Cô gái 'xương thủy tinh' thành giám đốc nhờ tiền lì xì

04-03-2014 09:42 | Thời sự
google news

Vừa làm giám đốc Công ty cổ phần TM và sản xuất hàng thủ công Thương Thương, Nguyễn Thị Thu Phương đảm trách thêm chức giám đốc Trung tâm dạy nghề Thương Thương.

Vừa làm giám đốc Công ty cổ phần TM và sản xuất hàng thủ công Thương Thương, Nguyễn Thị Thu Phương đảm trách thêm chức giám đốc Trung tâm dạy nghề Thương Thương.

Về trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm mới mở của Nguyễn Thị Thu Phương (tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) một chiều mưa rét. Tuy nhiên, khi chúng tôi bước vào cảm giác lạnh giá đã bị xua tan bởi nụ cười hạnh phúc của mọi người trong trung tâm. Tất cả điều ấy là sự nỗ lực kỳ diệu của cô gái xương thủy tinh này.

Cô gái xương thủy tinh thành giám đốc nhờ tiền lì xì - Ảnh 1
Mắc bệnh xương thủy tinh khiến Thương chỉ có thể nằm một chỗ

Ước mơ nhỏ bé

Là người con thứ hai trong bốn anh chị em tại một xã nghèo huyện Phú Xuyên, Hà Nội, nhưng không may mắn như mọi người, ngay từ nhỏ Thương đã mắc căn bệnh xương thủy tinh quái ác. Chỉ cần không cẩn thận hay động đậy mạnh là toàn bộ xương trên cơ thể sẽ bị gãy và vỡ vụn ra, phải mất một thời dài mới lành lại được. Điều ấy khiến cho Thương chỉ nằm và di chuyển bằng cách lăn.

Thương cười nhớ lại: “Bởi vì căn bệnh này mà bố mẹ không cho tôi đi học như các bạn. Đến năm em gái tôi lớp một thì bố mới dạy chữ cho tôi. Nhưng nhìn các bạn đến trường lại khiến tôi háo hức và đòi đến trường bằng được”.

Vì quá thương con, nên mẹ Thương và chị đã thay nhau cõng Thương đến trường để học cái chữ. Tay yếu, Thương phải cắn bút học viết, chỉ đến khi viết thông đọc thạo Thương mới quyết định bỏ học.

“Tưởng như, cuộc đời của tôi chỉ trôi qua một cách lặng lẽ như vậy đến cuối đời. Thế nhưng bước ngoặt đã đến vào năm 2000, trong một lần tình cờ xem chương trình “Người tốt việc tốt” nói về những người tật nguyền vượt lên số phận, tôi khát khao được làm việc gì đó, dù nhỏ bé” Thương vừa cuộn tròn những bông hoa giấy vừa kể.

Cô gái xương thủy tinh thành giám đốc nhờ tiền lì xì - Ảnh 2
Tuy nằm một chỗ nhưng Thương rất khéo léo làm ra những sản phẩm độc đáo

Thực ra, lâu nay cô luôn mong muốn làm việc giúp gia đình, đấy là một mơ ước nhỏ bé nhưng rất khó thực hiện đối với người mắc bệnh như Thương. Vì thế, Thương nhất quyết xin gia đình đến trung tâm “Vì ngày mai” để học nghề. Chính nơi đây, Thương đã được học cách làm ra các sản phẩm từ cúc áo và các sợi chỉ. Không những thế, bằng sự sáng tạo của mình, Thương đã mày mò tự làm ra các sản phẩm như: Đèn bàn, áo len, lọ hoa...

Khởi nghiệp kinh doanh từ tiền lì xì

Năm 2005, một người bạn đã đến và dạy cho Thương các làm các sản phẩm “tranh quấn giấy nghệ thuật”. Từ đó, chị cố gắng học tập, mày mò tìm kiếm trên mạng làm ra những sản phẩm độc đáo mới. Những sản phẩm lúc đầu dành tặng cho gia đình và bạn bè.

“Thấy quá nhiều người thích thú với sản phẩm này, vì thế tôi mua thêm nguyên liệu làm tiếp và nhờ một số người bạn bán thử. Thấy có lãi nên ý định kinh doanh được nhen nhóm từ đó. Những đồng tiền ban đầu là do tôi tích góp từ những đồng tiền được lì xì ngày tết”. Thương chia sẻ.

Năm 2008, Nguyễn Thị Thu Thương lập ra website thuongthuong.net để quảng bá và bán sản phẩm. Không những thế Thương còn lập nên trung tâm đồ thủ công mỹ nghệ cho riêng mình. Trung tâm không chỉ sản xuất tranh giấy và các sản phẩm làm bằng cúc áo mà còn dạy nghề cho các bạn khuyết tật để giúp các bạn sống có ích hơn.

