Bệnh nhân tự tìm đến bác sĩ “đòi” chữa bệnh
Bệnh nhân D.T.B.T, 59 tuổi, Hà Nội không may mắc phải căn bệnh ung thư vú từ năm 2016 và đang điều trị tại BV K. Bệnh nhân T. cho biết, vào khoảng tháng 11/2018, chị bị huyết khối động mạch phổi được giới thiệu đến chuyên khoa tim mạch của một bệnh viện điều trị nội khoa bằng thuốc.
Khoảng cuối tháng 3, sau một đợt truyền hóa chất ở BV K để điều trị ung thư vú, chỉ sau 2-3 ngày, bệnh nhân T. phát hiện chân phải đột nhiên sưng to gấp 1,5 lần so với trước kia. Đi khám ở bệnh viện bác sĩ cho biết chị bị tắc tĩnh mạch chi dưới do huyết khối, nhưng vẫn chỉ được điều trị bằng thuốc chống đông. Sau nửa tháng dùng thuốc, bệnh không đỡ, chân ngày càng đau hơn, bàn chân sưng to, xuất huyết, sưng từ háng trở xuống to như “chân voi”. Bệnh nhân T. cho hay, chị không thể mặc được quần, đi lại rất đau nhưng không biết làm thế nào.
Bệnh nhân T và chân phải sau 2 ngày can thiệp trở về gần như bình thường
Rất tình cờ, chị T. lên mạng và đọc được bài báo về căn bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới của mình. Mừng như vớ được vàng, chị quyết định tìm đến BV E Trung ương – đơn vị được nhắc đến trong bài báo.
Tại đây, các bác sĩ của khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E xác định đây là một trường hợp tắc tĩnh mạch chi dưới cấp tính vùng chậu, đã dùng thuốc chống đông dài ngày mà không có kết quả, bệnh vẫn tiếp tục nặng thêm trên nền bệnh nhân đang điều trị huyết khối động mạch phổi và ung thư vú, nên cần phải can thiệp ngay .
Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ từ tĩnh mạch khoeo chân bên phải có sử dụng lưới lọc tĩnh mạch. Bệnh nhân T. cho biết, sau can thiệp chân chị bớt sưng ngay, hết đau, giờ đã có thể đi lại.
Bệnh nhân Q. và chân trái bị tím đen, sưng to trước khi được can thiệp hút huyết khối tĩnh mạch bằng dụng cụ
Một trường hợp khác là bệnh nhân Đ.V.Q, 45 tuổi, ở Bắc Giang , đang nằm điều trị ở khoa Nội tim mạch người lớn. Vợ bệnh nhân là chị T.T.H cho biết, chồng chị bị tắc mạch cả 2 chi dưới. Cuối năm ngoái, bệnh nhân Q. trải qua một cuộc phẫu thuật do phình mạch não. Sau ca phẫu thuật khoảng hơn 1 tháng, anh Q. thấy hai chân ngày càng to ra. Đi khám ở bệnh viện tuyến dưới được chỉ định điều trị bằng thuốc, tuy nhiên chỉ 1 bên chân phải thuyên giảm, còn chân trái của anh vẫn tiếp tục sưng to, đến mức không thể đi lại được. Chị H. cho biết, mọi sinh hoạt của anh đều phải có người hỗ trợ, đi lại phải có xe lăn hoặc người cõng. Một tháng trước, bệnh nhân Q. đã được các bác sĩ khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch, BV E can thiệp lấy huyết khối thành công . Đến nay chân trái đã trở về kích thước bình thường, giờ đã có thể đi lại được.
Cơ hội chữa khỏi bệnh thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới và sáng tạo của các bác sĩ BV E
Ths.BS Lý Đức Ngọc, Phó khoa Nội tim mạch người lớn cho rằng, kể từ cuối năm 2018 đến nay, Khoa Nội tim mạch người lớn đã can thiệp cho 6 bệnh nhân bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính và đem lại hiệu quả rõ rệt ngay sau can thiệp.
Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới được đặt để reasnh nguy cơ gây thuyên tắc động mạch phổi cấp tính
ThS.BS Phan Thảo Nguyên -Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn cho biết, bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới là tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch ở một số bộ phận như vùng đùi, cẳng chân, khoeo chân, tĩnh mạch chậu do sự hình thành cục máu đông gây lấp lòng mạch. Thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử huyết khối tĩnh mạch, bệnh nhân đang điều trị ung thư, sau chấn thương, sau phẫu thuật, hoặc những người bị tai biến phải nằm lâu ở phòng hồi sức ….
Khi bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, huyết khối chèn ép, gây ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch trở về tim dẫn tới triệu chứng lâm sàng chân bị tắc mạch gây sưng to, đau nhức do máu không lưu thông. Ngoài việc sử dụng thuốc chống đông, còn một phương pháp cơ học khác là sử dụng dụng cụ hút hoặc lấy huyết khối ra khỏi tĩnh mạch – cách này giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng ngay lập tức. Tuy nhiên có một vấn đề gây khó khăn cho bác sĩ, là khi tiến hành hút huyết khối, các mảnh huyết khối lưu thông trong lòng mạch có nguy cơ trôi ngược về tim, từ đó vào phổi khiến bệnh nhân bị suy hô hấp, tử vong rất nhanh. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất khi can thiệp hút huyết khối tĩnh mạch.
Huyết khối sau khi được lấy ra khỏi tĩnh mạch của bệnh nhân Q.
Theo ThS.BS Ngọc, một số người bị tắc tĩnh mạch lớn chi dưới, nhất là tĩnh mạch chủ chậu, lan ra tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch cửa ở gan, việc chờ uống thuốc để tái thông tĩnh mạch cần phải có thời gian, vì lượng huyết khối ở đây rất lớn, nên cần phải được xử trí ngay.
Sau hút huyết khối 1 tháng, chân trái của bệnh nhân Q. đã trở lại bình thường, bệnh nhân có thể tự đi lại.
ThS.BS Phan Thảo Nguyên cho biết, các bác sĩ BV E đã nghĩ ra cách đặt một lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới, nhằm dự phòng, phòng tránh nguy cơ gây thuyên tắc động mạch phổi cấp tính, để giữ lại những mảnh huyết khối có khả năng trôi lên phổi – một biến chứng khiến bất cứ bác sĩ nào cũng lo lắng khi can thiệp hút huyết khối tĩnh mạch. Đây là một sáng tạo của các bác sĩ khoa Nội tim mạch người lớn, BV E. Thủ thuật được tiến hành trong khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và đem lại hiệu quả bất ngờ cho cả bác sĩ và bệnh nhân.