Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết, lao động cưỡng bức trong khu vực kinh tế tư nhân tạo ra 150 tỷ USD lợi nhuận bất hợp pháp mỗi năm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, liệu có hay không lao động cưỡng bức?
Theo ILO, lao động cưỡng bức tại Việt Nam vẫn còn là một bức tranh chưa rõ ràng. Việt Nam không có nghiên cứu toàn diện về lao động cưỡng bức. Mặc dù vấn đề lao động cưỡng bức bị cấm trong pháp luật Việt Nam nhưng các chế tài, đặc biệt là chế tài hình sự, chưa được đề cập đầy đủ, thỏa đáng và hiệu quả. Báo cáo chính thức từ Chính phủ Việt Nam gửi tới ILO, trong năm 2011, có 131 trường hợp buôn bán người tại nước ta bị truy tố, liên quan đến 237 bị cáo. Con số này đã tăng lên so với năm trước đó (124 trường hợp liên quan đến 207 bị cáo). Phần lớn các trường hợp này đều liên quan tới việc buôn bán người để bóc lột tình dục với mục đích thương mại bởi những trường hợp buôn bán người để lao động cưỡng bức trong các khu vực kinh tế không bị truy tố với tội danh buôn bán người theo pháp luật Việt Nam.

Trong khi xu hướng di cư lao động quốc tế đang tăng lên tại Việt Nam, những người lao động thiếu hiểu biết đầy đủ về di cư an toàn có nguy cơ trở nạn nhân của lao động cưỡng bức. Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, mỗi năm họ nhận được khoảng 300 đơn thư, bao gồm những khiếu nại, từ lao động di cư. Hầu hết các đơn khiếu nại có nội dung về chi phí cao (khiến người lao động có thể bị lệ thuộc vì nợ), trừ lương một cách vô lý, làm những công việc khác với những gì đã được các doanh nghiệp tuyển dụng thông báo trước khi đi.
ILO có hai công ước về lao động cưỡng bức – Công ước về Lao động Cưỡng bức năm 1930 và tiếp đó là Công ước về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức năm 1957. Việt Nam đã phê chuẩn công ước đầu tiên vào năm 2007.
Lợi nhuận bất hợp pháp 150 tỷ USD/năm từ lao động cưỡng bức
Theo ILO, lao động cưỡng bức trong khu vực kinh tế tư nhân tạo ra 150 tỷ USD lợi nhuận bất hợp pháp mỗi năm trên toàn thế giới, với nguồn thu cao nhất (hơn 1/3 lợi nhuận trên toàn cầu) đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
2/3 trong tổng lợi nhuận 150 tỷ USD là từ bóc lột tình dục vì mục đích thương mại, trong khi phần còn lại đến từ hình thức bóc lột lao động về kinh tế, bao gồm giúp việc gia đình, các hoạt động liên quan đến nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác.
Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder nhấn mạnh: “Lao động cưỡng bức gây ảnh hưởng xấu tới kinh doanh và phát triển và đặc biệt tới những nạn nhân. Do đó, nhiệm vụ cấp bách là phải thúc đẩy những nỗ lực nhằm xóa bỏ vấn nạn tạo ra mức lợi nhuận khổng lồ này càng sớm càng tốt”.
Ước tính, số nạn nhân của lao động cưỡng bức, buôn bán người và nô lệ thời hiện đại ở mức 21 triệu người. Lợi nhuận thu về từ mỗi nạn nhân lớn nhất ở hình thức bóc lột tình dục (21.800 USD/người/năm).
“Nếu chúng ta muốn tạo nên sự thay đổi đáng kể đối với cuộc sống của 21 triệu nam giới, nữ giới và trẻ em là nạn nhân của lao động cưỡng bức, chúng ta cần có những hành động cụ thể và ngay lập tức bằng cách củng cố luật pháp, chính sách và thi hành pháp luật; người sử dụng lao động cần quan tâm đúng mức để đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức, bao gồm từ chuỗi cung ứng; và các tổ chức công đoàn cần đại diện và trao quyền cho những người lao động có nguy cơ trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức”- Tổng giám đốc ILO nhấn mạnh.
Theo ILO, lao động cưỡng bức là tất cả các công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe dọa bằng bất kỳ hình phạt nào và là các công việc hoặc dịch vụ mà người đó không tự nguyện làm.
Các chỉ số của cưỡng bức lao động bao gồm: Lạm dụng tình trạng khó khan của người lao động. Lừa gạt. Hạn chế đi lại. Bị cô lập. Bạo lực thân thể và tình dục. Dọa nạt, đe dọa. Giữ giấy tờ tùy thân. Giữ tiền lương. Lệ thuộc vì nợ. Điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng. Làm thêm giờ quá quy định.
D.Hải