Mưa lớn kéo dài đã gây ra sạt lở nghiêm trọng tại ngôi trường vùng cao Mường Lát, Thanh Hóa. Với sự nhanh trí và hành động quyết đoán, cô Bùi Thị Châm (33 tuổi), giáo viên môn Địa lý, đã nhanh chóng phát hiện dấu hiệu nguy hiểm và kịp thời hành động, giúp các học sinh an toàn.
Thầy Nguyễn Duy Thủy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, cho biết: "Ngày 22/9, cô Châm được phân công trực ban, với nhiệm vụ theo dõi và quan tâm đến sinh hoạt, giấc ngủ của các em học sinh. Vào buổi trưa cùng ngày, trong khi kiểm tra khu vực ký túc xá, cô phát hiện nước đang chảy từ mé đồi phía sau, kèm theo hiện tượng đất đá sạt trượt. Ngay lập tức, cô đã thông báo cho các giáo viên khác và nhanh chóng gọi học sinh dậy, di chuyển đồ đạc ra khỏi phòng để đảm bảo an toàn".
Thầy Thủy cho biết thêm: "Do phía sau có một bức tường chắn, đất đá không đổ sập xuống mà chỉ sạt lở từ từ. Nhờ vậy, các học sinh có đủ thời gian để sơ tán và di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Hiện tại, nhiều phòng trong khu ký túc xá đã bị đất đá sạt xuống gây hư hỏng nặng, nhưng rất may mắn là không có thiệt hại về người".
Ghi nhận hành động dũng cảm của cô giáo Bùi Thị Châm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý cho biết, sau khi khắc phục cơ bản thiệt hại, nhà trường sẽ xem xét và đề nghị cấp trên khen thưởng cho cô vì đã kịp thời cứu nguy cho 214 học sinh khỏi thảm họa.
Nhớ lại sự việc, cô Châm cho biết, hôm đó khoảng 12h25, cô đang ăn cơm thì lo lắng về nguy cơ sạt lở từ đồi núi phía sau ký túc xá. Với kiến thức về địa lý và hiểu rõ tính chất của thiên tai, cô quyết định kiểm tra và phát hiện dấu hiệu đất đá bắt đầu trượt. Không chút do dự, cô lập tức bỏ bát cơm và chạy tới ký túc xá, gọi học sinh đang ngủ dậy và yêu cầu di chuyển về khu vực phòng học an toàn.
Cô Châm kể lại: "Lúc đó, thấy có dấu hiệu nguy hiểm, tôi vội chạy đến từng phòng gọi học sinh đang ngủ trưa dậy, yêu cầu di chuyển về khu phòng học của trường. Do bị gọi dậy bất ngờ, có em hoảng loạn, có em còn ngái ngủ. Tôi nhanh chóng chạy xuống phòng học dùng loa thông báo rằng phía sau ký túc xá đang bị sạt lở đất đá, yêu cầu tất cả học sinh nhanh chóng rời khỏi phòng ở, di chuyển về khu phòng học để đảm bảo an toàn.
Chỉ sau 10 phút kể từ khi các em sơ tán, hàng trăm khối đất đá từ quả đồi phía sau đổ sập xuống, phá hủy ba phòng và biến dạng nhiều giường học sinh vừa nằm ngủ".
Trước đó, vào ngày 22/9, do mưa lũ kéo dài nhiều ngày, đất đá sạt lở đã đổ xuống khu vực taluy dương, nơi có 15 phòng ký túc xá của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý.
Tại hiện trường, khu vực đồi phía sau nhà bán trú có nhiều vết nứt lớn, đất đá sạt trượt và đổ sập vào các phòng học. Tình trạng này còn đe dọa nhiều phòng khác trong khu ký túc xá, buộc nhà trường phải đóng cửa khu vực để đảm bảo an toàn.
Các lực lượng chức năng cùng thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý đã kịp thời vận chuyển đồ dùng cá nhân và di dời 214 học sinh đến khu phòng học hai tầng để tạm trú trong những ngày mưa lũ, đảm bảo an toàn cho các em.
"Nhờ sự nhanh trí, dũng cảm và hành động kịp thời của cô giáo Bùi Thị Châm, 214 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý đã may mắn thoát khỏi thảm họa sạt lở đất đá", thầy Nguyễn Duy Thủy chia sẻ.
Được biết, cô giáo Bùi Thị Châm, quê ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), đã dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý trong ba năm qua. Vào tháng 5/2024, cô Châm được ký hợp đồng chính thức với UBND huyện Mường Lát theo Nghị định 111.
Ngày 23/9, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã tiến hành kiểm tra tình hình ứng phó với thiên tai tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Lang Chánh.
Tại huyện Mường Lát, ông Lại Thế Nguyên đã kiểm tra điểm sạt lở tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý. Ông đã thăm hỏi tình hình sinh hoạt và học tập của các học sinh, tặng quà cho các em và trao 20 triệu đồng tiền hỗ trợ từ tỉnh để nhà trường có thể chăm lo cho học sinh trong thời gian sơ tán.
Ông Lại Thế Nguyên cũng yêu cầu huyện Mường Lát khẩn trương báo cáo UBND tỉnh về tình trạng khẩn cấp để có thể sớm đầu tư xây dựng công trình bán trú, đảm bảo nơi ở và học tập ổn định cho học sinh.