Có hay không tác dụng của lá trầu không chữa nám da?

17-02-2022 19:04 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hiện nay, trên một số diễn đàn chia sẻ rất nhiều bài về kinh nghiệm cũng như công thức đắp lá giúp chữa sạch nám da, tàn nhang, mụn trứng cá… mà không cần dùng sản phẩm gì khác. Kết quả chỉ sau vài tuần là có làn da như ý muốn. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào?

1. Đắp lá trầu không để chữa nám da, cô dâu phải che mạng vì mặt sưng đỏ

Chị N.T.Th (Bắc Giang) chuẩn bị cưới, do lo lắng nhiều việc nên tình trạng trứng cá và nám da lại càng trầm trọng. Trước đây da chị đã sẵn tàn nhang, nám, nay lại thêm mụn trứng cá thì đến ngày cưới sẽ rất khó trang điểm để đẹp. Vậy nên chị Th. rất sốt ruột và tìm cách cải thiện làn da.

Đắp lá trầu không chữa nám da, lợi hay hại? - Ảnh 1.

Nhiều người sử dụng lá trầu không đắp mặt với mong muốn trị nám.

Đọc trên mạng thấy hướng dẫn sử dụng lá trầu không rửa sạch, xay nhuyễn, thêm một chút muối rồi đắp lên mặt trước khi đi ngủ, thì da sẽ trắng sáng, tình trạng tàn nhang, nám, trứng cá cũng sẽ biến mất.

Hồ hởi làm theo, chị Th. thấy mặt nóng rát, rất xót. Nhưng vì ngày cưới sắp đến gần, để có làn da đẹp chị không ngại ngần chịu đựng.

Tuy nhiên, sau 1 tháng chăm chỉ đắp lá trầu không như vậy, mặt chị Th. ửng đỏ, sưng… Đến ngày cưới, da mặt sạm, bong tróc, nên chị phải đeo mạng che đi.

Không chỉ kinh nghiệm đắp lá trầu không, mà các diễn đàn còn chia sẻ kinh nghiệm đắp lá đu đủ, lá tía tô… sẽ giúp chị em có làn da trắng sáng.

Tuy nhiên, không ít người đã gặp phải tình huống dở khóc dở cười.

2. Trầu không có chữa được nám da?

Cách đây đã lâu, có một báo cáo khoa học về các ca bệnh khá độc đáo diễn ra trong hội nghị khoa học da liễu thế giới. Theo đó, các bác sĩ da liễu đã phát hiện ra một rối loạn tăng sắc tố bất thường khi thăm khám trên các bệnh nhân đến viện. Điểm đặc biệt là tất cả các bệnh nhân này đều có tiền sử đắp mặt bằng lá trầu không.

Qua hỏi bệnh và làm các xét nghiệm các bác sĩ đã kết luận rằng sự phát triển của rối loạn sắc tố này có thể được chia thành 3 giai đoạn.

- Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn tẩy trắng: Khi phản ứng kích ứng thường dễ thấy và sự cải thiện rõ ràng tình trạng của sắc tố không mong muốn tồn tại từ trước. Hầu hết tất cả các bệnh nhân đều mô tả làn da của họ mềm mại hơn và trắng hơn trong giai đoạn này.

- Giai đoạn thứ hai là giai đoạn tăng sắc tố trở lại: Trong giai đoạn này, tất cả các bệnh nhân đều bị tăng sắc tố da không đều.

- Và cuối cùng ở giai đoạn thứ ba là sự giảm sắc tố, giống như hoa giấy phát triển dần dần trên khu vực điều trị bằng lá trầu không ở một số bệnh nhân.

Đắp lá trầu không chữa nám da, lợi hay hại? - Ảnh 2.

Trong lá trầu không có chứa nhiều chất có thể làm trắng mịn tạm thời, nhưng kết quả cuối cùng là làm tình trạng sắc tố da trở nên xấu đi.

Như vậy, qua báo cáo khoa học trên, cùng với thực tế tại các phòng khám da liễu hiện nay, thì câu chuyện sử dụng lá trầu không để chữa nám da đã trở nên dở khóc dở cười đối với các bệnh nhân.

Cụ thể, sau khi đắp lá trầu không khoảng 1-4 tuần, thì hầu hết thấy hiệu quả trắng sáng rất nhanh và đẹp. Vì thế bệnh nhân rất hào hứng, thấy hiệu quả tốt và lại càng yên tâm với việc đắp lá là hoàn toàn các thành phần tự nhiên. DDieuf này khiến bệnh nhân lại càng chăm chỉ đắp. Thậm chí có người còn đắp càng dày, số lượng nhiều hơn với hi vọng có làn da trắng sáng nhanh chóng hơn.

Và với hiệu quả ban đầu như vậy, họ sẵn sàng chia sẻ trên các diễn đàn để nhiều chị em cùng biết đến hiệu quả của làm đẹp da bằng lá trầu không, với đủ tiện lợi: Dễ tìm, rất rẻ, hoàn toàn tự nhiên, dễ thực hiện…

Tuy nhiên cuối cùng, kết quả lại là loạt ca bệnh tăng sắc tố bất thường, tình trạng còn tệ hơn lúc đầu và rất khó hồi phục.

Mặc dù có chứa một số carbohydrate, axit glucouronic, axit α-hydroxy (axit malic, axit axetic); một số axit amin tự do và tannin... nhưng trong lá trầu không đồng thời lại có chứa trong đó các dẫn xuất của phenol (eugenol, cavacrol và chavicol), catechol (allyl-pyrocatechol), hoặc benzen (chavibetol, p-cymene, và anethole). Đây là các thành phần đã được nghiên cứu cho thấy sự ảnh hưởng trong việc làm mất sắc tố, gây độc tế bào sắc tố, còn gây ra viêm da tiếp xúc và khiến tình trạng tăng sắc tố trở lại. Các thành phần này cũng được tìm thấy rất nhiều loại thực vật khác như diếp cá, thường xuân…

Trên thực tế lâm sàng hiện nay, mỗi năm số lượng ca đến khám do viêm da tiếp xúc từ đắp lá cây ở các bệnh viện chuyên khoa da liễu là không nhỏ với mức độ từ trung bình đến rất nặng.

Chúng ta không phủ nhận rằng có rất nhiều hoạt chất điều trị được chiết xuất từ thực vật. Tuy nhiên, để sử dụng, chúng đã phải trải qua quá trình tinh chế để loại bỏ các loại gốc axit, phenol, benzene... có hại. Do đó, hãy cẩn thận và đừng tự sử dụng các sản phẩm tự nhiên chưa qua kiểm chứng lên làn da đã yếu ớt hay có vấn đề bệnh lý của mình.

Mời độc giả xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng

BS.Như Mỹ
Ý kiến của bạn