Cô gái 17 tuổi bị hoại tử mũi vì tiêm chất làm đầy

05-03-2017 10:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chỉ vì muốn có mũi thon gọn, cao hơn, cô gái trẻ 17 tuổi đã tìm đến một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để tiêm chất làm đầy. Tuy nhiên, đẹp đâu chưa thấy, chỉ sau 2 ngày, mũi của cô gái đã bầm tím rồi hoại tử dần.

Mù mắt, hoại tử mũi, sưng phồng môi... vì tiêm chất làm đầy

Chỉ vì muốn có mũi thon gọn, cao hơn, cô gái trẻ Phùng Thị B. ở Quảng Ninh đã tìm đến một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để tiêm chất làm đầy. Tuy nhiên, đẹp đâu chưa thấy, chỉ sau 2 ngày, mũi của cô gái đã bầm tím rồi hoại tử dần.

GS.TS Trần Thiết Sơn, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, khi đến khoa khám vào cuối tháng 2 vừa qua, toàn bộ cánh mũi trái của bệnh nhân B. đã bị hoại tử, các bọng nước xuất hiện khắp tháp mũi và đầu mũi khiến bệnh nhân hết sức đau đớn.

“Các bác sĩ đã phải can thiệp lấy hết phần chất làm đầy, điều trị thương tổn. Tuy nhiên vùng hoại tử cánh mũi trái không thể phục hồi, bệnh nhân sẽ phải quay lại để ghép da sau 1 tháng nữa”- GS.TS Trần Thiết Sơn cho hay.

Trước đó, cô gái trẻ Phùng Thị B., 17 tuổi làm công nhân tại Móng Cái, Quảng Ninh tìm đến một thẩm mỹ viện trên phố Trung Kính, Hà Nội để tiêm filler (chất làm đầy) giúp mũi thon, cao hơn.

Tại đây, B. được nhân viên của thẩm mỹ viện quảng cáo sẽ tiêm filler có nguồn gốc từ Hàn Quốc, vào mũi nên an toàn tuyệt đối. Người tư vấn cho B. tự nhân là y tá, từng theo học 1 bác sĩ thẩm mỹ trong TP.Hồ Chí Minh. Sau tư vấn, người này tiêm 3 mũi dọc sống mũi B. với giá 3 triệu đồng. Tuy nhiên ngay sau tiêm, B. phát hiện có một đường trắng từ gốc mũi chạy dài lên trán. Sang ngày thứ 2, vệt trắng này chuyển dần sang đỏ tím rồi lan xuống bao trùm toàn bộ đầu mũi, kết hợp đau rát toàn bộ mũi. B vội vã đến Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để thăm khám.

Một trường hợp khác là  chị L. (22 tuổi, ngụ tại TP.HCM) bị mù mắt sau khi tiêm chất làm đầy để nâng mũi và được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhân dân 115. Được biết, chị L. học việc tại một cơ sở thẩm mỹ ở Q.6, sau khi học xong thì nhờ người tiêm chất làm đầy vào mũi. Sau khi tiêm thấy mắt trái mờ, tay chân bên phải yếu dần.

Hay trước đó, Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy (Filler) để làm đẹp môi tại một cơ sở Spa. Đối với trường hợp bệnh nhân này, thay vì tiêm chất làm đầy để có đôi môi đẹp thì chị đã phải nhập viện vì môi sưng phồng, chảy nước…

Một bên mũi bị hoại tử sau khi tiêm chất làm đầy của thiếu nữ 17 tuổi B. là lời cảnh báo cho nhiều người quá cả tin vào việc làm đẹp từ chất làm đầy

Lời cảnh báo từ chất làm đầy trôi nổi

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, hiện Bộ Y tế chỉ cho phép sử dụng trên người một số ít filler cho mục đích thẩm mỹ như Restylane và Juvéderm. 2 loại filler này có cấu tạo từ axit hyaluronic, một thành phần nằm trong da người, là những chất làm đầy được phép sử dụng trên người cho mục đích thẩm mỹ.

“Ngay cả 2 loại filler được cấp phép với sự đảm bảo an toàn từ nhà sản xuất thì vẫn có tỉ lệ nhỏ xảy ra biến chứng không mong muốn, tuy nhiên bác sĩ có thể kiểm soát được”- GS Sơn nói

Tuy nhiên, có một thực tế là trên thị trường làm đẹp ở nước ta hiện nay việc rao bán chất filler hết sức lộn xộn. Khi silicone lỏng (đã bị cấm) và các chất làm đầy không rõ nguồn gốc từ Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng được nhiều spa hô biến thành... filler chất lượng với quảng cáo an toàn tuyệt đối nhưng giá chỉ bằng 30-40% so với chất làm đầy hợp pháp.

“Nguy hiểm nhất là silicone lỏng được nhiều spa quảng cáo trá hình là mỡ nhân tạo khiến nhiều khách hàng sập bẫy, gây ra mối nguy hiểm vĩnh viễn với cơ thể”, GS.Sơn cảnh báo.

Thực tế của 3 trường hợp nhập viện vì tiêm chất làm đầy vào môi, mũi của 3 trường hợp trên không phải là cá biệt, mà trên thực tế có lẽ còn nhiều hơn, bởi việc quảng cáo về làm đẹp từ chất làm đầy của các cơ sở thẩm mỹ rất lôi cuốn, hấp dẫn đối với chị em. Theo GS. TS Trần Thiết Sơn, trường hợp tiêm tại những cơ sở không phép với những loại filler trôi nổi thì nguy cơ biến chứng lớn gấp nhiều lần.

“Những biến chứng nhẹ hay gặp là dị ứng, sưng tấy, phù nề, tụ máu và cảm giác khó chịu. Khi nặng có thể nhiễm trùng, tạo u hạt và tắc mạch - một trong những biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất”, GS nêu

Tắc mạch xảy ra ở bất cứ động mạch nào trên mặt như trán, má, môi, mắt... Hậu quả dẫn tới hoại tử vùng da dọc theo đường đi của động mạch, có thể gây mù mắt hoặc nhồi máu não…

 

Theo các chuyên gia, mục đích tiêm chất làm đầy để điều chỉnh những khuyết điểm trên cơ thể, đặc biệt trên khuôn mặt là nhu cầu chính đáng, nhưng không nên lạm dụng. Có thể thực hiện với những người sợ phẫu thuật tạo hình vĩnh viễn không hợp khuôn mặt khó chỉnh sửa, hoặc muốn làm tạm, thay đổi từ từ. Đặc biệt những người có khuyết điểm trên khuôn mặt như bị các bệnh lý teo mô mỡ do bẩm sinh, do bệnh tự miễn hay vô căn.

Những người bị mất mô mỡ khiến mặt hốc hác, xương gồ lên, dẫn đến không tự tin, có thể tiêm chất làm đầy.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo không xem nhẹ việc tiêm chất này và chỉ nên thực hiện tại các cơ sở đã được cấp phép, không nên chỉ vì nghe quảng cáo, nghe giới thiệu của người khác mà biến mình thành nạn nhân của chất làm đầy...

 

 


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn