Mới đây, vụ việc giáo viên tại Trường Tiểu học La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) bị phụ huynh tố trên mạng xã hội đã "bạo hành con mình tàn bạo và đánh như côn đồ" nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo phản ánh của phụ huynh "vì con chơi đùa cùng các bạn trong giờ học nên cô giáo đã kéo con ra khỏi phòng đa năng. Trong quá trình đưa con ra ngoài, cô giáo đã dùng chân đang đi giày để đạp vào phần vai và đạp vào giữa cổ của con gây ra vết thương. Tiếp theo cô có hành động chửi và tát vào giữa mặt con, sau đó con khóc thì cô cho con ra khỏi lớp học và đứng một mình ngoài hành lang…".
Vị phụ huynh này đã yêu cầu nhà trường cung cấp hình ảnh camera và sớm xử lý giáo viên đồng thời đã liên lạc với luật sư để nhờ hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho con.
Hiện Trường Tiểu học La Khê đã tạm đình chỉ công tác của cô giáo này để xác minh.
Cách đây không lâu, vào giữa tháng 10, một giáo viên Trường Tiểu học Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) không kiềm chế được cảm xúc đã "tác động vật lý" khiến học sinh bị sứt tai, bầm tím ở lưng.
Hành vi của giáo viên có thể làm trẻ rơi vào trạng thái hoảng loạn khi nhớ lại
Sau sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học La Khê, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS. Tâm lý học Nguyễn Thị Nhiễn - Giám đốc Trung tâm khoa học tâm lý giáo dục Hải Âu cho rằng, mặc dù cô giáo đã bị tạm đình chỉ giảng dạy và cơ quan chức năng đang xác minh sự việc thì nếu đúng như những gì phụ huynh phản ánh, hành động của cô giáo tại Trường Tiểu học La Khê sẽ có những tác động tiêu cực tới học sinh và môi trường giáo dục. Những hệ quả này không chỉ là tác động ngắn hạn mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo ThS. tâm lý Nguyễn Thị Nhiễn, cô giáo ở Trường Tiểu học La Khê (Hà Đông, Hà Nội) đã kéo lê, đạp vào cổ, tát vào mặt học sinh như phụ huynh phản ánh hay cô giáo "tác động vật lý" làm học sinh bị sứt tai, bầm tím ở lưng xảy ra ở Trường Tiểu học Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), tất cả những hành động đó có thể trở thành những chấn thương tâm lý cho trẻ, in vào trí nhớ của trẻ. Điều này cũng làm tăng nguy cơ trẻ gặp các rối loạn cảm xúc, gây ra những ác mộng, hồi tưởng hay rơi vào trạng thái hoảng loạn khi nhớ lại.
Trẻ cũng sẽ cảm thấy bị làm nhục, xấu hổ, tổn thương tinh thần gây mất ngủ, sợ đến trường, né tránh giao tiếp xã hội. Trẻ mang theo cảm giác tự ti về bản thân, mặc cảm trong những giai đoạn phát triển lứa tuổi về sau. Đi kèm đó là cảm giác bất lực. "Trong những tình huống bị bạo lực, trẻ không biết cầu cứu hoặc nhờ sự trợ giúp của ai, thậm chí không biết cách phản kháng thì trong tương lai những trẻ như vậy khi gặp hoàn cảnh tương tự cũng dễ trở nên thụ động và chấp nhận bạo lực".
Ngoài ra, hành vi bạo lực từ phía giáo viên - người mà trẻ thường xem là hình mẫu rất dễ khiến trẻ hiểu sai về cách thức giải quyết các mâu thuẫn, xung đột. Không chỉ đối tượng bị bạo lực mà tất cả các học sinh chứng kiến sự việc có thể nhận thức rằng "bạo lực là cách để kiểm soát hoặc giải quyết vấn đề".
Đặc biệt, hành vi giáo viên bạo lực học sinh có thể gây suy giảm niềm tin của học sinh với người đã gây ra bạo lực hoặc các thầy cô giáo có phong cách dạy tương tự. Khi một người, đặc biệt là những người mà trẻ tin tưởng lại gây ra những tổn thương với trẻ, điều này có thể làm xói mòn lòng tin vào người lớn, thầy cô, nhà trường, hệ thống giáo dục. Từ đó, trẻ trở nên khép kín, nghi ngờ mọi người hoặc tách biệt xã hội. Tạo ra một môi trường học tập tiêu cực: những hành vi bạo lực này rất dễ làm lây lan cảm giác sợ hãi và nỗi bất an trong lớp học, ảnh hưởng đến tinh thần học tập của nhiều học sinh khác.
Khi gặp tình huống chống đối từ phía học sinh, giáo viên cần làm gì?
ThS. Nguyễn Thị Nhiễn cho biết, những hệ lụy trên có thể là hậu quả của nhiều yếu tố dẫn đến tình huống bạo lực nhưng cũng cần thảo luận nguyên nhân xuất phát từ phía giáo viên như kỹ năng quản lý cảm xúc kém. "Khi gặp một tình huống chống đối từ phía học sinh, người giáo viên phản ứng quá mức căng thẳng dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc và có những hành vi bạo lực như vậy, đồng thời nghiệp vụ sư phạm còn hạn chế trong việc xử lý những tình huống thường xảy ra trong trường học, chưa biết cách giải quyết các mâu thuẫn xung đột bằng những phương pháp giáo dục, dạy học tích cực".
Theo ThS. Nguyễn Thị Nhiễn, sau mỗi sự việc bạo lực học đường dù là với đối tượng nào, giải pháp hỗ trợ theo sau những tình huống đó là vô cùng cần thiết, bao gồm: Tham vấn, tư vấn tâm lý cho học sinh, cần hỗ trợ trẻ phục hồi tinh thần và có những nhận thức đúng đắn thông qua các liệu pháp như nhận thức hành vi, trị liệu dựa vào gia đình hoặc những liệu pháp phù hợp.
Đào tạo liên tục về nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên, không chỉ đào tạo chuyên môn mà kỹ năng quản lý lớp học, công tác học đường, tâm lý lứa tuổi cần được phổ biến tích cực đến giáo viên để hướng đến trường học hạnh phúc. Xây dựng môi trường học đường an toàn tích cực, mỗi trường học cần có những quy định, quy tắc ứng xử phù hợp giữa thầy - trò, nhà trường - gia đình để học sinh có cơ hội phát triển một cách toàn diện.