Mạng xã hội mới đây lan truyền bài viết kèm theo video và hình ảnh về cô gái cầm trên tay chiếc bánh kem cắm nến, bất ngờ quả bóng bay chạm vào ngọn lửa từ nến trên chiếc bánh kem, làm phát nổ. Vụ nổ khiến cô gái bị bỏng mặt và tay.
Người này chia sẻ trên trang cá nhân: "Đến hôm nay 6 ngày trôi qua rồi em mới bình tĩnh hơn để đăng đoạn video này lên để mọi người phòng tránh ạ.
Mọi người xem chi tiết sẽ biết ạ, lửa cao lên hẳn trần nhà cháy luôn cả dàn bóng hơi thường".
Video cô gái bị bỏng mặt do nổ bóng bay trong ngày sinh nhật. Nguồn: Phạm Giang.
Trưa 20/2, chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, chị Phạm Thị Giang, người chia sẻ đoạn video cho hay, sinh nhật chị vào ngày 14/2 nên đã tổ chức ở nhà hàng và mời người thân, bạn bè đến dự.
Vì muốn tạo ấn tượng với bạn bè và tạo kỷ niệm đáng nhớ cho bản thân, ngoài bóng bay nhà hàng chuẩn bị, chị Giang còn đặt riêng một chùm bóng có in tên mình.
Cuối buổi tiệc chị Giang nhờ bạn quay giúp đoạn video. Một tay chị Giang cầm bánh sinh nhật có nến, tay kia cầm chùm bóng bay có chứa khí hydro.

Gương mặt chị Phạm Giang bị bỏng nặng sau khi bóng bay phát nổ. Ảnh: NVCC.
"Đang đắm mình theo nhạc bất ngờ quả bóng tiếp xúc với nến phát nổ, ngọn lửa bùng lên mặt, bạn bè đưa vào nhà vệ sinh rồi xả nước lên mặt. Ngay sau đó, tôi được đưa tới BV Xanh Pôn. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị bỏng độ 2 ở mặt, bỏng độ 1 ở tay", chị Phạm Giang kể.
Chị Giang cho hay, sau khi bình tĩnh và vết bỏng hiện đang dần ổn định, chị đăng bài cảnh báo lên mạng xã hội để nhiều người thận trọng hơn khi sử dụng bóng bay có chứa khí hydro.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên cao cấp về Sức khỏe môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, khí hydro là chất dễ cháy, có thể phát nổ khi tiếp xúc với nguồn nhiệt như bóng đèn, lửa, đèn sưởi, tàn thuốc lá, nến đang cháy hoặc khi các quả bóng hydro cọ xát mạnh với nhau.
Theo chuyên gia, tình trạng bóng bay bơm khí hydro phát nổ gây bỏng diễn ra khá phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia khác, với nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Dù nguy cơ đã được cảnh báo, nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ và còn chủ quan khi sử dụng loại bóng bay này.
PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh khuyến cáo, khi tổ chức sinh nhật, đám cưới có trang trí bóng bay cần đặc biệt lưu ý mồi lửa tránh xa bóng bay có bơm khí hydro.