Hà Nội

Có hay không dược liệu thay thế sừng tê giác?

19-07-2014 06:33 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Chưa có bằng chứng lâm sàng hay khoa học nào chứng minh sừng tê giác có thể chữa khỏi bệnh nan y như ung thư, đái tháo đường...

Đã từ lâu, YHCT phương Đông đã coi sừng tê giác là một loại thuốc quý. Gần đây trong xã hội lan truyền những tin đồn, tê giác có thể sử dụng chữa trị một số bệnh nan y khác như ung thư, đái tháo đường, thậm chí cả yếu sinh lý nam... Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về lâm sàng cũng như về khoa học nào chứng minh, mà chỉ là những lời đồn thổi, hòng đánh lừa những người “nhẹ dạ, cả tin” bỏ tiền ra mua hàng của những kẻ buôn lậu tê giác mà thôi.

Sừng tê giác là vị thuốc trị chứng huyết nhiệt sốt cao, cầm máu, chứ không có tác dụng trị ung thư, yếu sinh lý... như lời đồn.

Sừng tê giác dùng trị bệnh gì?

Theo YHCT, tê giác có vị mặn, đắng, chua, tính hàn, không độc. Quy vào kinh tâm, can, vị, thận. Có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải độc, chỉ huyết, tráng thận thủy và thanh tâm hỏa. Được dùng trị các chứng huyết nhiệt, sốt cao (nhiệt độc đã nhập vào phần dinh, phần huyết), hỏa thịnh thiêu đốt, gây cuồng nhiệt, nói mê sảng, trẻ em sốt cao co giật. Hoặc được dùng khi bị xuất huyết (nôn ra máu, chảy máu cam, phát ban, xuất huyết dưới da... Tuy nhiên kết quả điều trị không hẳn chỉ riêng của tê giác. Vì YHCT phương Đông thường dùng tê giác phối hợp với các vị thuốc khác. Ví dụ, để trị chứng nôn ra máu, chảy máu cam, ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu... người ta đã phối hợp tê giác với sinh địa, bạch thược, mẫu đơn bì trong cổ phương “Tê giác địa hoàng thang”.

Vậy tại sao sừng tê giác vẫn được sử dụng nhiều ở Việt Nam?

Trên thực tế, việc sử dụng tê giác vào mục đích chữa bệnh ở Việt Nam từ trước đến nay không phải là nhiều. Phần lớn các lương y cao tuổi, chưa kể đến các lương y thế hệ sau này, cũng như các bác sĩ YHCT cũng chưa một lần thật sự được nhìn thấy sừng tê giác, huống chi là sử dụng nó. Vì đương nhiên là nó rất hiếm và rất đắt. Ở nước ta, trước đây khoảng 15 năm, số tê giác cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay (chỉ có chừng 5 - 7 con sống ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia).

Vài năm gần đây, một số người Việt Nam, vì lợi nhuận khổng lồ đã bất chấp luật pháp buôn lậu sừng tê giác từ nước ngoài và làm giả sừng tê giác từ sừng trâu, bò...

Có thể dùng dược liệu khác thay thế được sừng tê giác?

Hoàn toàn có thể! Vì theo như công năng tác dụng của tê giác mà Đông y đã chỉ ra, việc thay thế một dược liệu khác, một thuốc khác, trong điều kiện y tế hiện nay ở nước ta là hoàn toàn có thể, nếu không muốn nói là “dễ như trở bàn tay”.

Tác dụng hay nhất của sừng tê giác được Đông y nói đến là hạ sốt và chống co giật. Với người bị sốt cao, thậm chí co giật, chỉ cần một liều thuốc tân dược, chưa đến vài chục ngàn đồng là đã có thể giải quyết được. Nếu có nguy cơ co giật, thì chẳng ai dại gì mà không đưa người bệnh đến cơ sở y tế.

Ngó sen, hòe hoa, ...các vị thuốc thảo mộc có thể thay thế tác dụng cầm máu của sừng tê giác nhanh hơn và rẻ hơn nhiều.

Tác dụng thứ hai của sừng tê giác là cầm máu. Với tác dụng này, nên dùng các vị thuốc thảo mộc thay thế thì nhanh hơn và rẻ hơn nhiều, chẳng hạn có thể dùng các vị thuốc chỉ huyết như hòe hoa, trắc bách diệp, ngó sen, bẹ móc... sao cháy, sắc uống là ổn ngay.

Nếu định thay sừng tê giác trong một công thức cổ phương nào đó, có thể tham khảo một số chỉ số khoa học sau: Các nhà khoa học đã chứng minh thành phần hóa học chính và tác dụng sinh học của sừng tê giác (Rhinoceos Horn) với sừng trâu (Water Buffalo Horn) đều là những động vật ăn cỏ, có lúc sống trên cạn và có lúc đằm mình dưới nước. Sừng tê giác và sừng trâu đều chứa các amino acid giống nhau, trong đó sừng tê giác có 19 acid amin, còn sừng trâu có 18 (thiếu cystine). Trong số các acid amin đó, sừng trâu có tới 7 acid amin có hàm lượng lớn hơn sừng tê giác. Về tác dụng sinh học, sừng tê giác có tác dụng cường tim, hạ sốt, ức chế nhu động ruột thỏ nhà cô lập. Trong khi đó, sừng trâu cũng có tác dụng cường tim, tác dụng an thần, tác dụng rút ngắn thời gian đông máu. Tuy nhiên lại có tác dụng hưng phấn đối với ruột thỏ cô lập. Như vậy về mặt tác dụng sinh học cơ bản là giống nhau: cường tim và hạ sốt. Còn tác dụng cầm máu thì sừng trâu lại tốt hơn.

Sừng trâu có thể thay thế nguyên liệu tê giác quý hiếm 

Như vậy, chúng ta có đầy đủ lý do để nói “không” với sừng tê giác. Và cũng có đủ luận cứ khoa học để sừng trâu có thể thay thế nguyên liệu tê giác quý hiếm này. 

 GS. TS. Phạm Xuân Sinh

 


Ý kiến của bạn