SKĐS - Không thể nhớ nổi mình đã giúp cho bao nhiêu sản phụ "mẹ tròn con vuông", HNhach (xã Đê Ar, Mang Yang, Gia Lai) được người dân trong vùng trìu mến gọi là cô đỡ của những buôn làng.

Cô đỡ có trái tim vì cộng đồng

Chiều muộn, các ngôi làng của xã Đê Ar như BTôk; Ar Trớ; Ar Quát…lại rôm rả tiếng trò chuyện của những người phụ nữ sau buổi lao động cực nhọc trên rẫy về nhà, ai cũng nhắc đến cô đỡ HNhach như một niềm tự hào lẫn khâm phục.

Cất tiếng khóc chào đời năm 1993 (hiện ở làng Ar Quát, xã Đê Ar, Mang Yang, Gia Lai), từng ngày lớn lên giữa sự bao bọc của buôn làng, HNhach hiểu hơn ai hết nỗi gian nan, vất vả của những sản phụ người đồng bào dân tộc thiểu số trong xã Đê Ar là khi sinh con, hầu hết họ không đến cơ sở y tế, thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh…

Từ đó, HNhach nuôi khát vọng lớn lên sẽ đi học kiến thức y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho những vùng khó khăn, và năm 2013, HNhach chính thức trở thành cô đỡ thôn bản xã Đê Ar. Xuyên ngày đêm, HNhach vừa thực hiện nhiệm vụ cô đỡ vừa chăm sóc sức khỏe, vừa là cán bộ tuyên truyền gần gũi với tất cả bà con trong buôn lẫn các vùng lân cận.

Cô đỡ vượt nắng mưa giúp các sản phụ “mẹ tròn con vuông” - Ảnh 2.

Cô đỡ HNhach luôn tìm tòi các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, sinh sản để ngày đêm tuyên truyền, chăm sóc cho người dân trong các buôn làng. Ảnh: Hà Văn Đạo

Nhớ về những năm tháng chinh phục giấc mơ vì cộng đồng, HNhach bộc bạch: "Đây là xã vùng sâu, vùng xa nên còn thiếu thốn nhiều thứ, nhất là thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thế nên, nhìn nhiều bạn cùng trang lứa nghỉ học sớm để lập gia đình, tôi thấy mình càng phải vươn lên học tập để giúp đỡ buôn làng. Cứ thế, ngày nối ngày tôi chật vật đến trường lớp tìm con chữ, có nhiều hôm còn phải chạy bộ đến trường".

Ca đỡ đẻ đầu tiên của cô đỡ HNhach là dưới ánh đèn leo lét (vì sự cố mất điện), giữa cơn mưa mịt mù, HNhach phải dắt bộ chiếc xe máy cũ qua nhiều đoạn đường trơn, lổn nhổn đất đá, đến nơi, HNhach phải đi cà nhắc nhưng vẫn đỡ đẻ "mẹ tròn con vuông" cho sản phụ có thai nhi nặng gần 4kg.

Cô đỡ vượt nắng mưa giúp các sản phụ “mẹ tròn con vuông” - Ảnh 3.

Cô đỡ HNhach (bên trái) luôn hạnh phúc mỗi khi thấy các bà mẹ khỏe mạnh và chăm sóc tốt cho con của mình. Ảnh: Hà Văn Đạo

"Khoảnh khắc đứa trẻ cất tiếng khóc oe oe và bà mẹ nở nụ cười đầy mãn nguyện khiến mình thấy nỗi cực nhọc khi di chuyển vừa qua chẳng có gì là khó khăn cả mà bản thân còn có thế tiếp tục băng qua nhiều quãng đường như thế nữa để thăm hỏi thêm tình hình của nhiều sản phụ khác" - HNhach thổ lộ.

Sức mạnh tinh thần còn như được nhân lên khi HNhach có sự đồng hành cùng chồng của mình. Cô đỡ HNhach hạnh phúc, bảo rằng: "Cũng may, chồng tôi làm ruộng rất cực khổ nhưng mỗi khi có tiếng gọi từ gia đình các sản phụ là anh ấy lại bật dậy đưa tôi đi ngay. Có hôm, nhà neo người nên hai vợ chồng địu theo cả đứa con, đi đến nơi, tôi đỡ đẻ còn chồng phụ giúp các công việc lặt vặt".

Còn nhiều trăn trở

Phần lớn phụ nữ xã Đê Ar đều có thói quen đẻ tại nhà nhưng cả xã hiện chỉ có 2 cô đỡ thôn bản nên công việc của HNhach càng vất vả và cũng nhiều trăn trở hơn. 

Cô đỡ vượt nắng mưa giúp các sản phụ “mẹ tròn con vuông” - Ảnh 4.

Cô đỡ HNhach chia sẻ những lợi ích khi đến cơ sở y tế cho các sản phụ ở Đê Ar thấu hiểu. Ảnh: Hà Văn Đạo

Cô tâm sự: "Có nhiều sản phụ khi tôi khám xong, biết là thai nhi khó sinh, tôi khuyên phải đến cơ sở y tế nhưng họ không đi vì thói quen cũ là ngại người lạ, ngại đi xa vì tốn tiền xăng xe. Đau lòng nhất là trong tháng 3/2023, có một sản phụ chưa đầy 30 tuổi mang thai lớn, ngôi ngược, khi khám cho họ, tôi thuyết phục là chuẩn bị đến ngày dự sinh phải đi bệnh viện nhưng họ vẫn cứ không đi. Đúng lúc tôi về chịu tang mẹ chồng, cách nhà sản phụ này 150km thì sản phụ đau đẻ quá mới điện cho tôi báo "cô đỡ ơi, em đau quá, chân con em nó thò ra rồi nhưng không sao ra thêm được nữa". Biết sự việc quá gấp gáp, tôi liền báo ngay đến Trạm Y tế xã Đê Ar để xuống hỗ trợ nhưng đã quá muộn nên không thể cứu được em bé".

Cô đỡ vượt nắng mưa giúp các sản phụ “mẹ tròn con vuông” - Ảnh 5.

Thực tế, nhiều buôn làng ở xã Đê Ar phụ nữ vẫn chưa thay đổi thói quen cũ là đẻ tại nhà nên cần có thêm những cô đỡ thôn bản. Ảnh: Hà Văn Đạo

Biết rằng muốn thay đổi thói quen của các sản phụ ở buôn làng ở Đê Ar là điều không làm được trong một sớm, một chiều nên cô đỡ HNhach càng dành nhiều thời gian hơn để tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Trong năm 2022 có hơn 90 ca đẻ tại nhà ở xã Đê Ar thì cô đỡ HNhach đã đã đỡ đẻ thành công "mẹ tròn con vuông" cho 24 ca.

Có những sản phụ không biết nói tiếng Kinh, khi vận động họ đến cơ sở y tế sinh con, cô đỡ HNhach lại khăn gói chạy theo để làm người "phiên dịch". HNhach chia sẻ: "Nhiều ca dự đoán khó đẻ, mình quyết tâm bám sát sản phụ, đốc thúc họ đến cơ sở y tế. Bác sĩ khuyên nhủ gì, nhắc nhở gì thì mình dịch lại bằng tiếng Ba Nar cho sản phụ nghe, còn khi sản phụ nói bằng tiếng Ba Nar thì mình dịch lại bằng tiếng Kinh cho các sĩ nghe".

Trước khi thay đổi được nhận thức, thói quen cũ đồng bào người dân tộc thiểu số ở Đê Ar trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, sinh sản thì cần có thêm cô đỡ thôn bản là điều cần thiết để công tác vận động, hỗ trợ cho các sản phụ được tốt hơn.


HÀ VĂN ĐẠO
Khóc – cười chuyện đỡ đẻ của cô đỡ thôn bảnKhóc – cười chuyện đỡ đẻ của cô đỡ thôn bản

SKĐS - Cho sản phụ quần áo, khố tã, xin được đỡ đẻ không công, gọi sản phụ ra chái nhà để vệ sinh cho cả mẹ và con… là các công việc thường ngày của cô đỡ thôn bản đang cần mẫn ngày đêm.

Ý kiến của bạn