Có hay không thuật thôi miên, dùng thuốc mê để cướp tài sản?

20-06-2019 12:55 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Lang thang trên facebook, không khó để bắt gặp những bài viết về một loại tội phạm rất bí ẩn, dùng chiêu thôi miên hốt bạc.

Những bài chia sẻ với thông tin: đang đứng ở cây rút tiền, có người đi đến “nhờ vả” một việc gì đó, mình giúp người ta… rồi đột nhiên không biết gì nữa. Hoặc đang mua hàng ở một cửa hàng nào đó, bỗng nhiên bị bất tỉnh…, khi tỉnh dậy thì toàn bộ số tiền, tư trang… đã không  cánh mà bay. Những tình tiết ly kỳ trong các câu chuyện đó khiến không ít người hoang mang, thậm chí dẫn đến tâm lý nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Trong bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ về việc có hay không khả năng thôi miên hoặc dùng thuốc mê để cướp tài sản?

Về thuật thôi miên

Trước hết, tôi khẳng định rằng, không có chuyện thôi miên để cướp được tài sản. Nhiều vụ trộm, chiếm đoạt tài sản xảy ra qua đơn trình báo của các nạn nhân đều rơi vào trạng thái hoa mắt, chóng mặt, cả người mệt mỏi, mồ hôi toát ra nhiều, không làm chủ được hành vi, nhận thức... sau đó ngất xỉu tại chỗ. Song thực tế kết luận điều tra lại khác hoàn toàn.

Vậy thì kẻ thủ ác đã dùng chiêu thức võ lâm gì để lột sạch tài sản của nạn nhân mà họ không hề chống cự?

Đơn cử 1 vụ điển hình “thôi miên” tại cửa hàng ở phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Theo khai báo của chị V.H.Đ. (Ba Đình, Hà Nội), một người phụ nữ bước vào cửa hàng, thấy có mình chị Đ. liền giả vờ mua hàng, sau đó đột nhiên xõa tóc rồi chị Đ. mê man.

Khi tỉnh dậy, chị Đ. chạy ra đồn trình báo bị mất một khoản tiền ngoại tệ và tiền Việt Nam đồng rất lớn cùng với 2 điện thoại iPhone. Tuy nhiên, sau khi điều tra, cơ quan công an kết luận chỉ là vụ trộm thông thường và hành vi xoã tóc kia là không có, điều đặc biệt là số tài sản bị mất thực tế thấp hơn mấy chục lần so với khai báo.

Nhưng có lẽ các bạn sẽ thắc mắc rằng, nếu không có thuật thôi miên thì những tên trộm, lừa đảo sẽ dùng thuốc  mê để đánh ngất nạn nhân thì sao? Vâng, xin trả lời câu hỏi của các bạn về thuốc mê.

Gây mê là một kỹ thuật đòi hỏi phải thực hiện đúng thao tác.

Gây mê là một kỹ thuật đòi hỏi phải thực hiện đúng thao tác.

Về khả năng dùng thuốc mê ngoài cộng đồng

Cũng như thuật thôi miên, khẳng định ngay là thuật dùng thuốc mê đánh ngất nạn nhân là không thể có.

Hiện nay, có 2 loại thuốc mê phân loại theo phương thức sử dụng (dạng tiêm và dạng hít). Như vậy, các bạn có thể hình dung, loại thuốc tiêm thì không dễ dàng đứng giữa đường cắm kim vào thân thể nạn nhân. Còn dạng hít - nếu không chụp mặt nạ có thuốc mê hay phun trực tiếp dung dịch gây mê vào mũi thì thuốc mê sẽ tán phát trong không khí nên dù nạn nhân có hít phải cũng chỉ đủ để nạn nhân choáng váng một chút chứ không đủ liều để khiến nạn nhân mê man bất tỉnh.

Và cũng cần nói thêm về việc dùng khí để gây mê là rất khó, đòi hỏi người sử dụng phải có kiến thức. Thậm chí các bác sĩ (không phải bác sĩ chuyên khoa gây mê) dù đã được học cơ bản còn không dám thực hành bởi nếu không có thao tác và kỹ thuật chuẩn sẽ có nguy cơ bị... gục trước. Hơn nữa, loại biệt dược này chỉ được dùng trong hệ thống y tế kiểm soát chặt còn hơn ma tuý.

Tuy nhiên, có một loại chất tên là Scopolamine (hay còn gọi là Burundanga - dân giang hồ mệnh danh nó là “hơi thở của quỷ”) có thể xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời. Scopolamine không màu, không mùi vị, có thể gây ra tình trạng

hoang tưởng ảo giác rất mạnh. Đặc biệt là chỉ từ 2 - 3 phút sau khi hít vào, Scopolamine ngăn chặn không để ký ức hình thành nên, vì vậy, những sự kiện xảy ra trong giai đoạn thuốc ảnh hưởng tới não bộ sẽ không được ghi lại. Nhưng Scopolamine rất khó mua, bởi đã bị kiểm soát chặt chẽ.

Trước những quy định nghiêm ngặt về kiểm soát các loại thuốc gây mê của ngành y tế, tội phạm khó có khả năng tiếp cận những loại thuốc đặc biệt này. Nên việc sử dụng các loại thuốc này, kể cả Scopolamine ở Việt Nam để gây án là không thể.

Vậy vì sao vẫn có những vụ án lừa đảo gần giống và bị thổi phồng lên về thuật dùng thôi miên, thuốc mê? Thực chất, khi thực hiện vụ án, bọn tội phạm đã lên kế hoạch chi tiết tiếp cận “con mồi”. Chúng tìm hiểu về quy luật đi lại, sinh hoạt của nạn nhân, từ đó chúng sẽ biết nạn nhân có điểm mạnh, điểm yếu nào? Sau đó, lợi dụng điểm yếu để dùng chiêu cũ là tạo những tình tiết làm phân tán sự tập trung của nạn nhân.

Vì thế, các bạn không cần hoang mang, lo sợ trước những tin đồn thất thiệt về thuật thôi miên, đánh thuốc mê. Chỉ cần bạn luôn cảnh giác và không bị cuốn vào những trò lừa, thậm chí không tham lam với các chiêu trò vui chơi có thưởng… thì sẽ không có thuật thôi miên, đánh thuốc mê nào làm ảnh hưởng tới bạn được.


ThS. Nguyễn Quốc Khánh
Ý kiến của bạn