Trong chuyến công tác tại trường Mầm non xã Tam Văn (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa), cô Hoàng Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường đã cho chúng tôi biết về hoàn cảnh của cô giáo Lữ Thị Thúy - một giáo viên công tác tại trường lâu năm, gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhưng cô rất đam mê và tích cực với công việc.
Ở ngôi trường này, cô Thúy là một trong những giáo viên đã có thâm niên 28 năm làm nghề nuôi dạy trẻ. Cô vào nghề từ năm 1996, thời điểm ấy mọi thứ còn đang sơ khai, khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Cô Hằng cho biết, lớp học ngày ấy chỉ được lợp tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá, trong khi đó, giáo viên chỉ được trả lương bằng 20kg thóc, sau đó lên 120.000 đồng/tháng.
"Những tưởng khi công việc thuận lợi hơn khi mức lương dần ổn định, cuộc sống của cô sẽ bớt khó khăn. Thế nhưng, gia đình cô Thúy lại gặp nhiều biến cố. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng có con trai đầu lòng, niềm hạnh phúc ấy không kéo dài được lâu. Năm 2007, người chồng bỗng dưng phát bệnh tâm thần, rồi đến người con trai cũng có biểu hiện căn bệnh giống bố, hai cha con đi viện nhiều hơn ở nhà", cô Hằng cho biết thêm.
Tìm gặp cô Thúy để rõ hơn về nghịch cảnh của cô, chúng tôi được biết, cuộc sống của cô hiện tại còn khá nhiều khó khăn, cả chồng và con đều không thể tự chăm sóc bản thân nếu thiếu bàn tay của cô. Trong khi đó, gánh nặng kinh tế của cả gia đình cũng đặt lên vai người phụ nữ này. Tiền lương không đủ trang trải thuốc men cho 2 người bệnh trong nhà, cô Thúy thường xuyên phải vay mượn, thời gian rảnh rỗi thì tự trồng trọt, chăn nuôi ở nhà để có thêm thu nhập.
"Nhiều lúc tôi cũng mất hết động lực sống, nhưng thương chồng, con, mình lại phải cố gắng gấp đôi, gấp ba người thường, chỉ mong sao có phép màu giúp chồng con phục hồi sức khỏe. Ngoài chồng con, tiếng cười của trẻ nhỏ dưới mái trường là cả nguồn sống của tôi", ánh mắt cô lóe lên sự kiên định.
Gia đình nhiều bộn bề lo toan là vậy, nhưng cô Thúy luôn hoàn thành tốt công việc ở trường. Ngoài công việc đứng lớp, phụ bếp, cô còn tích cực tham gia các hoạt động lao động, vệ sinh khuôn viên cảnh quan trường lớp, trồng hoa, cây cảnh, cùng các đồng nghiệp làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo…
"Những năm qua, lúc cảm giác bế tắc, mình được các thầy cô trong trường, các tổ chức ở địa phương, rồi bà con trong bản quan tâm chia sẻ, động viên hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, mình rất cảm động và có thêm nghị lực để vượt qua" cô Thúy tâm sự.
Cô Hoàng Thị Hằng chia sẻ: "Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cô Thúy yên tâm công tác. Giáo viên và phụ huynh rất cảm phục trước ý chí, nghị lực của cô giáo Thúy, chúng tôi cũng lấy đó làm tấm gương để cùng nhau cố gắng".
Năm 2021, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cô Thúy cũng đã nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của Liên đoàn lao động huyện Lang Chánh, số tiền 50 triệu đồng để góp vào xây dựng được căn nhà kiên cố hơn, thay thế căn nhà tranh dột nát trước kia.
Ngoài ra, công đoàn ngành Giáo dục, nhà trường, bà con Nhân dân trong bản cũng giúp đỡ về vật chất, tinh thần, ngày công lao động để hoàn thành ngôi nhà mới khang trang, giúp gia đình có nơi ở ổn định và an toàn.