Cô đỡ thôn bản 30 năm chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai

25-11-2022 16:16 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, đội ngũ cô đỡ thôn bản có rất nhiều đóng góp quan trọng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Những “cô đỡ” giữa đại ngàn Tây NguyênNhững “cô đỡ” giữa đại ngàn Tây Nguyên

SKĐS - 23 giờ đêm đông rét mướt, Y Ngọc đang chìm vào giấc ngủ say sưa trong không gian tĩnh mịch của thôn Kạch Lớn II, xã Đắk Sao, huyện Tu mơ rông, tỉnh Kon Tum thì nghe tiếng gọi thất thanh của một người dân tìm đến cầu cứu "bà đỡ"....

30 năm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh

Từ năm 1992, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức đào tạo thí điểm cô đỡ thôn bản tại Lâm Đồng và Ninh Thuận với 37 học viên đầu tiên thuộc các dân tộc Nùng, Mơ Nông, Tày, Khơ me, S'tiêng. Giai đoạn 1999-2001 đã có 4 khóa đào tạo cho huyện Bù Đăng và Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) với tổng số học viên là 113 người.

Từ những thành công bước đầu, Bệnh viện Từ Dũ đã phát triển thành "Chương trình đào tạo 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số". Các học viên là những phụ nữ dân tộc có trình độ học vấn thấp, có những người mới chỉ đọc, viết được tiếng Kinh, được bệnh viện phối hợp với Hội Phụ nữ và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản các tỉnh chọn lọc ở các thôn bản.

Cô đỡ thôn bản 30 năm chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai - Ảnh 2.

Cô đỡ thôn bản có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai,, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Các học viên được đào tạo 6 tháng tại bệnh viện về chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ, trẻ em sơ sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe phụ nữ, trẻ em… Sau đó, họ trở về công tác tại cộng đồng với sự giám sát chuyên môn của các bác sỹ Bệnh viện Từ Dũ.

Chương trình đã đào tạo được tổng số 720 cô đỡ thôn bản. Sau khi kết thúc đào tạo, các cô đỡ đều quay lại cộng đồng và được bệnh viện hỗ trợ về vật chất, khuyến khích bằng kinh phí dựa trên các kết quả cung cấp dịch vụ cho phụ nữ và người dân trong cộng đồng của họ.

Từ năm 2008, với sự tài trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ thử nghiệm "Mô hình cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số" tại 3 tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Kon Tum.

Các cô đỡ thôn bản được chọn từ các phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số và hầu hết có trình độ văn hóa từ lớp 5 trở lên; được đào tạo những kỹ năng cơ bản về chăm sóc sản khoa và xử lý ban đầu các tai biến sản khoa, sơ sinh.

Cô đỡ thôn bản 30 năm chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai - Ảnh 3.

Cô đỡ thôn bản giúp cuộc sinh nở của sản phụ an toàn.

Đối với các học viên chưa phải là nhân viên y tế thôn bản, chương trình đào tạo kéo dài 18 tháng bao gồm: 9 tháng học lý thuyết, 3 tháng học chương trình y tế thôn bản và 6 tháng thực hành tại cộng đồng với sự giám sát chặt chẽ của Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Với những học viên là nhân viên y tế thôn bản, thời gian đào tạo là 15 tháng. Qua đó, 63 cô đỡ thôn bản được đào tạo theo chương trình trên đã trở về hoạt động tại các thôn bản của 3 tỉnh với sự giám sát thường xuyên của hệ thống y tế địa phương, đặc biệt là trạm y tế xã và được báo cáo, đánh giá trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe bà mẹ và trẻ em của các tỉnh.

Đào tạo cô đỡ thôn bản

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cô đỡ thôn bản là những người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Họ được đào tạo về y tế chuyên về lĩnh vực sức khỏe sinh sản. Để có thể cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tại các vùng sâu vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Do cùng sống trong cộng đồng bản địa, hiểu phong tục tập quán, có cùng ngôn ngữ, cô đỡ thôn bản đã dễ dàng tiếp cận để tuyên truyền và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản, buôn làng. Kể từ khi những cô đỡ thôn bản đầu tiên được đào tạo cách đây 30 năm, đến nay mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều tỉnh.

Cô đỡ thôn bản 30 năm chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai - Ảnh 4.

Cô đỡ thôn bản được đào tạo theo quy định của Bộ Y tế.

Cô đỡ thôn bản được đào tạo nghề sơ cấp theo nội dung chuyên môn do Bộ Y tế quy định. Cô đỡ thôn bản được đào tạo bằng hình thức cầm tay chỉ việc, cả thực hành tiền lâm sàng và lâm sàng. Lực lượng đào tạo là đội ngũ nhân viên y tế có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn.

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, hiện nay cả nước có gần 2.700 cô đỡ thôn bản ở 27 tỉnh.

Thông tin hoạt động mạng lưới cô đỡ thôn bản cho thấy hiện nay có 3726 xã thì số xã có đẻ tại nhà là 1386 (chiếm 37,2%). Cả nước có 12.939 thôn bản vùng địa bàn khó khăn thì Thừa Thiên Huế là tỉnh ít nhất với 27 thôn bản, Sơn La nhiều nhất với 1708 thôn bản. Số thôn bản cần có cô đỡ thôn bản là 7.221 nhưng hiện mới chỉ có 2.632 xã có cô đỡ thôn bản. Vẫn còn 4.639 xã chưa có đội ngũ này.

Trên cả nước, tổng số cô đỡ thôn bản được đào tạo trên 6 tháng là 2.632 nhưng chỉ có 1.702 cô đỡ thôn ban được đào tạo đang hoạt động (chiếm 64,7%) trong đó ít nhất là Phú Yên (3 người) và nhiều nhất là Điện Biên (203 người).

Số cô đỡ thôn bản đang được hưởng phụ cấp của nhân viên y tế thôn bản là 1.142 người (chiếm 67%) trong đó tỉnh ít nhất là Phú Yên, nhiều nhất là Nghệ An và Điện Biên.

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, đội ngũ này đã có rất nhiều đóng góp quan trọng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ.

Từ cô đỡ thôn bản đến... thuận tự nhiênTừ cô đỡ thôn bản đến... thuận tự nhiên

SKĐS - Tây Nguyên những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, trong các báo cáo của chính quyền các cấp thường xuyên thấy có 2 nhiệm vụ nổi lên, là tuyên truyền để nhân dân bỏ tục chôn chung và vào rừng đẻ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Mưa Lũ Dồn Dập, Nguy Cơ Bùng Phát Nhiều Dịch Bệnh | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn