Cô đỡ thôn bản trở thành chức danh chính thức

24-04-2013 09:51 | Tin nóng y tế

Sáng 23/4, Bộ Y tế và Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo triển khai Thông tư 07, được phê duyệt ngày 8/3/2013, quy định tiêu chuẩn, chức năng và nhiệm vụ của cán bộ y tế thôn bản, bao gồm cô đỡ thôn bản người dân tộc.

Sáng 23/4, Bộ Y tế và Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo triển khai Thông tư 07, được phê duyệt ngày 8/3/2013, quy định tiêu chuẩn, chức năng và nhiệm vụ của cán bộ y tế thôn bản, bao gồm cô đỡ thôn bản người dân tộc. Thông tư mới này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy quá trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế và cứu sống bà mẹ, trẻ em.

Nhiều thách thức
Cô đỡ thôn bản trở thành chức danh chính thức 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết phát biểu tại hội thảo.

Mỗi năm trên thế giới có 358.000 phụ nữ tử vong trong thời kỳ mang thai hoặc trong khi sinh đẻ, khoảng 2 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 24 giờ đầu tiên và có đến 2,6 triệu trường hợp thai chết lưu – mà nguyên nhân do sự yếu kém và thiếu thốn của dịch vụ y tế. Tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ với dịch vụ hộ sinh có chất lượng là một trong các ưu tiên toàn cầu nhằm giúp  tăng cường nhận thức về quyền của phụ nữ trong việc tiếp cận chăm sóc y tế tốt nhất. 

Theo số liệu của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam đã có những bước tiến bộ đáng kể trong việc đạt được các MDG về y tế ở cấp quốc gia nhưng vẫn còn nhiều thách thức ở khu vực dân tộc ít người và miền núi cần giải quyết. Giai đoạn 10 năm trước, tử vong ở mẹ khu vực miền núi còn rất cao. Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2002 cho thấy, tỷ lệ tử vong mẹ nói chung của cả nước là 165/100.000, tuy nhiên tỷ lệ này ở phía Bắc là 411/100.000 và miền núi trung du là 269/100.000, cao gấp nhiều lần so với vùng đồng bằng. Việc đẻ tại nhà, đặc biệt đẻ không được cán bộ y tế đỡ, là một nguyên nhân quan trọng của tử vong mẹ cao ở các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa. Theo báo cáo số liệu tiến hành điều tra năm 2009 của Vụ SKBMTE cho thấy: mặc dù tử vong mẹ trong giai đoạn gần đây đã giảm đáng kể nhưng tử vong mẹ ở các vùng dân tộc, miền núi còn cao hơn 3-4 lần so với khu vực đồng bằng. Tỷ lệ đẻ tại nhà hiện cũng vẫn còn cao ở các tỉnh khu vực miền núi, khoảng 40-60%: lai châu 59%, Điện Biên 55%, Lào Cai 53%; Hà Giang 45%... 

Vai trò của cô đỡ thôn bản

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Thông tư số 07/2013/TT-BYT ra đời sẽ chính thức đưa cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam. Điều này giúp động viên, ổn định đội ngũ cô đỡ thôn bản đã được đào tạo tham gia các hoạt động cung cấp các dịch vụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; đặc biệt là công tác quản lý, chăm sóc thai sản của đội ngũ cô đỡ thôn bản ở các vùng sâu, vùng xa, vùng tồn tại phong tục đẻ tại nhà, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh, giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng.
Cô đỡ thôn bản trở thành chức danh chính thức 2
Bà Mandeep K.O’Brien, quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) phát biểu tại hội thảo.

Từ năm 1979, sáng kiến đào tạo cô đỡ thôn bản của Bệnh viện Từ Dũ do GS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng làm Giám đốc,  một số chương trình dự án đã đào tạo các phụ nữ trẻ người dân tộc đang sinh sống tại cộng đồng, có thể sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc bà mẹ trẻ em, cung cấp các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh ở những khu vực miền núi. Từ năm 1998 đến nay, đã có khoảng 1.300 cô đỡ thôn bản được đào tạo. Hiện tại có khoảng 80% số này đang làm việc và có những đóng góp không nhỏ vào công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ em, giảm tai biến sản khoa.  Tuy nhiên, các cô đỡ này chưa có một chức danh chính thức trong ngành y tế; không được phân công, giám sát hỗ trợ; không được sinh hoạt chuyên môn. Do chưa được chính thức đưa vào hoạt động trong hệ thống y tế, chưa có chức danh và chưa có nguồn phụ cấp chính thức nên nhiều cô đỡ đã bỏ nghề.

Bà Mandeep K.O’Brien, quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng: “Đầu tư nhân lực cho y tế là một trong các đầu tư hiệu quả nhất mà mỗi quốc gia có thể làm. Chúng tôi hy vọng mô hình đào tạo cho cán bộ y tế thôn bản, bao gồm cô đỡ thôn bản là người dân tộc; và vai trò chính thức của họ trong hệ thống y tế nên được công nhận rộng tại khu vực miền núi và vùng khó khăn. Nếu làm được việc này thì Việt Nam có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế ở mỗi tỉnh, trong các nhóm dân tộc thiểu số, ở cả nông thôn và thành thị”. Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng cam kết tiếp dục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện tiếp cận phổ cập đến sức khỏe. 

Tại hội thảo, đại diện Bộ Y tế đã trình bày về thực trạng các dịch vụ làm mẹ an toàn ở khu vực miền núi và vùng sâu, vùng xa cũng như những khó khăn và thách cần được giải quyết. Thiếu nhân lực, không có sẵn các dịch vụ làm mẹ an toàn…là những thách thức chủ yếu. Ngoài ra, đại diện của các tỉnh cũng chia sẻ kinh nghiệm về cách tổ chức đào tạo cho cô đỡ thôn bản người dân tộc và sử dụng họ như thế nào giúp cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở khu vực dân tộc miền núi. 

Khánh Mai

Ý kiến của bạn