Ngày đó, dù mới kinh doanh và tiền kiếm được rất ít, nhưng xong mỗi sản phẩm bán ra Thương luôn trích 5% để lập ra quỹ “Thắp sáng ước mơ” giúp đỡ những người khuyết tật còn khốn khó. “Cái tên Thương Thương không phải là do mình nghĩ ra đâu mà là do mọi người đặt cho đấy. Chắc tại thấy mình dễ thương nên mọi người đặt như thế” Thương cười.

Cô gái xương thủy tinh thành giám đốc nhờ tiền lì xì - Ảnh 3
Cô gái xương thủy tinh thành giám đốc nhờ tiền lì xì - Ảnh 4
Sản phẩm do các bạn khuyết tật làm ra

Con đường kinh doanh của Thương đầy chông gai, vất vả. Đối với người bình thường khó khăn một thì đối với Thương khó khăn mười lần. Thời gian đầu, làm ra một sản phẩm mất rất nhiều thời gian, khó tiêu thụ và cạnh tranh so với sản phẩm trên thị trường.

“Khó nhất là tìm nguyên liệu, bởi ở Việt Nam chưa có loại giấy nào đáp ứng yêu cầu độ dai, độ bền, độ chắc để làm sản phẩm tranh giấy. Tôi phải lên mạng kiếm và nhờ bạn bè đưa hàng về, những loại giấy đang làm phải nhập khẩu bên Nhật về đấy” Thương đưa cho chúng tôi sản phẩm đang làm và chia sẻ.

Điều may mắn là có gia đình bên cạnh Thương, sự động viên của bố mẹ, anh chị em và bạn bè đã giúp Thương dần dần vượt qua tất cả. Hơn nữa, có rất nhiều người hảo tâm rất thích thú trước sản phẩm ý nghĩa của cô gái xương thủy tinh nhưng đầy nghị lực, dần dần hàng loạt đơn đặt hàng tới tấp tìm về khiến cho cuộc đời Thương bước sang trang mới.

Thành công mỉm cười với “anh hùng thầm lặng”

Ngày 13/6/2013 Thương đăng ký thành lập công ty theo chu kỳ khép kín, từ thu mua nguyên liệu, sản xuất và đưa tiêu thụ. Bức tranh giấy Thương có giá trị cao nhất là tấm hình gia đình Nick Vujicic với giá 10 triệu đồng, kích thước 100*80 cm. Đầu tháng 1/2014, công ty Thương Thương hoàn thiện đơn hàng lớn nhất với 1.000 tấm thiệp cho tập đoàn Tôn Hoa Sen, thu về 35 triệu. Đó là phần thưởng bước đầu cho những cố gắng không biết mệt mỏi của cô.

Nhưng điều đáng khâm phục nhất ở Thương chính là suy nghĩ “trong xã hội còn nhiều những mảnh đời bất hạnh. Giúp đỡ được nhiều người thì may mắn sẽ đến với mình”. Trong 10 năm qua, Thương đã mở rất nhiều lớp dạy nghề ngay tại nhà cho những người tàn tật và người có nhu cầu.

Cô gái xương thủy tinh thành giám đốc nhờ tiền lì xì - Ảnh 5
Lớp học nghề dành cho người khuyết tật

Mới gần đây, chị vừa xây xong trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương. Đây sẽ là nơi sản xuất chính và cũng là nơi dạy nghề cho các bạn khuyết tật. Dự kiến ngày 16/3 trung tâm sẽ chính thức khai trương. Tuy nhiên, hiên nay đã có 10 người khuyết tật học nghề và làm việc ở đây, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng.

Cô gái xương thủy tinh thành giám đốc nhờ tiền lì xì - Ảnh 6
Cô gái xương thủy tinh thành giám đốc nhờ tiền lì xì - Ảnh 7
Những con người khuyết tật từ mọi miền về đây học nghề

Nhìn bằng khen do tập đoàn Phần mềm Microsoft tặng danh hiệu “Anh hùng thầm lặng” cách đây 4 năm, UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen “Phấn đấu vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, công tác và học tập”…và hàng loạt bằng khen khác treo khắp tường là minh chứng cho sự thành công của Thương.

Cô gái xương thủy tinh thành giám đốc nhờ tiền lì xì - Ảnh 8
Cô gái xương thủy tinh thành giám đốc nhờ tiền lì xì - Ảnh 9
Những bằng khen này là phần thưởng xứng đáng cho sự cố gắng của Thương

Chia tay Thương và các bạn khuyết tật ở trung tâm, chúng tôi trở về với nhiều băn khoăn trước những dự định về kế hoạch tương lai mà Thương chia sẻ. Thương mong muốn mở rộng kinh doanh và trung tâm dạy nghề để giúp đỡ được nhiều người hơn, tuy nhiên nguồn kinh phí quá lớn vượt ngoài khả năng, mong rằng nhiều Mạnh Thường Quân sẵn sàng tài trợ và chia sẻ để Thương thực hiện được giấc mơ đó.

 

 

 

 


Ý kiến của bạn