Trở thành góa phụ ở tuổi 25, tưởng chừng cô sẽ gục ngã và không thể nào vượt qua nỗi đau cùng cực ấy. Thế nhưng với một ý chí kiên cường và suy nghĩ phải trân quý cơ hội sống, tương lai tốt đẹp vẫn ở phía trước, cô đã mạnh mẽ vượt qua.
Biết bạn trai nghiện nhưng vẫn lấy làm chồng
Sinh ra và lớn lên ở Cao Thượng (Tân Yên, Bắc Giang), từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Hoàn đã tỏ ra rất có năng khiếu với Bộ môn Ngữ văn. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp cấp III, cô Hoàn thi đỗ vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội II và Trường đại học Luật Hà Nội. Tuy nhiên, vì niềm đam mê với văn học và ước mơ được đứng trên bục giảng từ nhỏ nên cô đã chọn theo nghề sư phạm.
Cô Hoàn luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để sống vui và hết lòng với nghề.
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, cô Hoàn được phân công giảng dạy tại Trường THPT Mỏ Trạng. Vừa trẻ trung, xinh đẹp, lại tài giỏi, cô được không ít chàng trai theo đuổi. Ai cũng nghĩ, rồi đây cô sẽ có được tấm chồng đàng hoàng với một gia đình hạnh phúc khiến bao người phải ganh tỵ. Nhưng nào ngờ... cuộc đời bi thương của cô bắt đầu với mối tình mà cô gọi là duyên phận.
Cô Hoàn kể: “Tôi và chồng là bạn từ hồi cấp 3 nhưng sau đó mỗi người một nơi. Anh ấy đi làm xa còn tôi thì học ở Vĩnh Phúc. Từ khi chuyển lên đây công tác chúng tôi mới gặp lại nhau. Một lần, hai đứa rủ nhau đi ăn cỗ ở huyện Lương Tài (Bắc Ninh) phải đi qua phà. Lúc phà rời bến thì tròng trành, đột nhiên thấy anh ấy nắm lấy tay tôi để giữ cho khỏi ngã. Chỉ là một chi tiết nhỏ đấy thôi nhưng tôi đã nghĩ có lẽ người đàn ông này sẽ là chỗ dựa của cuộc đời mình”.
Khi ấy, vì đi dạy xa nhà nên cô phải ở lại khu tập thể của trường, sức khỏe lại yếu nên cô thường xuyên phải vào bệnh viện. Những khi ấy, bố mẹ của bạn trai luôn là người túc trực chăm sóc cô như con cái trong nhà. Chính sự ân cần ấy đã khiến cho tình cảm của hai người ngày càng gắn bó.
“Thấy chúng tôi quấn quýt bên nhau, đã có nhiều người “bắn tin” cho tôi rằng anh ấy là con nghiện. Khi đó, em trai tôi cũng đã sa chân vào cám dỗ của nàng tiên nâu. Thế nên, hơn ai hết, tôi hiểu người nghiện và gia đình họ cần được cảm thông và yêu thương hơn. Khi đó, anh ấy vẫn chịu khó làm ở cửa hàng sửa chữa xe máy và phụ giúp bố mẹ bán hàng tạp hóa nên tôi càng thương anh. Hơn nữa, khi làm xét nghiệm ở Bệnh viện Thái Nguyên thì kết quả anh ấy chỉ dương tính với mà túy nên tôi tin tình yêu của mình sẽ cảm hóa và khiến anh thay đổi để làm lại cuộc đời. Chính vì vậy, tôi không hề đắn đo khi quyết định lấy người nghiện như anh làm chồng. Thế nhưng, mọi chuyện ở đời chẳng bao giờ như mình dự liệu”, cô Hoàn tâm sự.
Cùng lúc mất đi 3 người thân vì HIV
Đầu năm 2001, đám cưới của cô Hoàn diễn ra êm đẹp trong sự chúc phúc của tất cả bạn bè và người thân. Niềm hạnh phúc nhân đôi khi cuối năm ấy vợ chồng cô vui mừng chào đón đứa con đầu lòng. Những tưởng cuộc sống của cô như vậy đã là viên mãn nhưng nào ngờ đây mới chính là điểm khởi đầu của chuỗi những bất hạnh sắp ập xuống đầu cô.
Từ khi sinh ra, đứa bé cứ khóc ngằn ngặt suốt ngày và đau ốm liên miên. Thuốc thang chạy chữa mãi không khỏi, cô Hoàn đưa con vào viện khám và nhận tin sét đánh: Hai mẹ con đều dương tính với HIV. Cô đã lây nhiễm từ chồng mà không hề hay biết, để rồi vô tình truyền căn bệnh thế kỷ sang đứa con vừa mới lọt lòng. Cô Hoàn chỉ được hưởng tình mẫu tử thiêng liêng vẻn vẹn 4 tháng ngắn ngủi. Con gái qua đời, cô tưởng như mình đã đi đến tận cùng của tuyệt vọng.
