Có hay không đường dây mua bán thận?

21-04-2014 08:00 | Thời sự

SKĐS - Rải rác từ năm 2012 đến nay đã có một số người dân ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ đi hiến thận. Xung quanh sự việc này đã tạo nên nhiều luồng thông tin khác nhau buộc cơ quan công an huyện Cờ Đỏ phải vào cuộc?

Rải rác từ năm 2012 đến nay đã có một số người dân ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ đi hiến thận. Xung quanh sự việc này đã tạo nên nhiều luồng thông tin khác nhau buộc cơ quan công an huyện Cờ Đỏ phải vào cuộc? Có hay không việc người dân đi bán thận? Liệu có đường dây mua bán thận đứng đằng sau vụ việc này?

Hiến thận hay bán?

Bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cho biết, qua xác minh trên địa bàn huyện, từ năm 2012 đến nay đã có 8 trường hợp “hiến thận”, trong đó năm 2013 đã có 5 trường hợp. Đáng lưu ý, những người nông dân “hiến thận” chủ yếu ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cá biệt gia đình Ngô Văn Y, có 5 người tham gia “hiến thận”. Người “hiến thận” lớn tuổi nhất là 45 tuổi và nhỏ tuổi nhất là 27 tuổi, các trường hợp trên đều tự nguyện hiến tặng. Sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết để chuẩn bị cho việc ghép thận tại TP. Hồ Chí Minh thì những người nông dân này được đưa sang Trung Quốc hoặc một bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh để tiến hành phẫu thuật ghép thận.

Qua tìm hiểu khai thác, những người “hiến thận” này sau khi “hiến” sẽ được 120 triệu đồng từ người nhận thận. Cũng theo bà Cương, những người “hiến thận” đều do người thân quen dẫn dắt và đều thuộc những hộ nghèo. “Mặt khác, do Bộ Luật hình sự chưa quy định tội danh này và các trường hợp hiến tặng được nhiều người kể lại hoàn toàn tự nguyện. Bên cạnh đó, địa điểm hiến thận ở ngoài Cần Thơ và thực hiện lén lút, do đó đề nghị thành phố và các cơ quan chức năng sớm có biện pháp can thiệp phù hợp”, bà Cương kiến nghị.

Hiến thận để cứu sống người khác là việc nên làm nhưng không được thương mại hóa. Ảnh chỉ có tính minh họa

Cơ quan công an TP. Cần Thơ phối hợp với nhiều ban ngành chức năng điều tra bước đầu xác định những người đi “hiến thận” đều có gia cảnh rất nghèo, hầu hết đều làm thuê để kiếm sống qua ngày. Ví dụ như trường hợp anh P. đi làm thuê ở TP.HCM, vào tháng 3/2008 có quen một người tên Đúng. Đúng bảo mình bị hư một trái thận và nếu anh P. bán sẽ trả 55 triệu đồng. Anh P. đồng ý. Sau đó, 2 người đến bệnh viện làm thủ tục cho thận. Công an Cần Thơ cũng xác định được 2 trường hợp khác là L. và T. bán thận vì nghèo. L. và A. là chỗ quen biết nên khi nghe A. kể việc mình đi bán thận, L. nhờ A. tìm người để bán thận lấy tiền trả nợ. A. có quen biết một người tên Út (khoảng 30 tuổi, không rõ địa chỉ). Khoảng tháng 9/2012, A. dẫn L. lên TP.HCM gặp Út để làm thủ tục bán thận. Sau khi tiến hành các thủ tục và xét nghiệm máu, khoảng 30 ngày sau, L. đến TP.HCM gặp Út và được Út giao cho người mua thận tên Phú (không rõ địa chỉ) để đi qua Trung Quốc phẫu thuật cắt ghép thận. Sau khi xong, Út trả cho L. 100 triệu đồng...

Để làm sáng tỏ có hay không đường dây mua bán thận ở huyện Cờ Đỏ, Công an TP. Cần Thơ đang khẩn trương làm rõ và mở rộng vụ án để điều tra. Qua vụ việc này, có thể thấy, tại nhiều vùng sâu, vùng xa, người dân nghèo do ít tiếp xúc, thiếu thông tin lại dễ bị kẻ xấu dụ dỗ nên dễ “nhắm mắt đưa chân” làm những điều dại dột. Chính quyền cơ sở cần nắm chắc địa bàn, khi thấy có sự việc nghi vấn cần phối hợp sớm làm rõ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách, chủ trương của Nhà nước.

