh Bình. Đây là một kỹ thuật mới, tiên tiến nhất vừa được áp dụng tại Việt Nam so với KT thay khớp háng bằng cán dài trước đây.

Bệnh nhân đầu tiên được thay khớp háng cán ngắn tại BV Việt Đức       

Ba tháng trước, bệnh nhân (BN) Nguyễn Văn Th. 50 tuổi, bộ đội xuất ngũ ở Ninh Bình có cảm giác tê cánh tay phải. Anh đến điều trị tại BV đa khoa tỉnh, được tiêm thuốc và hết tê tay. Nhưng rồi lại thấy đau ở bên hông trái. Đau khiến anh đi lại rất khó khăn. Anh ra điều trị vật lý trị liệu ở BV 103 một thời gian nhưng không khỏi. Về quê một thời gian ngắn, bệnh đau tăng, anh lại phải ra khám ở BV Việt Đức. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán thoái hóa khớp háng độ 3, cần phải phẫu thuật thay khớp háng và may mắn anh là BN đầu tiên được áp dụng KT mới này.

Kỹ thuật chỉ dành cho bệnh nhân trẻ

Trả lời lý do tại sao kỹ thuật này chỉ dành áp dụng cho những BN trẻ (BN từ 60 tuổi trở xuống), PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, người tham gia kíp mổ cùng GS.BS. Ewald Haering cho biết: Đối với những người trẻ có bệnh về khớp háng cần phải phẫu thuật thay khớp, các bác sĩ phải đối mặt với vấn đề thay lại khớp vì tuổi thọ của khớp nhân tạo trung bình từ 15-20 năm. Sau thời gian trên, khớp nhân tạo có thể bị lỏng do các nguyên nhân: sự mòn của khớp do hai mặt khớp cọ sát vào nhau, do tiêu xương quanh ổ cối hoặc xương đùi; ngoài ra còn do những sai sót về kỹ thuật như đặt sai vị trí, chọn kích cỡ khớp không phù hợp, do nhiễm khuẩn… Những yếu tố này càng làm đẩy nhanh quá trình dẫn đến phải thay lại khớp. Đối với những BN càng trẻ, chất lượng xương của BN còn tốt (nhất là chất lượng xương vùng ổ cối và xương đùi), nếu sau này tiến hành thay lại sẽ thuận lợi cho quá trình phẫu thuật, phục hồi chức năng, nhất là sẽ đảm bảo kéo dài hơn tuổi thọ của khớp nhân tạo tiếp theo. Do đó KT này được chỉ định cho BN từ 60 tuổi trở xuống.

 GS.TS. Ewald Haering (*) đang chuyển giao kỹ thuật thay khớp háng Spiron cho các bác sĩ BV Việt Đức.

Đường mổ ít xâm lấn

 

Các bác sĩ phẫu thuật bằng thì mở và bộc lộ chỏm xương đùi qua đường rạch da vùng mông đùi và tách cân, cơ, bộc lộ vào khớp háng. Cắt cổ xương đùi dựa trên thước đo. Sau khi cắt xong, phẫu thuật viên dùng gu gặm các chồi xương xung quanh. Từ trên mặt phẳng vừa cắt,  xác định được tâm của cổ xương đùi, xuyên một đinh Kirschner đầu tù qua dọc trục cổ đến sát thành xương đùi (không được chọc thủng). Dùng thước đo chiều dài của cổ để biết được chiều dài và hướng của cổ xương đùi. Đo đường kính cổ để chọn mũi khoan tương ứng. Sau đó doa và đặt ổ cối (kỹ thuật này hoàn toàn giống với thay khớp háng cán dài). Tiếp đến là thì đặt cán chỏm: doa ống tủy cổ xương đùi, lựa chọn phần chỏm tương ứng với đường kính và chiều dài cổ xương đùi. Sau đó đặt chỏm khớp Spiron, thử chỏm, nắn chỉnh khớp nhân tạo và đóng vết mổ.

TS.BS.Nguyễn Mạnh Khánh, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình II, người cùng tham gia ca phẫu thuật cho biết: ưu điểm của phẫu thuật thay khớp háng Spiron cán ngắn là sau khi thay vẫn giữ được nguyên giải phẫu và chiều cong sinh lý của cổ xương đùi, nên ít ảnh hưởng đến chức năng, có thể phẫu thuật theo đường mổ ít xâm lấn nên ít làm tổn thương phần mềm. Phần cán chỏm có tráng một lớp Bonit và có gien giúp kích thích sự mọc xương và làm tăng bề mặt tiếp xúc giữa cán chỏm với xương của BN nên sẽ giữ được khớp nhân tạo lâu hơn. Tuy nhiên vì đặc điểm cấu tạo, khi sử dụng loại khớp này yêu cầu chất lượng xương vùng cổ xương đùi phải đảm bảo (vì thế khớp phù hợp cho những BN còn trẻ).

Sau mổ BN tỉnh táo, có thể ngồi dậy ngay và tiếp xúc bình thường. BN sẽ được hướng dẫn tập vận động thụ động, chủ động tăng dần từ ngày thứ 3 hoặc ngày thứ 4 sau phẫu thuật, sau đó tập vật lý trị liệu, được cắt chỉ vết mổ sau 12 đến 14 ngày nếu vết mổ liền tốt.

Được biết giá thành 1 ca thay khớp háng toàn phần Spiron cán ngắn cao hơn 10-20% so với 1 phẫu thuật thay khớp thông thường.
 

TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình II cho biết: Bệnh lý khớp háng đa phần do nguyên nhân hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Nghĩa là hoại tử không có nguyên nhân nhiễm khuẩn mà do tắc mạch máu nuôi dưỡng chỏm xương đùi (có thể do uống rượu, do dùng thuốc, nhất là corticoid không đúng chỉ định…). BN thấy đau vùng khớp háng (phần bẹn) khi đi lại, lên xuống cầu thang… Ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1 và 2) chụp phim Xquang thường không phát hiện được mà việc chẩn đoán dựa trên kết quả chụp cộng hưởng từ. Giai đoạn này, BN có thể điều trị bằng thuốc, khoan giảm áp, hoặc ghép tế bào gốc vào ổ hoại tử để kích thích tái tạo xương mới. Giai đoạn sau (giai đoạn 3 và 4) bệnh đã tiến triển nặng, chụp phim Xquang cũng phát hiện được thương tổn. Khớp lúc này đã bị biến dạng, chỏm xương đùi bị méo, mất sự đồng đều diện khớp giữa chỏm xương đùi và ổ cối. Nặng nữa sẽ bị ngắn chi (chân ngắn dần đi, hạn chế cơ năng khớp háng). Việc phẫu thuật thay khớp lúc này là bắt buộc.

Mai Linh


Ý kiến của bạn