Con mất, chồng đang vật vã cai nghiện nên cô phải gồng mình đứng dậy để làm chỗ dựa cho anh. 2 năm chồng đi cai nghiện là 2 năm cô kiên trì, hy vọng vào một tương lai tươi đẹp. Đều đặn hàng tháng, sau khi lĩnh lương, cô dành thời gian và tiền của lên luôn với chồng. Trại cai nghiện ở tận Việt Trì (Phú Thọ) nhưng khoảng cách địa lý không ngăn cản được tấm lòng người vợ hướng đến chồng. Sau cai nghiện, chồng cô trở về với gia đình, niềm vui của cô không thể diễn tả hết bằng lời. Ba mươi ngày ấy, cô trân trọng đến từng phút, từng giây. Thế nhưng đến ngày thứ ba mươi mốt, chồng cô lại không giữ được mình và một lần nữa chìm đắm trong làn khói chết người ấy.
Cô Hoàn rơm rớm nước mắt khi nhắc lại chuyện cũ: “Anh ấy đã rất cố gắng tự cai ở nhà, tự mua dây trói, xích chân để quyết tâm thoát nghiện nhưng vẫn không thành. Chứng kiến chồng vật vã khổ sở, tôi mới biết ma túy tàn phá con người ta khủng khiếp đến thế nào”. Và cứ như vậy, từng ngày, từng ngày cô cay đắng nhìn chồng bị nhấn chìm trong u mê, bế tắc.
Số phận càng thêm cay nghiệt với người đàn bà đẹp. Tháng 4/2005, ngày hôm trước chồng mất thì ngày hôm sau người em trai cũng qua đời vì AIDS.
Không đầu hàng số phận
Trải qua nỗi đau tột cùng: trở thành góa phụ ở tuổi 25, đã có lúc cô Hoàn muốn buông xuôi vì sợ ánh mắt người đời, sợ rằng cô sẽ không thể theo đuổi được ước mơ đứng trên giảng đường dạy các em học sinh thân yêu. Thế nhưng chính tình yêu thương của bố mẹ, gia đình, đồng nghiệp đã giúp cô có động lực để mạnh mẽ, kiên trì sống tiếp và làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. “Nếu tôi chết đi thì bố mẹ là người khổ nhất. Tôi không muốn bố mẹ sớm phải chịu đựng điều đó trong khi tôi còn nợ họ rất nhiều. Nằm xuống rồi, vài mét vuông đất đâu có thể chôn hết được ơn nghĩa sinh thành. Chính vì vậy, lúc nào tôi cũng phải cố gắng để không khóc, lúc nào cũng phải cười thật tươi bởi vì trong 3 chị em chỉ mình tôi được học hành. Bởi tôi là đứa con mà bố mẹ luôn kỳ vọng”, cô Hoàn chia sẻ.
Vượt qua nỗi đau cùng cực, 18 năm qua, cô Hoàn vẫn tiếp tục cống hiến. Nhiều năm liền cô luôn dẫn đầu trong công tác giảng dạy của nhà trường. Không chỉ vậy, cô Hoàn còn liên tục đạt giáo viên dạy giỏi các cấp, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Để thay đổi một định kiến có từ lâu là rất khó, nhưng cô đã kiên trì làm mọi người thay đổi suy nghĩ. Sau nhiều năm, đến nay, cô đã đạt được những thành quả không nhỏ. Học sinh trong trường ai cũng biết đến chuyện không may của cô. Ban đầu họ cũng lo sợ nhưng càng về sau, sự tâm huyết với nghề khiến từ đồng nghiệp, học sinh và ngay cả phụ huynh ai ai cũng tôn trọng, tin tưởng, quý mến cô hơn.
Nhiều người đã hỏi cô, vì sao cô có thể chống chọi được với sóng gió của cuộc đời và luôn nở nụ cười trên môi. Nghe vậy, cô Hoàn liền nói: “Gọi là nghị lực thì hơi mĩ miều quá, với tôi thì đơn giản lắm. Ngay từ nhỏ, tôi đã rất phục mẹ mình, dù có xảy ra chuyện gì, bà cũng bình tĩnh vượt qua. Nhìn bà, tôi lại nghĩ mình cần học hỏi nhiều hơn để không chùn bước trước tai ương. Chính vì vậy, tôi không cho phép mình gục ngã và phải luôn luôn vươn lên trong cả công việc và cuộc sống”.
Cũng theo cô giáo Hoàn, để vượt qua được nỗi đau nhiễm HIV, sự kỳ thị của mọi người thì những người nhiễm HIV phải tự không kỳ thị mình. Mỗi người nhiễm HIV phải tự nâng cao hiểu biết, cởi mở, chân thành, sống lành mạnh. Điều quan trọng nhất là phải sống có trách nhiệm và sẵn sàng chia sẻ về HIV. Không chỉ vậy, để có thể kéo gần khoảng cách giữa người nhiễm HIV và cộng đồng là cả một quá trình. Người trong gia đình cần phải có thật nhiều thông tin, nâng cao hiểu biết, nhận thức đúng về căn bệnh thì mới có thể gần gũi, yêu thương, cảm thông cho người thân. Hơn nữa, những người trong gia đình cần cho người bị bệnh biết, HIV chỉ là bệnh mạn tính. Nếu chúng ta sống tích cực thì sẽ có nhiều cơ hội để điều trị và nâng cao sức khỏe.
Hiện giờ, cô đang sống hạnh phúc với con gái nuôi. Cô bé vốn là học trò của cô, có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn, không ai chăm sóc. Thấy thương cảm, cô nhận nuôi và coi cô bé như con đẻ của mình. Tấm lòng cao quý của cô khiến người ta nể phục.