Kiểm tra sức khỏe cho người “hiến thận”

Liên quan đến vấn đề về sức khỏe của những người nông dân tự nguyện “hiến thận”, BS. Huỳnh Văn Nhanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho hay, sau khi có thông tin trên, Sở Y tế Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ cử đoàn công tác đến nắm tình hình và kiểm tra sức khỏe hiện tại của các nông dân tự nguyện “hiến thận” mà UBND huyện Cờ Đỏ đã báo cáo.

Theo đó, những nông dân “hiến thận” có thời gian chuẩn bị và chăm sóc sau khi phẫu thuật lấy thận là 1,5 tháng và sau đó được xuất viện về nhà. Kể từ đó đến thời điểm này không một ai được chăm sóc về y tế. Tại thời điểm kiểm tra sức khỏe, chỉ có 2 trường hợp có mặt tại địa phương, 6 người còn lại vắng mặt. Kết quả kiểm tra sau mổ của anh L. 32 tuổi, “hiến thận” khoảng tháng 6/2013 và anh H.V.T, 45 tuổi thực hiện phẫu thuật “hiến thận” tháng 1/2014, đến thời điểm này hai nông dân trên đều lao động bình thường, vết mổ đã liền, các dấu hiệu sinh tồn bình thường... BS. Nhanh cho biết thêm, đoàn công tác đã cấp phát miễn phí một cơ số thuốc bồi dưỡng cho hai nông dân trên, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ hỗ trợ những đối tượng này kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần bằng các xét nghiệm chức năng thận, chức năng gan và siêu âm tổng quát để kiểm tra thận còn lại.

Bán tạng là vi phạm pháp luật

Để đảm bảo an toàn cho người hiến tạng và người được ghép tạng nói chung, Bộ Y tế đã có Quyết định 43/2006 ngày 29/12/2006, quy định về quy trình kỹ thuật ghép tạng từ người cho sống. Trong đó nêu rõ, quy trình điều trị và theo dõi sau mổ đối với người cho thận như sau: truyền dịch, kháng sinh, sinh tố, giảm đau; theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp động mạch, nhịp thở, tình trạng bụng, vùng mổ, nước tiểu và các xét nghiệm thường quy; cho dậy sớm, vận động sớm (sau mổ 24 giờ), cho ăn khi đã phục hồi nhu động ruột. Rút ống dẫn lưu khi hết dịch, cắt chỉ khâu vết mổ vào ngày thứ 7 - 10. Cần lưu ý đề phòng các biến chứng sau mổ như xẹp phổi, nhiễm khuẩn đường niệu, tràn khí màng phổi, nhiễm khuẩn vết mổ... Lịch khám định kỳ sau mổ: trong tháng đầu người cho thận cần phải được khám 2 tuần/lần và làm các xét nghiệm urê máu, creatinin huyết thanh, phân tích nước tiểu; sau mổ từ 1 tháng đến 2 năm: khám 3 tháng/lần, làm các xét nghiệm thường quy; sau mổ 2 năm: khám 1 năm 1 lần, làm các xét nghiệm thường quy.

Tại Điều 4, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác quy định việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như sau: tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; hiến, ghép mô bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. Không nhằm mục đích thương mại.

Mặt khác, việc hiến thận và ghép thận phải được thực hiện rất công phu từ các xét nghiệm, công tác chăm sóc sau khi hiến và ghép. Người hiến thận sau đó cần được chăm sóc chu đáo. Vì vậy, nếu việc mua bán diễn ra ở những nơi không đáng tin cậy hoặc lén lút thì sẽ dẫn đến nguy cơ rất lớn đối với sức khỏe cả người cho và người nhận. Theo GS.TS. Đỗ Tất Cường, Bệnh viện Quốc tế Vinmec, đối với người hiến thận, nếu được tư vấn kỹ, khám xét và làm các xét nghiệm đầy đủ, chính xác thì việc hiến thận để ghép cho người khác là đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người hiến. Vì vậy, người muốn hiến thận phải được tư vấn, hiến thận tại các bệnh viện có chuyên khoa thận và ghép thận và phải được xác định là người hoàn toàn khỏe mạnh (Bộ Y tế quy định nên dưới 60 tuổi). Trên thực tế, những trường hợp không cùng huyết thống phải chứng minh được sự “tự nguyện hiến thận vì mục đích nhân đạo” chữa bệnh chứ không được mua bán vì luật pháp cấm mua bán tạng.

Ngọc Tình - Duy Trinh

 


Ý kiến của bạn